Giáo viên, nhân viên y tế chiếm 80% tổng số biên chế sự nghiệp

07-11-2019 14:17 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngày 7/11, Quốc hội bước sáng ngày thứ hai tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành. Theo chương trình, trong ngày thứ hai các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh về Nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực công thương; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân về Nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực nội vụ.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, các đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang); Phùng Văn Hùng (Cao Bằng); Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An);... chất vấn các vấn đề: Bảo đảm biên chế y tế, giáo dục theo xu hướng tiến bộ trong bối cảnh tinh giản biên chế hiện nay, nhất là biên chế giáo viên ở khu vực dân tộc, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; minh bạch việc thi nâng ngạch công chức, viên chức; có nên bỏ quy định phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học khi thi nâng ngạch hay không? giải pháp ngăn chặn, xử lý cán bộ, công chức tham nhũng vặt;...

Liên quan đến vấn đề bảo đảm biên chế y tế, giáo dục theo xu hướng tiến bộ trong bối cảnh tinh giản biên chế hiện nay, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải thích, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục, y tế là vấn đề phức tạp. Bộ trưởng thông tin, tổng biên chế sự nghiệp cả nước hiện nay là khoảng 1.800.000 người, riêng giáo viên khoảng hơn 1,5 triệu người, chiếm tỷ lệ rất lớn. Tính chung, biên chế cho giáo viên và nhân viên y tế chiếm tới khoảng 80% trên tổng số biên chế sự nghiệp.

Theo thống kê, ban đầu đã xác định 87.000 giáo viên các cấp còn thiếu. Ngành y tế cũng thiếu khoảng hơn 12.000 người. Bộ Nội vụ đang phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Giáo dục để xác minh cụ thể từng địa phương, từ đó có đề xuất Chính phủ và Bộ Chính trị để tiếp tục bổ sung biên chế, đảm bảo đúng chủ trương, có người học là phải có giáo viên, có người bệnh là phải có người chăm sóc.

Vấn đề cần tháo gỡ, theo Bộ trưởng Nội vụ, định mức biên chế của ngành giáo dục và y tế đã xây dựng, áp dụng từ năm 2007, đến nay, sau 12 năm đã quá lạc hậu. Vậy nên 2 ngành này cần tiến hành xây dựng định mức, xác định cho rõ lại, tiến tới xây dựng lộ trình tự chủ và xã hội hoá trong các lĩnh vực để giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Ngành Nội vụ chỉ đặt vấn đề giảm số người hưởng lương từ ngân sách chứ không giảm nhân lực làm việc trong các đơn vị sự nghiệp.


A.T
Ý kiến của bạn