Giáo viên mong ước gì trong năm mới 2024?

02-01-2024 13:55 | Xã hội

SKĐS - Đội ngũ giáo viên mong ước ngành giáo dục sẽ có nhiều đổi mới trong năm 2024. Họ mong học sinh được đến trường với cơ sở vật chất đầy đủ; mong các kỳ thi giữ ổn định; mong được áp dụng mức lương mới…

Mong có một số quy định bảo vệ giáo viên khi bị xúc phạm

Chia sẻ với PV báo Sức khoẻ và Đời sống về những mong muốn, kỳ vọng vào ngành giáo dục năm 2024, thầy Nguyễn Văn Đường - giáo viên dạy Lịch sử ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội cho biết: "Năm mới đến, điều mà giáo viên chúng tôi mong muốn là tiếp tục có sự thay đổi tích cực trong giáo dục. Mong kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh 10 cần giữ ổn định, không nhất thiết năm nào cũng thay đổi, điều chỉnh.

Trong năm 2024, giáo viên chúng tôi mong sẽ bớt được nhiều áp lực trong công việc để chuyên tâm vào giảng dạy và giáo dục học sinh. Tôi mong Sở Nội vụ Hà Nội, Bộ GD&ĐT tháo gỡ những vướng mắc, hạn chế trong Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT để giáo viên đỡ thiệt thòi trong quá trình xét thăng hạng, đặc biệt là nội dung xác định thời gian giữ hạng phải có bằng đại học đủ 9 năm. Thực hiện nghị định 85/NĐCP trên quy mô toàn quốc, đảm bảo quyền thăng hạng cho giáo viên cả nước".

Còn cô Nguyễn Hương Giang - giáo viên Trường THPT Công nghiệp (tỉnh Phú Thọ) mong muốn thống nhất một bộ sách giáo khoa chung cho cả nước. "Nếu có một bộ sách chung, những bộ sách hiện hành sẽ trở thành sách tham khảo với phụ huynh, học sinh, đặc biệt là giáo viên. Đây có thể coi là một kho tài liệu vô cùng phong phú cho giáo viên khi dạy bộ sách chuẩn của Bộ GD&ĐT.

Bên cạnh đó, thời gian tới, giáo viên chúng tôi mong sẽ có được một số quyền trong việc giáo dục học sinh và Bộ GD&ĐT cần có một số quy định bảo vệ giáo viên khi bị xúc phạm. Còn đối với lương giáo viên, ngoài việc mong chính thức được áp dụng mức lương mới thì tôi cũng mong trong bảng lương sẽ bổ sung thêm tiền thưởng, không bao gồm phụ cấp".

Năm 2024: Giáo viên mong ước gì?- Ảnh 1.

Năm mới, nhiều giáo viên mong ước sống được bằng lương. Ảnh minh hoạ.

Là một giáo viên cấp tiểu học, cô Bùi Thị Hợp (huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) cho biết ước mong của mình là các thầy cô sẽ được tăng chế độ chính sách; cơ sở vật chất và trang thiết bị học tập được tăng cường và trang bị đầy đủ. 

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT nên rà soát lại những văn bản đã ban hành trong những năm qua xem loại văn bản nào không còn phù hợp, văn bản nào còn bất cập, gây khó khăn cho giáo viên, văn bản nào còn hình thức không hiệu quả thì bãi bỏ để ngành giáo dục hướng về việc dạy thật, học thật, thi đua thật. Năm mới, ai cũng mong muốn điều tốt đẹp và đội ngũ nhà giáo chúng tôi cũng vậy. Chúng tôi mong muốn mọi người đều an vui, học sinh chăm ngoan, thầy cô sống được bằng lương, ngành giáo dục năm mới không còn những chuyện buồn".

ThS. Phạm Thái Sơn - Trường Đại học Công Thương TP.HCM bày tỏ: "Năm 2024 tôi mong muốn việc thi cử sẽ nhẹ nhàng hơn và trong sạch hơn nữa. Thi để đánh giá học sinh mà đánh giá thì phải thực chất hơn chứ không phải đánh giá ảo như bây giờ. Ngoài ra, tôi cũng mong các trường, lớp cũng nên đưa vào sử dụng ChatGPT; chính sách cho các thầy cô phải thay đổi để thu hút nhân lực...".

"Hy vọng sẽ bớt giáo viên phải bỏ nghề vì áp lực cuộc sống do thu nhập thấp"

Chia sẻ với báo chí về những mong muốn, kỳ vọng vào ngành giáo dục năm 2024, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Hải Dương bày tỏ: "Kỳ vọng đầu tiên của tôi là Bộ GD&ĐT tham mưu cho Chính phủ sớm trình Quốc hội về Luật Nhà giáo. Hiện nay, Luật Nhà giáo đã xây dựng dự thảo và đang xin ý kiến các ngành, cơ quan liên quan. Trong chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội cũng có xem xét Luật Nhà giáo.

Tôi mong muốn Luật Nhà giáo sẽ được xây dựng đúng thời hạn và đảm bảo chất lượng trình Quốc hội. Bởi vì đây là lần đầu tiên chúng ta có Luật Nhà giáo. Tôi cũng kỳ vọng những khó khăn, vướng mắc, trở ngại nổi cộm của ngành giáo dục trong thời điểm hiện tại, khi ban hành luật sẽ được điều chỉnh, tháo gỡ.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT đã lựa chọn phương án thi tốt nghiệp THPT cho chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tôi hy vọng chúng ta sẽ chuẩn bị điều kiện tốt nhất để đón kỳ thi đầu tiên sau khi đổi mới chương trình sách giáo khoa. Năm 2024 sẽ là năm chuẩn bị quan trọng. Chúng ta có chuẩn bị kỹ lưỡng thì kỳ thi mới diễn ra một cách hiệu quả.

Đối với việc phát triển đội ngũ nhà giáo. Năm 2024-2025 là lứa sinh viên sư phạm đầu tiên được đào tạo theo chuẩn chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ ra trường. Đội ngũ sinh viên ra trường sẽ tạo nguồn nhân lực lớn cho ngành giáo dục và cũng khẳng định thành công chương trình giáo dục năm 2018.

Bên cạnh đó, chế độ chính sách cho giáo viên sẽ thay đổi đáng kể khi chúng ta thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2024. Như Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói trước Quốc hội, lương giáo viên sẽ được xét vào thang bảng lương cao nhất. Tôi hy vọng rằng, với sự động viên khuyến khích đó giáo viên sẽ bớt khó khăn về vật chất từ đó sẽ bớt giáo viên phải bỏ nghề vì áp lực cuộc sống do thu nhập thấp.

Tôi cũng mong chúng ta tiếp tục thực hiện chương trình sách giáo khoa mới có hiệu quả hơn, có nề nếp hơn, tạo sự đồng thuận cao hơn trong toàn xã hội. Năm nay cũng không còn những câu chuyện giật gân một cách đáng buồn trong ngành giáo dục như bạo hành giữa học sinh với giáo viên, giáo viên với học sinh; Những chuyện bê bối ăn chặn, ăn bớt chế độ của học sinh, đặc biệt là học sinh vùng cao sẽ không còn tái diễn trong năm 2024 và những năm tiếp theo...".

10 dấu ấn giáo dục và đào tạo nổi bật năm 202310 dấu ấn giáo dục và đào tạo nổi bật năm 2023

SKĐS - Xác định phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, phê duyệt sách giáo khoa mới, phát triển và chăm lo đội ngũ nhà giáo là 3 trong 10 dấu ấn nổi bật của ngành giáo dục năm 2023.

Đỗ Vi
Ý kiến của bạn