Năm 2025 là thời điểm lứa học sinh đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thi tốt nghiệp. Bộ GD&ĐT hiện đang tích cực hoàn thiện phương án thi với phương châm đổi mới nhưng có kế thừa, tiếp thu. Đồng thời, gọn nhẹ, không căng thẳng, áp lực, không gây tốn kém.
Ngoài 2 phương án thi 4 môn bắt buộc hoặc 3 môn bắt buộc, sau khi khảo sát một số địa phương trên cả nước, Bộ GD&ĐT đề xuất thêm phương án 2+2: thí sinh học chương trình THPT phải thi 4 môn, gồm: 2 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (bao gồm cả môn Ngoại ngữ và Lịch sử).
Học sinh muốn giảm bớt gánh nặng
Sinh năm 2007, là lứa học sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT vào năm 2025, Phạm Hà Linh (học sinh lớp 11 Trường THPT Yên Mô B, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) cho biết rất vui khi tiếp nhận thông tin này. "Nếu Bộ GD&ĐT lựa chọn phương án 2+2 thì học sinh chúng em sẽ không gặp nhiều áp lực. Theo em, phương án thi 4 môn khá hợp lý, giúp giảm bớt gánh nặng cho học sinh thay vì phải thi 5 - 6 môn (trong đó có 2 môn tự chọn) như các phương án trước. Đồng thời, học sinh có thể chọn môn học phù hợp với năng lực, sở thích cá nhân".
Hà Linh cho biết thêm, đối với hai phương án 4+2 và 3+2 có thể đánh giá toàn diện nhưng điều đó sẽ khiến thí sinh bị áp lực về việc phải đạt được điểm số cao trong cả 5-6 môn.
Em Nguyễn Hoàng Bách (học sinh lớp 11 Trường THPT Trung Văn, Hà Nội) chia sẻ: Chúng em là lứa học sinh THPT đầu tiên học theo chương trình mới, sách giáo khoa mới nên có rất nhiều bỡ ngỡ. Em mong được giảm lượng kiến thức trong bài thi THPT cũng như giảm bớt môn thi để không tạo áp lực quá lớn cho học sinh trước kỳ thi quan trọng. Để không bị ảnh hưởng đến quá trình định hướng trong học tập cũng như ôn luyện, em mong có phương án thi tốt nghiệp THPT sớm nhất".
Bộ GD&ĐT nên quyết định càng sớm càng tốt
Chia sẻ với PV báo Sức khỏe và Đời sống, thầy Nguyễn Duy Khánh (Giáo viên thuộc Hệ thống giáo dục trực tuyến MClass, nguyên giáo viên Sinh học Trường THPT chuyên Hùng Vương, Phú Thọ) cho rằng, dù chọn phương án nào thì Bộ GD&ĐT nên quyết định càng sớm càng tốt để các cấp quản lý, nhà trường, giáo viên và học sinh cũng như cộng đồng chủ động được thông tin và có kế hoạch hiệu quả. Và khi công bố cần có cấu trúc, ma trận đặc tả luôn.
Tất nhiên là phương án tuyển sinh nào càng ít môn thi sẽ càng được cộng đồng lựa chọn. Đó là điều hiển nhiên mà chưa cần phải khảo sát. Theo tôi, môn học nào cũng quan trọng. Môn học nào, lĩnh vực nào, công việc và ngành nghề nào cũng đều góp phần phát triển xã hội và đều bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước. Toán, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Công nghệ… đều quan trọng.
Những việc đáng bàn hơn đó chính là những bất cập trong chương trình GDPT mới, những vấn đề tồn đọng lớn trong giáo dục hiện nay, sự bất hợp lý về tỉ lệ trường công lập, vấn đề dạy thêm và học thêm, chất lượng đào tạo của các trường cao đẳng và đại học, môi trường làm việc và chế độ cho giáo viên…", thầy Khánh nêu quan điểm.
Cô Nguyễn Thị Kim Dung - giáo viên Trường THPT Công nghiệp (Phú Thọ) ủng hộ phương án 2+2 được áp dụng và số buổi thi là 3, giảm 1 buổi so với hiện nay. Việc thi 4 môn sẽ giúp các em học sinh giảm áp lực thi cử và không gây mất cân bằng giữa các tổ hợp tuyển sinh. Theo tôi, phương án này sẽ phù hợp với định hướng nghề nghiệp của thí sinh, tạo điều kiện cho các em dành thời gian học tập các môn lựa chọn liên quan đến ngành học trong phương thức tuyển sinh ở trường đại học. Bên cạnh đó, việc các em được lựa chọn 2 môn tự chọn nhằm giúp các em phát huy tốt năng lực sở trường, thuận lợi cho thí sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào các trường đại học".
Trước 3 đề xuất thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, thầy Nguyễn Hữu Sản - nguyên giáo viên Trường THPT Việt Đức cho rằng, cả ba phương án đều có ưu và nhược điểm riêng. "Theo tôi, phương án 2+2 có nhiều ưu điểm hơn bởi số buổi thi ít hơn, không gây tốn kém về nguồn lực con người và tài chính. "Tuy nhiên, dù chọn phương án nào thì mong Bộ GD&ĐT sớm có thông báo chính thức để giáo viên có kế hoạch dạy và ôn tập cho học sinh".
Trước đó, Bộ GD&ĐT đã công bố kết quả lấy ý kiến về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Về kết quả khảo sát, trên phạm vi cả nước với trên 130.000 cán bộ, giáo viên tham gia, 26,41% lựa chọn phương án 4+2; 73,59% lựa chọn phương án còn lại.
Còn theo khảo sát tại Hội nghị công tác quản lý chất lượng với 205 đại biểu là lãnh đạo Sở GD&ĐT và lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc Sở GD&ĐT: 31,2% đồng ý với phương án 4+2 và 68,8% đồng ý với phương án còn lại.