Giáo viên dạy Văn chỉ ra lỗi học sinh hay mắc khi làm bài thi vào lớp 10

03-06-2024 16:54 | Xã hội
google news

SKĐS - Trước kỳ tuyển sinh vào lớp 10, cô giáo dạy môn Ngữ văn chỉ ra những lỗi cơ bản mà học sinh hay mắc phải khi làm bài.

Cô Phùng Ngọc Khanh, giáo viên Trường THCS Lê Hồng Phong, TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai đã có những chia sẻ trước kỳ tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới. Cô Khanh là giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy môn Ngữ văn khối 9 và ôn cho học sinh thi vào THPT đạt kết quả cao.

Theo cô Phùng Ngọc Khanh, kỳ thi vào lớp 10 là một kỳ thi quan trọng đối với cả giáo viên và học sinh. Để có kết quả tốt, riêng đối với môn Ngữ văn, các em cần dành nhiều thời gian ôn tập kỹ lưỡng để "mưa dầm thấm lâu". Các em cần đọc kỹ tác phẩm truyện để tóm tắt; thuộc lòng, nắm được bố cục của các bài thơ, ý chính trong mỗi khổ, mỗi phần. Cần hiểu được nghệ thuật cơ bản của tác phẩm truyện, tác phẩm thơ.

Giáo viên dạy Văn chỉ ra lỗi học sinh hay mắc khi làm bài thi vào lớp 10- Ảnh 1.

Khi vào phòng thi các em cần có một tâm thế bình tĩnh, tự tin nhưng không chủ quan. Ảnh: Quỳnh Mai.

Ngoài ra, các em cần tìm ra vấn đề nghị luận trong mỗi đề và hệ thống luận điểm. Nắm chắc bố cục của 1 bài văn nghị luận. Kết hợp linh hoạt các kỹ năng giải thích, phân tích, chứng minh, so sánh đối chiếu để nâng cao vấn đề nghị luận.

Phần lập luận cần chặt chẽ, thuyết phục. Sắp xếp hệ thống luận điểm, luận cứ chặt chẽ, logic.... Để làm được những điều này các em cũng nên đọc nhiều sách để nâng cao vốn từ, ngôn ngữ, giúp sử dụng để hành văn trôi chảy, sâu sắc.

Những lỗi học sinh hay mắc phải cần tránh khi làm bài thi môn Ngữ văn vào lớp 10

Cô Phùng Ngọc Khanh cũng cho biết, khi làm bài thi nhiều em vẫn thường mắc phải một số lỗi cơ bản cần lưu ý. Cụ thể như lỗi về kỹ năng đọc và phân tích đề cẩu thả, dẫn đến những sai sót, nhầm lẫn khi làm bài.

Lỗi về kỹ năng viết đoạn, như xác định sai phạm vi yêu cầu của đề; sai hình thức đoạn văn; không lồng ghép nghệ thuật, kỹ năng vào bài; chưa xác định được trúng trọng tâm của đề; chưa đảm bảo các bước của dạng bài nghị luận về vấn đề tư tưởng đạo lý hoặc nghị luận về sự việc, hiện tượng đời sống; chưa phân bố thời gian hợp lý trong quá trình làm bài...

Giáo viên dạy Văn chỉ ra lỗi học sinh hay mắc khi làm bài thi vào lớp 10- Ảnh 2.

Kỳ thi vào lớp 10 là một kỳ thi quan trọng đối với cả giáo viên và học sinh. Ảnh: Quỳnh Mai.

Cùng quan điểm, cô Trần Thị Hương Lan, giáo viên dạy môn Ngữ văn lớp 9, Trường THCS Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng, Hà Nội cũng chỉ ra thêm một số lỗi học sinh thường mắc phải khi làm bài thi môn văn vào lớp 10. Theo cô Lan, lỗi đầu tiên học sinh thường mắc phải nhất là không xác định đúng vấn đề nghị luận ở cả hai dạng bài nghị luận văn học và nghị luận xã hội.

Thứ 2, đối với nghị luận văn học là thơ, các em mắc lỗi diễn xuôi thơ, không chú ý đến khai thác và phân tích nghệ thuật thơ. Đối với truyện các em hay sa vào kể tóm tắt truyện.

Thứ 3, trong đoạn văn nghị luận xã hội, phần giải thích từ khoá của nhiều học sinh còn chưa rõ ràng khiến vấn đề nghị luận chưa được hiểu đúng, hiểu rõ. Đó cũng là lý do khiến cho kết quả bài viết thiếu tính thuyết phục.

Ngoài ra, một số học sinh chưa có tính cẩn thận nên còn mắc lỗi về hình thức trình bày xấu, bẩn do gạch xoá nhiều hay bỏ xót câu, xót ý hoặc quên không chú thích hoặc chú thích sai đối với kiến thức tiếng việt trong đoạn văn.

"Khi vào phòng thi các em cần có một tâm thế bình tĩnh, tự tin nhưng không chủ quan. Khi nhận đề cần đọc lướt đề để nắm được tổng quát sau đó đọc kỹ từng câu. Cần làm từ dễ đến khó, chắt chiu từng điểm 0,25 khi trả lời những câu hỏi đọc hiểu nhỏ; trả lời rõ ràng bằng câu văn đủ chủ ngữ - vị ngữ, bám sát yêu cầu câu hỏi để trả lời. Cần chú ý cân đối thời gian làm bài hợp lý", cô Lan đưa ra lời khuyên.

9 lời khuyên hữu ích của cô Phùng Ngọc Khanh, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THCS Lê Hồng Phong, TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai, dành cho các em học sinh chuẩn bị thi vào lớp 10:

1. Biết yêu thương, chăm sóc sóc cho bản thân, chăm chỉ rèn luyện kiến thức, kĩ năng bộ môn.

2. Lập kế hoạch học tập cụ thể cho từng bộ môn.

3. Bám sát phương pháp, kĩ năng học tập bộ môn.

4. Xây dựng và thiết lập phương pháp học tập phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của bản thân.

5. Lắng nghe ý kiến của thầy cô giáo nhận xét về những tồn tại, hạn chế của môn học, từ đó khắc phục tồn tại, phát huy ưu điểm.

6. Biết tóm lược kiến thức bằng hệ thống sơ đồ tư duy để nắm bắt kiến thức cơ bản, trọng tâm.

7. Tạo mối liên kết chặt chẽ giữa giáo viên với học sinh để kết nối kiến thức, thuận lợi trong việc học.

8. Trải nghiệm qua các bài kiểm tra, đánh giá của thầy cô hoặc của chính bản thân.

9. Tích cực, chủ động trong học tập, tạo thói quen trong phương pháp tự học.


 


Quỳnh Mai
Ý kiến của bạn