Giáo viên đánh học sinh, vì đâu nên nỗi?

22-10-2024 09:11 | Xã hội
google news

SKĐS - Mấy ngày qua, thông tin về hình thức xử lý đối với những giáo viên vi phạm quy định về đạo đức nghề nghiệp đã phải nhận những hình thức xử lý tương xứng tại một số trường học khiến dư luận chua xót.

Bị cô giáo xoắn tai, đánh bầm tím lưng

Mới đây, một nữ giáo viên ở Trường tiểu học dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) phạt đòn bằng thước nhựa khiến một học sinh lớp 2 bầm tím ở lưng. Sau khi xảy ra sự việc, nhà trường đã lập biên bản xử lý, tạm đình chỉ 3 tháng với giáo viên này.

Giáo viên đánh học sinh, vì đâu nên nỗi?- Ảnh 1.

Học sinh lớp 2 Trường tiểu học dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) có nhiều vết bầm tím ở lưng sau khi bị cô giáo phạt đòn.

Trước đó, tại Trường tiểu học Ba Đình, thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hoá), một học sinh lớp 1B đã bị cô giáo V.T.T. (giáo viên chủ nhiệm lớp 1B) dùng tay xoắn tai và vỗ vào lưng để lại vết rách ở tai và vết bầm tím ở lưng.

Hay trường hợp của cô N.T.V., giáo viên Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP. Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình). Cô V. bị kỷ luật do có hành vi dùng lời lẽ xúc phạm học sinh lớp 4. Trước đó, cô bị phụ huynh tố cáo việc đã xúc phạm, lăng mạ, ép học sinh đi học thêm.

Giáo viên đánh học sinh, vì đâu nên nỗi?- Ảnh 2.

Hình ảnh cô giáo V.T.T dùng tay đánh học sinh trong giờ học.

Cần xử lý nghiêm khắc để răn đe những thầy cô ứng xử chưa phù hợp với học sinh

Sau sự việc học sinh tại Trường tiểu học Ba Đình, thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hoá), Hiệu trưởng nhà trường Võ Đào Hoa cho biết, cô Võ Thị T. là giáo viên trình độ đại học và đã có kinh nghiệm giảng dạy lớp 1 nhiều năm nay. Hiện cô T. đã được biên chế. Trong quá trình giảng dạy, cô có tinh thần cầu tiến, luôn mong học sinh tiến bộ. Tuy nhiên, chính điều này có thể cũng là nguyên nhân khiến cô nôn nóng và có hành động "lệch chuẩn". Sau khi sự việc xảy ra, cô T. đã rất hối hận và xin nhận hoàn toàn trách nhiệm cũng như hình thức kỷ luật của các cấp có thẩm quyền.

"Hành động của cô T. đã vi phạm quy định của nhà giáo, xâm phạm đến tâm lý, sức khỏe của học sinh, làm ảnh hưởng đến danh dự của nhà giáo. Ban giám hiệu nhà trường đã quyết định tạm dừng công tác giảng dạy của cô T. và chuyển cô sang làm văn thư tại trường. Hiện nhà trường đang chờ kết luận của cơ quan công an, xem mức độ vi phạm như thế nào để đưa ra biện pháp xử lý tiếp theo".

Trao đổi với PV Báo sức khỏe và Đời sống sau những sự việc vừa xảy ra, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, hành vi vi phạm của các cô giáo kể trên là việc đáng buồn đối với ngành giáo dục và cần có những hình thức xử lý nghiêm khắc, tương ứng với mức độ vi phạm để bảo đảm tính răn đe. "Tôi mong rằng, các thầy cô, nhà trường lấy đó là bài học để rút kinh nghiệm sâu sắc cho bản thân; cho đồng nghiệp. Các nhà quản lý cũng cần sâu sát hơn; thường xuyên thanh, kiểm tra công tác đứng lớp của giáo viên nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn những sự việc tương tự".

Theo chuyên gia kỹ năng sống, ThS. Nguyễn Thị Chi: "Qua theo dõi vụ việc, tôi cho rằng hành động của hai cô giáo nói trên đối với học sinh là bạo lực học đường. Bạo lực học đường không chỉ xảy ra giữa các học sinh mà còn giữa giáo viên với học sinh. Nó tác động mạnh đến tâm lý, sức khỏe và sự phát triển nhân cách của trẻ. Trẻ bị bạo hành sẽ không còn hứng thú khi đến trường, không còn sự tôn trọng đối với thầy cô, dần hình thành tư tưởng tiêu cực như chống đối, bất mãn, thậm chí trẻ có thể rơi vào trạng thái trầm cảm trong thời gian dài".

ThS. Nguyễn Thị Chi cho biết, hành động của giáo viên thể hiện sự bức xúc, dồn nén tâm lý trong bản thân mỗi giáo viên khiến họ mất khả năng kiểm soát. "Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do giáo viên tuy được giáo dục nhiều về chuyên môn nghiệp vụ, song lại không được chú trọng đào tạo về kỹ năng sống, đạo đức nghề nghiệp, cách ứng phó với tình huống khủng hoảng. Dù học sinh mắc lỗi gì thì việc sử dụng bạo lực của giáo viên là hoàn toàn sai lầm".

Để tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc tiếp theo, theo chuyên gia, mỗi giáo viên cần tự hoàn thiện bản thân về việc quản lý cảm xúc của chính mình để giúp cân bằng tâm lý khi gặp những tình huống với học sinh. "Hãy tạo điều kiện và tổ chức cho giáo viên tham gia các khóa học về cảm xúc, các hoạt động giúp thân - tâm - trí gạt bỏ các nỗi lo, buồn phiền như yoga, thiền định. Quan trọng hơn thế đó là giáo viên cũng cần được chia sẻ với chuyên gia tâm lý để giúp họ có sự hỗ trợ khi cần thiết. Bên cạnh đó, ngành giáo dục cũng cần có những hình thức xử lý nghiêm khắc hơn để răn đe những thầy cô còn có ứng xử chưa phù hợp với học sinh".

Đề xuất miễn học phí cho con giáo viên: Cân nhắc kỹ, tránh ‘đặc quyền, đặc lợi’Đề xuất miễn học phí cho con giáo viên: Cân nhắc kỹ, tránh ‘đặc quyền, đặc lợi’

SKĐS - Việc Bộ GD&ĐT đề xuất miễn học phí cho con giáo viên, từ mầm non đến đại học, chi phí dự kiến khoảng 9.200 tỷ đồng mỗi năm đã thu hút sự quan tâm của dư luận.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn