Giao tiếp tốt là “liều thuốc vô giá” cho người bệnh

25-10-2011 10:59 | Thời sự
google news

Trong lĩnh vực y học, các nhà tâm lý học đã chứng minh rằng, bệnh tật là do hệ thống miễn dịch (hệ thống bảo vệ) bị suy yếu trước các tác nhân gây bệnh.

Trong lĩnh vực y học, các nhà tâm lý học đã chứng minh rằng, bệnh tật là do hệ thống miễn dịch (hệ thống bảo vệ) bị suy yếu trước các tác nhân gây bệnh. Khi bệnh tật xảy ra sẽ làm rối loạn chức năng của nhiều hệ cơ quan trong cơ thể. Như chúng ta đã biết, tất cả các hệ thống cơ quan trong cơ thể đều chịu sự chi phối của hệ thần kinh. Vì vậy, trấn an thần kinh là liệu pháp hết sức cần thiết trong điều trị bệnh.

Trong thực tế có rất nhiều bệnh nhân khi bị bệnh họ chỉ đến một bác sĩ nào đó để điều trị và chỉ có bác sĩ đó mới điều trị khỏi mặc dù đơn thuốc của bác sĩ này hoàn toàn không khác đơn thuốc của bác sĩ kia. Điều này phần nào chứng minh được yếu tố tâm lý đóng vai trò khá quan trọng trong điều trị. Bởi khi người bệnh tin tưởng, họ sẽ phối hợp nhịp nhàng với thầy thuốc trong quá trình trị liệu và có lẽ với tâm trạng thoải mái, hệ thống bảo vệ của cơ thể được thức tỉnh và phát huy tác dụng. Các chất giảm đau, các hóa chất trung gian hướng thần kinh được tiết ra kích thích các hệ cơ quan tăng cường hoạt động góp phần đẩy lùi tác nhân gây bệnh.
 Chăm sóc bệnh nhân nặng tại khoa Ngoại - Chấn thương- Bỏng, Bệnh viện Trung ương Huế.

Từ những đặc điểm tâm sinh lý của người bệnh, khi tiếp xúc với bệnh nhân, người thầy thuốc phải có cách giao tiếp tốt để cho người bệnh mau chóng lành bệnh. Khi tiếp xúc với bệnh nhân cần hết sức nhẹ nhàng, cởi mở, phải thực sự cảm thông sâu sắc với bệnh nhân, xem đau đớn của người bệnh cũng như đau đớn của mình để chia sẻ nỗi đau đó. Dùng ngôn ngữ dễ hiểu, không được dùng các từ gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho bệnh nhân như: “Bệnh của ông, bà quá nặng”, “Sao vào viện muộn vậy, sao giờ mới tới bệnh viện”, “Chỉ có trời mới cứu được”... vì những lời nói này sẽ tác động mạnh mẽ đến tâm lý bệnh nhân. Đặc biệt, người thầy thuốc tránh các điệu bộ, cử chỉ gây cho bệnh nhân và người nhà hiểu nhầm là thầy thuốc đang “vòi vĩnh, ban ơn” đối với bệnh nhân. Thực tế cho thấy, có nhiều thầy thuốc do mệt mỏi sau ca trực, sau mổ, sau ca cấp cứu căng thẳng, họ trao đổi với nhau, vô tình người nhà bệnh nhân nghe được và từ đó họ suy diễn ra nhiều điều làm ảnh hưởng đến uy tín của người cán bộ y tế. Cho nên cần phải tránh và hạn chế tối đa điều này để giữ hình ảnh đẹp của người thầy thuốc trong con mắt của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Hơn ai hết, trong giai đoạn hiện nay khi đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, trong cơn lốc của kinh tế thị trường, chạy theo đồng tiền đòi hỏi người thầy thuốc phải lấy cái tâm của người làm thuốc để cứu chữa bệnh nhân. Dẫu biết thời nay, khoa học kỹ thuật phát triển, trang thiết bị y tế ngày càng hiện đại, trình độ y bác sĩ ngày càng nâng lên nhưng bên cạnh đó, người thầy thuốc cũng phải không ngừng nâng cao y đức. Chính thái độ, sự tận tâm, tinh thần phục vụ hết mình của người thầy thuốc là liều thuốc vô giá để điều trị bệnh nhân và cũng là giữ mãi hình ảnh “lương y như từ mẫu”.

Ngọc Tuấn


Ý kiến của bạn