Hà Nội

Giao thông và an ninh lương thực vẫn là vấn đề bức xúc

24-11-2011 09:59 | Thời sự
google news

Giải pháp nào, bao giờ giải quyết được tình trạng tai nạn giao thông (TNGT), ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn và làm thế nào để nâng cao chất lượng các công trình giao thông,

* Từ năm 2012, phấn đấu mỗi năm giảm 5-10% số vụ tai nạn giao thông.
* Sẽ dần khắc phục tình trạng màn trời chiếu đất của người dân vùng lũ.
 
Ngày 23/11, phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp Quốc hội thứ hai kéo dài 2,5 ngày đã được bắt đầu bởi hai thành viên Chính phủ là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát. Trước khi bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn, ông Nguyễn Đức Hiền, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội đã trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết những ý kiến, kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp thứ tám, chín của Quốc hội khóa XII…

Không để những điểm ùn tắc giao thông nghiêm trọng quá 30 phút

Giải pháp nào, bao giờ giải quyết được tình trạng tai nạn giao thông (TNGT), ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn và làm thế nào để nâng cao chất lượng các công trình giao thông, hiện đại hóa giao thông đường sắt có lộ trình thực hiện như thế nào… là những vấn đề được 24 ĐBQH đưa ra đối với Bộ trưởng Đinh La Thăng trong phiên trả lời chất vấn buổi sáng.

 Giải pháp nào để giảm thiểu ùn tắc giao thông là vấn đề được ĐBQH Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) chất vấn Bộ trưởng Đinh La Thăng. Ảnh: T.D

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, xử lý, giảm thiểu TNGT mấu chốt phải đầu tư nâng cao hệ thống hạ tầng cho đồng bộ và hoàn chỉnh. Cần đầu tư đồng bộ cả đường bộ, đường sắt, đường không và đường biển - đường thủy nội địa. Đây là điểm đột phá trong 10 năm tới. Đối với vấn nạn TNGT và ùn tắc giao thông, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, cần tập trung nâng cao hiệu quả, hiệu lực của các cơ quan thực thi công vụ. Thế nhưng, hiện công tác quản lý nhà nước chưa tốt dẫn đến người dân không chấp hành pháp luật như đi lên vỉa hè, lấn làn. Việc duy trì pháp luật không nghiêm như xử lý mũ bảo hiểm thiếu kiên quyết khiến những người từng chấp hành tốt cũng bỏ, hay như việc những cán bộ được giao thực thi công vụ không làm tốt, còn để xảy ra tình trạng “mãi lộ”... “Ở đây có vai trò các cấp chính quyền, các bộ ngành. Nếu coi TNGT chỉ của ngành giao thông thì không thể giải quyết được. Các địa phương phải coi thực hiện nhiệm vụ này quan trọng như phát triển kinh tế xã hội”, Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh. Trước những chất vấn của các ĐBQH về làm thế nào để giảm thiểu tối đa tình hình TNGT nghiêm trọng như hiện nay, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã cam kết, bắt đầu từ năm 2012, ngành giao thông phấn đấu mỗi năm sẽ giảm 5-10% số vụ TNGT. Trả lời câu hỏi “bao giờ hết ùn tắc giao thông”, đặc biệt tại hai đô thị lớn là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết sẽ quyết tâm giảm những điểm ùn tắc giao thông nghiêm trọng xuống không quá 30 phút ở hai thành phố này.

Trước tình trạng TNGT nghiêm trọng, trong đó 75% do người điều khiển, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) đã đặt câu hỏi liên quan đến chất lượng của các trung tâm đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe. Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, đối với các trung tâm đào tạo, sát hạch, sắp tới Bộ sẽ kiểm tra, thanh tra thường xuyên. Nếu trung tâm sát hạch vi phạm 3-4 lần thì phải ngừng, nếu nghiêm trọng thì giải tán! Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng thẳng thắn cho rằng, phương tiện giao thông không đảm bảo mà tham gia giao thông là trách nhiệm của Bộ. Sắp tới, nếu phát hiện vi phạm, Bộ sẽ kiên quyết cách chức người quản lý.

Sản xuất nông nghiệp manh mún

Tại phiên chất vấn buổi chiều, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề khắc phục tình trạng manh mún trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta; giải pháp để giữ 3,8 triệu ha lúa; các giải pháp trước mắt và lâu dài ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai lũ lụt…

Thẳng thắn nhìn nhận nền nông nghiệp nước ta còn manh mún, nhỏ lẻ với hàng chục triệu mảnh ruộng nhỏ, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, để khắc phục điều này là một bài toán khó cho ngành nông nghiệp. Trả lời chất vấn của các đại biểu về trách nhiệm quản lý các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, việc hình thành các vùng sản xuất này không phải là tự phát, ngành nông nghiệp cũng liên tục hướng dẫn người dân, có chính sách hỗ trợ cho nông dân sử dụng giống tốt, áp dụng các quy trình kỹ thuật, thu mua nông sản đảm bảo cho người nông dân có lãi ít nhất 30%. Vấn đề dạy nghề cho nông dân được ĐB Đỗ Mạnh Hùng, tỉnh Thái Nguyên đánh giá là 4 “không” (không đúng, không trúng, không đạt hiệu quả cao và không mạnh) cũng được Bộ trưởng NN&PTNT tiếp thu và hứa tiếp tục sửa chữa. Về vấn đề lạm dụng sử dụng hóa chất, phân bón trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, Bộ không buông lỏng trong quản lý điều hành nhưng các biện pháp thực hiện chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Vấn đề giảm thiểu thiệt hại cho thiên tai, biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, việc năm nào cũng phải di dân vùng lũ chỉ là biện pháp tình thế. Chính phủ đã hình thành chương trình mục tiêu quốc gia, chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu, lồng ghép các giải pháp và cụ thể hóa đến từng khu vực, xây dựng các hệ thống đê sông, biển, có chủ trương hỗ trợ làm nhà vượt lũ, tránh lũ cho người dân để dần khắc phục tình trạng màn trời chiếu đất, người dân phải sơ tán hoặc leo lên mái nhà để tránh lũ…
 

Liên quan đến vấn đề giải quyết các vấn đề giao thông, nhiều Bộ trưởng đăng đàn cùng với Bộ trưởng Bộ GTVT để đưa các biện pháp giải quyết.

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang: “Đề nghị cấm công chức xin xe vi phạm”

“Tôi đề nghị nghiêm cấm lãnh đạo các cấp và cán bộ công chức nhà nước can thiệp vào những vụ việc xử lý an toàn giao thông, như thế để xử lý nghiêm minh”, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang phát biểu tại Quốc hội sáng 23/11.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng: “Quy hoạch đô thị theo tư duy vùng để chia tải cho các đô thị trung tâm”

Trong phạm vi của mình, Bộ sẽ xúc tiến việc xây dựng các quy hoạch đô thị theo tư duy vùng để chia tải cho các đô thị trung tâm. Đặc biệt, từng khu đô thị cần xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật - xã hội, tránh việc cư dân phải giao thông “con lắc” giữa các khu. Bộ mong muốn chính quyền các đô thị thực hiện các quy định về cho phép xây dựng nhà cao tầng, dành đất cho các công trình giao thông; đẩy nhanh tiến độ di chuyển các trường đại học ra ngoại thành, kiểm soát quy mô bệnh viện trong đô thị trung tâm.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh: “Người dân cần chấp nhận thay đổi thói quen sử dụng các công trình giao thông miễn phí”

Tới đây, khi tổng mức đầu tư công giảm dần thì phải mở ra nguồn đầu tư mới cả trong và ngoài nước. Những công trình nào, hạng mục nào có thể thu hồi vốn thì huy động vốn ngoài ngân sách. Nhưng muốn vậy, người dân cần chấp nhận thay đổi thói quen sử dụng các công trình giao thông miễn phí. Bên cạnh đó, các ngành, các cấp và chính quyền địa phương cần nỗ lực hơn nữa trong giải phóng mặt bằng để có mặt bằng sạch cho nhà đầu tư.

Thái Bình - Hạ Hiền (ghi)


Ý kiến của bạn