Mưa bão là ngập
Theo UBND tỉnh Quảng Trị, hiện nay, các tuyến đường giao thông kết nối thôn, bản với trung tâm xã, thị trấn đi qua nhiều sông suối đang được tỉnh đầu tư xây dựng chủ yếu bằng các cống tràn, cầu tràn.
Hiện trạng các công trình đang khai thác phục vụ tốt nhu cầu giao thông, vận tải của người dân, đảm bảo quy mô, tải trọng theo cấp đường. Tuy nhiên, những ngày mưa bão, các vị trí cống, cầu tràn thường xuyên bị ngập nước, chiều sâu ngập trung bình từ 1-2m, có nơi ngập sâu 5-7m.
Thực trạng này gây ách tắc giao thông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với người tham gia giao thông, chia cắt hoàn toàn các thôn, xã trên địa bàn các huyện, đặc biệt khu vực miền núi của tỉnh. Ảnh hưởng đến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, đời sống của nhân dân và đặc biệt khó khăn trong công tác cứu hộ, cứu nạn khi mưa lũ xảy ra.
Theo UBND tỉnh Quảng Trị, qua rà soát có khoảng 68 cầu nằm trên tuyến đường tỉnh, huyện, xã thường xuyên bị chia cắt, làm cô lập các hộ dân. Bằng các nguồn vốn, đến nay xây dựng được một số cầu vượt lũ và phát huy hiệu quả.
"Trong cơn bão số 4 vừa qua, tại các vị trí ngầm tràn thuộc khu vực các huyện miền núi nước thượng nguồn đổ về nhanh, dâng cao và chảy xiết gây chia cắt các hộ dân. Dự báo thời gian tới, tình hình thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường qua từng năm.
Trước thực trạng này, UBND tỉnh Quảng Trị kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương tiếp tục xem xét, hỗ trợ đầu tư xây dựng 62 cầu dân sinh vượt lũ với nguồn kinh phí dự kiến khoảng 141 tỷ đồng", UBND tỉnh Quảng Trị thông tin.
Ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, việc xây dựng cầu dân sinh nhằm phục vụ tốt nhu cầu giao thông, vận tải của người dân qua các vị trí cống tràn, cầu tràn trong điều kiện thời tiết mưa lũ. Đặc biệt, đảm bảo an toàn tính mạng của nhân dân và phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, tiếp tế lương thực, thực phẩm cho đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền núi của tỉnh.
104 cầu yếu
Sở GTVT tỉnh Quảng Trị vừa hoàn tất việc rà soát, kiểm tra cầu yếu, vị trí xung yếu, ngầm, tràn trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đó, qua kiểm tra, rà soát có 87 cầu yếu trên các tuyến đường do các huyện, thị xã, thành phố quản lý và 17 cầu yếu trên tuyến do Sở quản lý.
Chiếm số lượng lớn nhất tại huyện Gio Linh (24 cầu) và Vĩnh Linh (30 cầu). Phần lớn các cây cầu có được xây dựng từ rất lâu, nhiều cây cầu có tuổi đời từ 30 - 50 năm và nằm trên các tuyến đường liên xã, liên huyện.
Ông Bùi Đức Thành, Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng, Sở GTVT tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện nay đơn vị quản lý trực tiếp 6 tuyến quốc lộ, 21 tuyến đường tỉnh với tổng 463 km đường bộ, trong đó 128 cầu.
"Do việc đầu tư xây dựng các cầu từ lâu, đa số cầu xây dựng từ sau 1975 (cầu Hội Yên 1, 2 được xây dựng 1978) nên qua thời gian khai thác, sử dụng xuất hiện tình trạng xuống cấp, được xếp hạng cầu yếu và gắn biển", ông Thành nói.
Theo ông Thành, hàng năm Sở GTVT được cấp kinh phí sự nghiệp nhưng nguồn vốn hạn hẹp nên chỉ đủ để phục vụ duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ, đảm bảo duy trì khả năng khai thác của cầu hiện tại.
"Để đảm bảo an toàn khai thác công trình, Sở GTVT kiến nghị UBND tỉnh xem xét bổ sung nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 để đầu tư xây dựng cầu mới thay thế các cầu yếu nhằm từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng được bộ, phù hợp với quy hoạch của tỉnh", ông Thành nói.