Từng "hạt cát" như vậy trong mấy chục năm qua, GS. Lê Ngọc Thạch đã xây nên nhiều "công trình" ý nghĩa về sự nhân văn, tinh thần tương thân tương ái đến nhiều mảnh đời khó khăn.
Đẹp từ cuộc sống đến giảng đường
Ba ngày sau khi cơn bão Yagi đổ bộ vào nước ta, sáng 10/9 một bạn đọc 76 tuổi, dáng vẻ hiền lành phúc hậu, ăn vận giản dị (mặc chiếc áo sơ mi đã sờn màu) tìm đến Tòa soạn báo Tuổi trẻ. Trên tay ông là cuốn sổ tiết kiệm trị giá 1 tỷ đồng dành tặng đồng bào miền Bắc. Ông là Lê Ngọc Thạch, một trong những giáo sư đầu ngành của Bộ môn Hóa học phân tích, hiện đã nghỉ hưu nhưng vẫn làm giảng viên thỉnh giảng tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM).
Những ngày sau cơn bão số 3, chuyện nhiều cá nhân ủng hộ số tiền hàng tỷ đồng cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không phải là hiếm gặp. Họ không là doanh nhân thì cũng là người nổi tiếng, nhưng với một giáo sư nghỉ hưu, mang số tiền vốn để dưỡng già, được dành dụm cả đời từ việc đi dạy, viết sách suốt nhiều năm để ủng hộ thì quả là hiếm gặp. Bởi hiếm nên câu chuyện của ông đã có sức lay động rất lớn tới cộng đồng.
Rất nhiều bình luận xúc động khi đó được gửi đến giáo sư: "Đó là số tiền rất lớn với một nhà giáo, thầy không phải doanh nhân, thầy phải chắt chiu lắm. Ngưỡng mộ thầy"; "Một nghĩa cử và tấm lòng thật trong veo, cao đẹp. Với cá nhân tôi, Giáo sư là tấm gương, nguồn cảm hứng"; "Cả sự nghiệp thầy đã truyền dạy những điều tốt đẹp, giờ thầy lại cho đi thật nhiều bài học quý giá nữa"; "Thầy thật có tâm, từ giảng đường cho đến cuộc sống"; "Khó có từ nào diễn tả được tấm lòng của thầy, tuổi trẻ chúng con sẽ cố gắng noi gương theo thầy ạ"; "Cảm ơn tấm lòng của giáo sư. Con nghẹn lòng trước nghĩa cử cao đẹp của thầy"; "Đọc bài xong, tôi đã gửi đến báo Tuổi trẻ 1 triệu, ủng hộ đồng bào"...
Số tiền 1 tỷ đồng là khá lớn nhưng cách nhìn nhận của giáo sư thật nhẹ nhàng. Ông bảo không biết đến những lời ngưỡng mộ này cho đến khi được các nhà báo tìm đến phỏng vấn. "Thực sự, tôi không thấy hãnh diện vì việc làm đó" - ông nói. Thậm chí còn thấy ngại ngùng khi được chú ý, tán dương. "Giáo sư, tiến sĩ thì đó chỉ là chữ nghĩa với đồng nghiệp và học sinh. Còn đối với miền Bắc, tôi là một con em trong đại gia đình người Việt. Cho nên giúp đỡ gia đình mình được việc gì tôi luôn cố gắng trong khả năng mà mình có", vị giáo sư 76 tuổi chia sẻ.
Vài ngày sau khi cuốn sổ tiết kiệm được trao đi và lan tỏa, Thành đoàn TP.HCM đã trao bằng khen cho GS. Thạch. Thay vì hãnh diện thì ông lại vô cùng bối rối. "Thật tình tôi rất áy náy khi biết tin mình được nhận bằng khen của UBND TP.HCM. Tôi thiết nghĩ việc mình làm vừa qua chỉ là bổn phận của một người dân bình thường trong nước Việt Nam. Nhiều người bảo tôi sao không ủng hộ một phần thôi cũng tốt lắm rồi, nhưng tôi vẫn còn tiền lãi, lương hưu, rồi vẫn đang làm việc, viết sách nên chắc không ảnh hưởng gì đến chuyện dưỡng già. Tôi sống một mình, lại quen giản dị từ nhỏ vì theo đạo Phật, các con tôi cũng trưởng thành rồi nên thỉnh thoảng vẫn gửi chút ít cho ba có cuộc sống thoải mái".
Nhờ có câu chuyện này mà công chúng giờ đây mới biết, nhiều năm qua người giáo sư ấy còn âm thầm ủng hộ cho rất nhiều chương trình thiện nguyện với số tiền lớn. Nói về cơ duyên đến với hoạt động thiện nguyện, ông chia sẻ: "Tôi theo đạo Phật nên làm thiện nguyện có thể coi là bổn phận của người Phật tử, với đất nước là bổn phận của một người dân, "người trong một nước phải thương nhau cùng". Từ lúc còn học trung học tôi đã tham gia các hoạt động thiện nguyện ở cô nhi viện, giúp đỡ các nạn nhân chiến tranh, thiên tai, góp công sửa nhà, xây đường, giúp đỡ mái ấm trẻ mồ côi... Sau này đi làm, đóng góp được nhiều hơn, bằng nhiều cách hơn như làm thêm, viết sách để ngoài chi tiêu cá nhân, nuôi gia đình, tôi vẫn luôn để dành cho một khoản để ủng hộ các sinh viên nghèo học giỏi, người khó khăn".
Hỏi ông, "nếu cuộc sống còn nặng cơm áo gạo tiền, ông có làm thiện nguyện không?". Ông bảo, chắc chắn vẫn làm, vì theo tôi nghĩ đó là bản tính, nhưng cũng chắc chắn thời gian và tài chính dành cho việc làm thiện nguyện khi đó sẽ ít hơn. Ngoài ra tôi nghĩ, chỉ cần biết cách sử dụng đồng tiền, chi tiêu hợp lý, không phung phí vào những chuyện không cần thiết, bề ngoài thì ai cũng có thể làm thiện nguyện mà không cần phải đợi đến khi dư dả.
Làm từ thiện theo phương châm "bánh mỳ kẹp tri thức"
Ngoài làm từ thiện như là bản năng, GS. Thạch còn được truyền cảm hứng từ chính người thầy của mình - GS. Lê Văn Thới.
Học cao hiểu rộng và có cả khoảng thời gian tu nghiệp ở Pháp, Úc nhưng ông cho biết, "chưa có người thầy nào cho tôi nhiều bài học về chuyên môn, về tình cảm, về nhân nghĩa sâu sắc, ảnh hưởng đến hầu hết công việc làm của tôi trong nghiên cứu cũng như trong giảng dạy như thầy Lê Văn Thới, mãi cho đến ngày hôm nay. Tôi là học trò cuối cùng mà thầy hướng dẫn làm luận văn tiến sĩ trước khi ra đi. Ngày thầy bệnh trong bệnh viện, thầy còn mang theo tập luận văn của tôi để sửa. Thầy tôi cũng là vị giáo sư có lòng yêu nước tuyệt vời, sẵn sàng từ bỏ cuộc sống nhung lụa nơi đất Pháp để về phục vụ đất nước trong thời kỳ khó khăn".
Để tri ân người thầy của mình, GS. Thạch đã thành lập một quỹ học bổng mang tên Giải thưởng Lê Văn Thới. Mục tiêu là hỗ trợ, khuyến khích những sinh viên ngành Hóa có nghiên cứu, luận án xuất sắc. Năm 2017, giáo sư bỏ ra 1,5 tỷ đồng cùng Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) sáng lập giải thưởng. Năm 2023, ông ủng hộ thêm 500 triệu đồng. Tất cả đều từ việc viết sách, giảng dạy và các công việc từ chuyên môn khác.
Năm 2021 giáo sư tiếp tục tài trợ 1 tỷ đồng để Hội Hóa học TP.HCM thành lập Giải thưởng Lê Văn Thới về Hóa học Xanh cho những nghiên cứu về phát triển bền vững. "Nếu có điều kiện tôi sẽ đóng góp tài chính tiếp tục cho những giải thưởng đã mang tên thầy và mở ra thêm một số giải thưởng khác cũng mang tên thầy nữa", ông nói.
Có một câu chuyện khá cảm động nhiều năm trước, GS. Thạch ủng hộ 161 triệu đồng cho chương trình "Xuồng cứu hộ CQ cho Trường Sa". Đó là số tiền ông dành dụm trong vòng 10 năm mới có được. Ông không lấy tên ông mà lấy tên người thầy Lê Văn Thới.
Và giờ đây, ở vai trò người thầy, GS. Lê Ngọc Thạch cũng đang trở thành tấm gương cho nhiều thế hệ sinh viên noi theo. Nhưng do vị giáo sư ấy khá khiêm tốn và kiệm nói về mình nên lần theo facebook cá nhân của ông, chúng tôi đã kết nối với anh Trịnh Hoàng Hiếu, từng là sinh viên của GS. Lê Ngọc Thạch. Anh vui vẻ cho biết, thầy không chỉ được quý trọng về tấm lòng thiện nguyện, thầy còn được nhiều thế hệ học trò Khoa Hóa yêu mến bởi sự uyên bác trong chuyên môn và phong thái gần gũi, giản dị. Nhiều năm qua, rất nhiều học trò của thầy đã nhận được bằng thạc sĩ, tiến sĩ trong nước, nước ngoài nhờ chương trình tặng học bổng cho sinh viên nghèo. Thầy thực sự là người thầy lớn của rất nhiều thế hệ sinh viên Trường Khoa học tự nhiên".
Từ việc làm của GS. Thạch, anh Hiếu gọi cách cho đi đó là "bánh mỳ kẹp tri thức". Nhiều sinh viên muốn chung tay cùng thầy nhưng thầy không muốn kêu gọi mà khuyên các em tập trung vào học tập trước, sau này đi làm rồi thực hiện cũng chưa muộn. Nếu có thể thì tham gia bằng việc mua sách. Thầy có tiền làm thiện nguyện còn sinh viên được tri thức. Cứ vậy mà nhân lên nữa những chiếc "bánh mỳ kẹp tri thức" cho tương lai.
Song song với những chương trình học bổng đầy ý nghĩa, GS. Lê Ngọc Thạch còn là một trong những người sáng lập và tài trợ cho quán cơm Mây Ngàn 1. Quán được thành lập từ năm 2015 với sự tài trợ của cựu học sinh Trường Petrus Ký - Lê Hồng Phong mà Giáo sư là một trong số đó. Quán chỉ bán với giá tượng trưng 2.000 đồng để người nhận không cảm thấy đang ăn bữa cơm "bố thí". Mỗi ngày quán bán 300 - 400 suất ăn và cũng chỉ bán bữa trưa để không ai được nghĩ "chả cần làm gì cũng có cơm ăn 2 bữa".
Chia sẻ về nghĩa cử của GS. Lê Ngọc Thạch, ông Nguyễn Minh Nghĩa, đồng sáng lập của quán cho biết: "Những ngày đầu mới thành lập, quán gặp rất nhiều khó khăn. Sự đồng hành của GS. Thạch thật đáng quý và cho đến nay, ông vẫn duy trì đều đặn. Vào mỗi thứ 5 hàng tuần, ông còn trực tiếp đến quán phụ việc cùng các em sinh viên làm tình nguyện viên. Đến nay, ngoài sự đóng góp của cựu học sinh, quán nhận được sự quan tâm của kiều bào và nhiều nhà hảo tâm khác. Hiện, ngoài cung cấp các bữa ăn, Quỹ còn trao học bổng cho học sinh mồ côi ở trường và các mái ấm để nâng bước các em đến trường".
Tâm sự về cuộc sống riêng, GS. Thạch cho biết, ông có 2 người con trai đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Con trai lớn của ông hiện là PGS.TS đang giảng dạy và tham gia điều trị trong chuyên ngành Tai - Mũi - Họng tại trường Đại học Y khoa Toronto - Canada, con trai thứ làm về quản lý bất động sản cũng ở cùng tiểu bang này. Ông bảo, dù các con có cuộc sống ổn định nhưng ông không bao giờ phải nhờ cậy đến các con cả trong cuộc sống lẫn thiện nguyện. Ông cũng không cần dạy các con về thiện tâm bởi ông thấu hiểu chẳng có lời dạy nào có sức mạnh bằng chính tấm gương của người cha và việc làm tử tế.
Người xưa có câu "Thi ân bất cầu báo", nghĩa là giúp đỡ người khác nhưng không cần họ báo đáp. Điều khó nhất với GS. Thạch đó là hỏi ông đã giúp đỡ được bao nhiêu người, chỉ biết rằng nhờ sự hỗ trợ ấy mà nhiều cuộc đời đã được thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, như lành bệnh, học giỏi, lên lớp, tốt nghiệp, thì "tự nhiên thấy vui vui trong lòng". Niềm vui nho nhỏ nữa với ông là thỉnh thoảng được mọi người nhận ra ở đâu đó; hay đi ăn ở ngoài tiệm, đến khi gọi tính tiền, chủ quán bảo có người đã trả tiền rồi! "Nhân dịp này, qua Báo Sức khỏe và Đời sống, cho phép tôi được gửi lời cảm ơn chân thành đến quý ân nhân ẩn danh này nha!", ông nói.
Viết đến đây, bất giác chúng tôi nghĩ đến tựa sách nổi tiếng "Những tấm lòng cao cả" của nhà văn Ý Edmondo De Amicis. Câu chuyện của GS. Lê Ngọc Thạch không giống nhân vật người thầy trong cuốn sách nhưng về mặt ý nghĩa thì có nhiều nét tương đồng. Đó là sự gặp gỡ của những tâm hồn mang tính thiện. Ngoài gieo chữ còn gieo những hạt mầm yêu thương, coi cống hiến, cho đi như một nghĩa vụ không mong cầu hồi đáp. Và rồi những hạt mầm ấy lại có cách vận hành đầy kỳ diệu: Nhân rộng và truyền cảm hứng để từng người, từng người viết tiếp những trang cổ tích cho cuộc đời này.