Giáo sư Tôn Thất Tùng một người thầy tuyệt vời!

10-02-2012 14:17 | Xã hội
google news

Vào mấy năm cuối học ở Trường đại học Y, tôi hay đến thư viện của nhà trường tại đường Lê Thánh Tông để đọc sách vì cũng may, nơi ở của chúng tôi là ký túc xá Lò Đúc, rất gần trường.

Giáo sư Tôn Thất Tùng đọc báo chuyên môn

Vào mấy năm cuối học ở Trường đại học Y, tôi hay đến thư viện của nhà trường tại đường Lê Thánh Tông để đọc sách vì cũng may, nơi ở của chúng tôi là ký túc xá Lò Đúc, rất gần trường.

Một buổi tối, chừng 7 giờ, tôi bước vào phòng đọc thì đã thấy một mình GS. Tôn Thất Tùng đang lật giở nhanh một quyển báo gì đó.

Nhác thấy tôi bước vào phòng đọc và kính cẩn chào thầy, thầy tươi cười gật đầu rồi cầm quyển báo Revue du praticien (Tờ báo của người thực hành) bằng tiếng Pháp đang mở, đến chỗ tôi và vui vẻ nói: Anh này! Thằng cha này có hai ca giun chui ống mật mà nó viết những bảy trang, chẳng biết nó nói những gì, ở Bệnh viện Phủ Doãn mỗi ngày mình mổ hai chục ca. Nói rồi thầy cười “hì hì”, gấp quyển báo lại và bước về chỗ cũ.

Tôi nghĩ vì không thấy có ai thân quen hơn nên thầy đành thổ lộ, tâm sự với tôi, chắc thầy cũng cực lắm. Khi thầy về, tôi tò mò mượn xem qua bài báo vừa rồi. Quả nhiên chất lượng chẳng có gì, nhất là trong phần bàn luận, rất vu vơ mơ hồ và không thực tế với nhiều mệnh đề có lẽ là, có thể là..., tác giả đã không có mấy kinh nghiệm. Thầy của mình không thèm đọc là phải, họ không thể bằng mình, đọc chỉ làm cho mình thêm rối rắm, quẫn trí, mất thì giờ.

 GS. Tôn Thất Tùng.

Giáo sư Tôn Thất Tùng chẩn đoán nhanh

Hồi đang học năm thứ ba Trường đại học Y Dược Hà Nội, tôi có đợt đi thực tập ngoại khoa tại Bệnh viện Phủ Doãn, nay là Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Vào quãng 3 giờ chiều có một trường hợp bệnh nhân lao phổi mới được bơm hơi phúc mạc để ép phổi ban sáng tại Khoa Lao Bệnh viện Bạch Mai, nay đau bụng, đến khám tại Bệnh viện Phủ Doãn.

Mấy anh em chúng tôi khám bụng người bệnh chỉ thấy hơi căng, cho rằng do hơi mới được bơm vào, không thấy co cứng, không có phản ứng thành bụng. Chúng tôi không biết nguyên nhân đau bụng là gì, giữ lại để theo dõi. Đến 4 giờ chiều, thầy C. đi qua phòng khám, chúng tôi mời thầy xem giúp. Thầy vốn là một người học sâu biết rộng, việc khám bệnh nhân ở đây không phải nhiệm vụ của thầy, nhưng vì nhiệt tình với sinh viên và lòng thương người bệnh, thầy vui lòng khám ngay. Sau khi khám, thầy phân vân, chưa có kết luận gì, chúng tôi bèn gợi ý:

Thưa anh (1), có thể đã chọc và bơm nhầm vào dạ dày không ạ? Thầy đáp: Có thể. Chúng tôi hỏi tiếp: Có thể chọc và bơm vào ruột không ạ? Thầy lại đáp: Có thể. Chúng tôi lại hỏi tiếp, có thể chọc vào gan không, có thể bị viêm phúc mạc không, thầy đều trả lời là có thể. Cuối cùng, chúng tôi hỏi giải quyết như thế nào, thầy cho ý kiến: Để theo dõi thêm.

Chừng mươi phút sau, thầy Tôn Thất Tùng đi qua, chúng tôi lại trình bày bệnh án và mời thầy thăm giúp. Sau khi thầy khám xong, chúng tôi lại hỏi thầy theo trình tự như đã hỏi thầy C. ở trên. Ngay lập tức sau mỗi câu hỏi, thầy Tôn Thất Tùng trả lời luôn: Không thể là chọc và bơm vào dạ dày vì ợ hơi hết ngay. Không thể chọc vào ruột vì ruột di động, nếu chẳng may chọc và bơm hơi vào ruột thì đánh hơi hết ngay. Không thể chọc và bơm vào gan, vì chết cha nó rồi. Không thể viêm phúc mạc, viêm phúc mạc gì mà nhanh thế? Chúng tôi thắc mắc, hỏi nguyên nhân đau bụng là gì, thầy giảng giải: Không có gì là được rồi!,nhưng thầy lại dịu giọng:Có thể có chút cảm ứng của hơi đột nhiên vào ổ bụng.

Đến câu hỏi cuối cùng, giải quyết như thế nào, thầy nói: Cho về, rồi thầy đứng dậy bỏ đi nơi khác.

Chúng tôi hơi băn khoăn và lo lắng nữa, nhưng cũng vẫn y lệnh, cho bệnh nhân về. Chúng tôi cử nhau cứ 1 - 2 giờ đến thăm bí mật một lần. Cũng may mà bệnh nhân ở gần, ở ngay phố Hàng Bông. Quãng 8 giờ tối, tôi đích thân đến thăm thì thấy bệnh nhân đang hút thuốc lào sòng sọc và đi lại như người bình thường. Tôi cũng rút lui luôn, không hỏi gì bệnh nhân cả.

Giáo sư Tôn Thất Tùng hội chẩn phim Xquang

Khi tôi là sinh viên y năm thứ ba, đi thực tập ngoại khoa tại Bệnh viện Phủ Doãn, nếu buổi chiều không có giờ lý thuyết thì tôi hay ở lại bệnh viện. Tôi hay dự buổi hội chẩn nhỏ đọc phim Xquang giữa GS. Tôn Thất Tùng và GS. Kirtz người Đức, chuyên khoa về Xquang, thường tổ chức vào buổi chiều thứ tư ở một gian phòng nhỏ nhắn, đối diện với khu nhà mổ, về buổi chiều mùa hè thường đầy ánh sáng chói chang của mặt trời chiếu chếch vào, rất nóng bức. Cuộc hội chẩn bằng tiếng Pháp này không có thư ký ghi chép mà thường chỉ có người chuẩn bị phim mà thôi. Gọi là cuộc trao đổi thì đúng hơn vì các thầy cũng chẳng ghi gì vào hồ sơ, mà chỉ nhớ trong óc thôi.

Ngoài GS. Tùng và GS. Kirtz ra thì chỉ có một vài người tham dự theo kiểu tự do, tùy thích. Tôi thường cùng một hai người bạn là sinh viên dự ké. Thầy Tùng và ông Kirtz chẳng quan tâm gì đến chúng tôi. Có lẽ cũng vì căn phòng nóng bức nên cũng có ít người tham dự, nhưng lý do chính, tôi nghĩ là vì trình độ lý luận trong đọc phim của các thầy cao siêu, quá mức tiếp thu được của chúng tôi. Chính tôi, hôm nào thấy khó hiểu quá, cũng bỏ dở nửa chừng, lẻn ra ngoài.

Tôi còn nhớ một hôm thầy Tùng đưa ra mấy bức phim chụp dạ dày để thảo luận với GS.Kirtz. Thầy Tùng hỏi: Qua mấy cái phim dạ dày này, theo anh có mấy ổ loét? GS. Kirtz trả lời ngay, không do dự: Hai ổ. GS. Tùng hỏi: Hai ổ nào? GS. Kirtz lấy ngón tay chỉ vào hai ổ một cách chính xác. GS. Tùng gật gù: Đúng, thế mà nhiều người cho là chỉ có một, anh đọc được là có hai thì giỏi đấy! Thầy Tùng nhấn mạnh cuối cùng bằng từ “bravo!”

Nhưng bất thình lình GS. Tùng hỏi tiếp: Anh có còn thấy ổ loét nào nữa không? GS. Kirtz nhìn kỹ lại mấy tấm phim một lần nữa, lấy một ngón tay trỏ di di trên khắp những vị trí nghi ngờ, cuối cùng nói: Không! GS. Tùng đứng dậy, chỉ vào một điểm mờ mờ của phim và nói: Đây, còn một ổ thứ ba này nữa, anh xem, có đúng không? GS. Kirtz nhìn chăm chú vào bức phim và lắc đầu, do dự: Tôi không thấy! Giáo sư Tùng nói: Để rồi ngày mai tôi mổ cho anh xem!

Đến sáng hôm sau, GS. Tùng mổ bệnh nhân có mấy tấm phim nói trên và trong khi vào đến dạ dày, GS. Tùng chỉ cho GS. Kirtz, đang đứng xem gần đó, vị trí của ổ loét thứ ba tương ứng với vị trí trong phim mà Giáo sư giới thiệu ngày hôm qua. Thấy GS. Kirtz còn ngờ ngợ, GS. Tùng nói dịu giọng: Để sau khi cắt xong tôi đưa anh xem tận tay. Và sau khi cắt xong dạ dày, GS. Tùng giao phần việc còn lại cho bác sĩ phụ mổ làm tiếp, ra khỏi bàn mổ, đem theo chiếc dạ dày và mượn một con dao bổ đôi dạ dày cho GS. Kirtz xem tận mắt, tận tay ổ loét thứ ba. Ngập ngừng vài giây, GS. Kirtz nói: Anh mới chính là người giỏi!

Một người thầy lâm sàng giỏi của Việt Nam chúng ta được một người thầy chuyên khoa cận lâm sàng giỏi của một nước tiên tiến tôn vinh đúng trong lĩnh vực nghề nghiệp của bản thân mình. Thật là vinh dự cho cả dân tộc Việt Nam, không phải chỉ giỏi đánh giặc.

Cũng từ đó, tôi thấy tin tưởng ở các thầy thuốc lâm sàng Việt Nam hơn nhiều thầy thuốc nước ngoài, kể cả về lĩnh vực cận lâm sàng mà các thầy không trực tiếp làm. Nhưng các thầy lại có ưu thế về đối chiếu cận lâm sàng với lâm sàng, mà y học là một khoa học đối chiếu để tìm ra những quy luật tương ứng.

 Gia đình GS. Tôn Thất Tùng chụp chung với những người bạn.

Thầy Tôn Thất Tùng khen anh Nguyễn Xuân Thụ

Vào năm 1960, GS. Tôn Thất Tùng là Giám đốc Bệnh viện Phủ Doãn kiêm Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại của Trường đại học Y Dược Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế. Một hôm, thầy xuống thăm Bộ môn Sản tại Khoa Sản Bệnh viện Bạch Mai là nơi duy nhất ở Hà Nội có sinh viên đến thực tập về sản. Tuy là Thứ trưởng của Bộ Y tế, nhưng thầy không có trách nhiệm gì trực tiếp với Khoa Sản bệnh viện này, có lẽ chỉ vì tình cảm, nhất là tình cảm với thầy Đinh Văn Thắng, đồng khoá với thầy, Chủ nhiệm Bộ môn Sản kiêm Chủ nhiệm Khoa Sản mà thầy đến thăm chăng.

Cả Bộ môn Sản ai cũng muốn được gặp thầy Tùng vì thầy Tùng vốn có tiếng thương sinh viên như con và việc trực tiếp gặp thầy sẽ học được nhiều điều bổ ích. Chúng tôi xúm lại ngồi quanh thầy ở Phòng Giáo vụ của bộ môn, chỉ kê vừa đủ mươi chiếc ghế. Kẻ đứng, người ngồi nhưng rất vui vẻ, thoải mái. Thầy Tùng và thầy Thắng trao đổi nhiều điều, nhưng có một câu của thầy Tùng nói với thầy Thắng làm tôi nhớ mãi:Anh ạ, phải bồi dưỡng bọn trẻ, cái anh Nguyễn Xuân Thụ ở chỗ tôi nó giỏi hơn tôi đấy!

Anh Nguyễn Xuân Thụ (2) là bác sĩ cùng khoá với tôi, ra trường năm 1959, mới được một năm ở gần mà thầy Tùng đã nhận ra được người tài và chú ý bồi dưỡng. Nghe câu nói đó của thầy Tôn Thất Tùng ai cũng hởi lòng hởi dạ, càng thêm tin cậy ở người thầy tài năng, đức độ của mình.

Thầy Tùng thưởng cho một bát phở

Cách đây mấy hôm, bác sĩ  Lê Thị Chu, đồng nghiệp của tôi có đến thăm chúng tôi tại nhà. Nhân lúc vui vẻ cùng nhau hồi tưởng lại những kỷ niệm sâu sắc với các thầy, chị Chu kể cho chúng tôi nghe có hôm dự giao ban chung ở Bệnh viện Phủ Doãn có một trường hợp sinh viên Y6 trưởng dây chẩn đoán được lồng ruột cấp tính cho một em bé, thầy Tùng hỏi ai đã chẩn đoán, bác sĩ trực giới thiệu chị Chu.
 
Thầy khen: Giỏi, thưởng cho nó một bát phở. Nói xong, thầy đích thân bảo chị trưởng phòng y vụ dẫn chị Chu đi ăn phở đặc biệt tại căng-tin sau khi giao ban xong. Chị Chu nói, chị rất sung sướng và vô cùng xúc động, bát phở rất ngon, phở lợn năm 1973 mà rất đặc biệt, không bao giờ quên được, nhất là tấm lòng quý thương học trò sâu đậm hiếm  có của thầy Tôn Thất Tùng.
 (1) Khi ấy chúng tôi có thói  quen gọi thầy bằng anh.
(2) Về sau là giáo sư, Phó viện trưởng Viện Nhi Trung ương.

GS.TS. Nguyễn Khắc Liêu


Ý kiến của bạn