Giáo sư Tôn Thất Tùng đã từng làm thơ

06-03-2009 16:40 | Văn hóa – Giải trí

Câu lạc bộ thơ Hải Thượng họp đầu năm, thường cùng lúc để kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, kỷ niệm ngày giỗ Hải Thượng Lãn Ông, còn cộng hưởng cả Ngày thơ Việt Nam lần thứ VII.

Câu lạc bộ thơ Hải Thượng họp đầu năm, thường cùng lúc để kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, kỷ niệm ngày giỗ Hải Thượng Lãn Ông, còn cộng hưởng cả Ngày thơ Việt Nam lần thứ VII.

Đại tá bác sĩ Trịnh Phúc Nguyên - nguyên Trưởng phòng đào tạo Học viện Quân y. 
Xuất bản phẩm thường kỳ chỉ giữ nguyên cái tên: Những vần thơ tâm tình, nay đã đến tập 38 số Xuân 2009 - Năm thứ XII .

Đặc biệt, suốt 38 tập thơ trên đều có phần thơ dịch. Các nhà trí thức ngành y cao tuổi đều thường xuyên đọc sách báo ngoại ngữ, nhất là khi có thời gian sau nghỉ hưu. Đi vào hoạt động thơ, các thầy thuốc cũng muốn tìm hiểu xem thơ thế giới biến động ra sao, thấy bài nào hay là dịch để giao lưu với bạn bè. Các bác sĩ trẻ hơn cũng có dịp thao luyện, sử dụng ngoại ngữ của mình trong lĩnh vực văn học, xã hội.

Có hai vị cao tuổi nhất CLB là GS. Vi Huyền Trác (người nối dõi kịch tác gia Vi Huyền Đắc, tác giả vở Kim Tiền) và Đại tá bác sĩ, nguyên Trưởng phòng đào tạo Học viện Quân y Trịnh Phúc Nguyên, cả hai đều sinh năm 1924. Cách đây hai năm, báo SK&ĐS đã giới thiệu bài Thơ tình thế kỷ 21, thơ tình... già (mà ngôn từ rất trẻ) của GS. Vi Huyền Trác, lần này xin được dõi ống kính vào dịch giả Trịnh Phúc Nguyên.

Chương trình giao lưu thơ giữa chủ và khách sôi nổi khiến MC GS. TS. dược Lê Thị Kim phải quy định mỗi người chỉ được đọc hai bài.

Riêng vị đại tá cựu chiến binh Trịnh Phúc Nguyên thì đọc thơ dịch, hăng hái đòi “phá rào” với những lý do hết sức chính đáng khiến MC chỉ biết cười trước nhiệt tình của ông già tuổi 85. Bài đầu là Những người thầy thuốc (Les Médecins) của La Fontaine mà nhiều người đã biết. Bài thơ không khó dịch nghĩa, nhưng mọi người thú vị ở tên riêng hai vị thầy thuốc trong thơ của La Fontaine: thầy Tant-pis được dịch là thầy Kệ (mặc kệ), thầy Tant-mieux được dịch là thầy Hay và giọng đọc thơ Pháp rất chuẩn, lên bổng xuống trầm của cụ Trịnh. Cụ đọc cả phần dịch và nguyên bản. Có tiếng xôn xao “Vậy là hết tiêu chuẩn hai bài rồi nhé!”.

Cụ Trịnh thản nhiên: “Vâng, tôi biết! tôi biết! Nhưng xin hỏi các vị: nếu Giáo sư Tôn Thất Tùng còn sống làm thơ, các vị có kết nạp Giáo sư vào CLB này không?”. “Tất nhiên, tất nhiên!”, không ai biết cụ Trịnh sẽ dẫn mọi người đến đâu. “Vậy thì... bây giờ, tôi đọc “suất” của Giáo sư Tôn Thất Tùng”, và cụ giơ lên bản thảo bài thơ: “Không phải bằng tiếng Việt, mà bằng tiếng Pháp, không phải viết ở Paris thời Pháp thuộc, mà viết ở chiến khu Việt Bắc, bài En se souvenant de Hà Nội (Nhớ về Hà Nội), bài này Giáo sư đề rõ ngày 24 tháng 3 năm 1948”. Theo cụ, GS. Tôn Thất Tùng rất yêu thơ và làm nhiều thơ bằng tiếng Pháp.

Mấy thông tin lạ cùng xuất hiện khiến mọi người ngạc nhiên: Viện sĩ, GS. Tôn Thất Tùng có làm thơ, lại làm thơ bằng tiếng Pháp, ngay trong chiến khu của những người yêu nước đang chống Pháp!

Thực ra, nghĩ lại thì cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên: thế hệ trí thức đầu tiên đi với cách mạng hầu hết là được học hành, sinh hoạt trong môi trường Pháp ngữ. Đọc thơ, truyện cũng qua Pháp ngữ nên phô diễn ý tưởng ra lời, ra văn bằng tiếng Pháp lại thấy dễ dàng hơn là qua tiếng Việt. Điều đó chẳng quan trọng gì trước tình cảm, suy tư của vị Viện sĩ, Anh hùng Tôn Thất Tùng những ngày đầu hào hứng rời thủ đô đi kháng chiến qua bài thơ En se souvenant de Hà Nội (Nhớ về Hà Nội):

Cánh rừng tràn nắng sau những chiều lạnh cóng/ Nói với anh khi Việt Nam quyết sống/ Anh ca bài ca của mình và tâm hồn bay bổng/ Theo những từ say mê quyến rũ: Tổ Quốc, Tự Do

.............

.............

Và đây hiến dâng của chúng ta cho Việt Nam ngày mai/ Và đây dòng máu của chúng ta cho một bình minh vô tận.

.............

Nguyên bản:

La brousse ensoleillée après les soirs glacés/ Lui parle chaque fois du Viet Nam qui veut vivre/ Il chante sa chanson et son âme s énivre/ Aux mots ensorceleurs: Patrie et Liberté

.............

.............

Et voici notre offrande au Viet Nam de demain/ Et voici notre sang pour une aube éternelle

.............

(trích trong bài thơ 24 câu do Trịnh Phúc Nguyên dịch).

Sau những tràng vỗ tay, chúng tôi lặng người trước tâm hồn và niềm tin trong sáng của nhà thơ Tôn Thất Tùng, người tiêu biểu cho thế hệ trí thức đầu tiên đi làm cách mạng, mà những vị cao tuổi còn ngồi đây như những chứng nhân: Vi Huyền Trác, Trịnh Phúc Nguyên...

Vân Long


Ý kiến của bạn