Giáo sư Phong Lê Say nghề như lẽ sống

30-01-2019 16:15 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Giáo sư Phong Lê - nhà nghiên cứu, phê bình văn học đến nay vừa tròn tuổi 80. Tuổi là thế nhưng thần thái, vóc dáng vẫn cường tráng.

Mắt vẫn tinh anh. Bước vẫn sải dài. Ngồi vẫn vững như bàn thạch. Lời vẫn vẹn nguyên chất giọng  Hà Tĩnh âm oang, vang xa, lan xa. Ðôi mắt vẫn tinh tường. Tư duy mới mẻ, sắc sảo, đắm say với nghề, kỹ càng chữ nghĩa đến lạ lùng...

Nguồn mạch đam mê với nghề

Ngồi bên ông, tôi thổ lộ: “Tuổi Mậu Dần, nghề nghiên cứu, phê bình văn học gian nan, nhọc nhằn, nghiệt ngã đến thế, vậy mà ông vẫn làm nên. Xin ngả lòng bái phục!”. Phong Lê bật cười, giọng âm oang: “Duyên phận. Duyên phận mà. Trong sự nghiệp tôi cũng trải không ít khó khăn, đôi khi gập ghềnh. Mà, gập ghềnh lắm phen lại làm cho mình tỉnh ngộ, thậm chí khôn lên. Nhưng may mắn cũng nhiều. May thứ nhất là được sinh ra và lớn lên trên quê hương của thi hào Nguyễn Du; lại được bố đẻ là nhà giáo tận tình răn dạy hun đúc tình yêu văn chương qua những ấn phẩm đặc sắc từ nhỏ khiến lòng ngưỡng mộ luôn được nuôi dưỡng. Thuở xưa, theo nghề đâu dễ, may là nghề đã chọn mình!...”. Ngừng giây lát như để lấy đà, rồi ông nói liền mạch: “May thứ 2, năm 1956, tốt nghiệp phổ thông trung học, cũng là năm Trường đại học Tổng hợp thành lập, có Khoa Văn cho tôi thi đỗ và là sinh viên Khóa I của trường. May thứ 3, mùa hè năm 1959, tốt nghiệp đại học xong, vào đúng thời điểm Viện Văn học ra đời, tôi là sinh viên duy nhất của Khoa được phân về công tác ở Viện. Tại đây, được học hỏi, làm việc với các bậc thầy danh giá như Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy, Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan, Trần Thanh Mại... May thứ 4, năm 1988, nhờ xu hướng Đổi mới, Viện Văn học tổ chức bầu Viện trưởng, tôi được đồng nghiệp tin cậy bỏ phiếu, giao giữ trọng trách quan trọng nhất. Trong bề bộn các công việc của Viện có 25 cuộc hội thảo nhận diện, đánh giá lại nhiều gương mặt tiêu biểu văn học thời tiền chiến là dấu mốc đáng nhớ trong 8 năm tôi làm Viện trưởng. May thứ 5 là thôi chức Viện trưởng đúng thời điểm (1995), tôi dồn toàn bộ thời gian, sức lực cho nghề nghiệp mình yêu thích. Nhiều ấn phẩm (22/30 ấn phẩm) của riêng tôi được xuất bản sau khi thôi chức Viện trưởng. May thứ 6 mà tôi cho là rất  hạnh phúc, ấy là được làm thầy. Thời ấy, từ thập niên 1980 trở đi, tôi là giáo sư hiếm hoi của Viện Văn học được mời tham gia giảng dạy ở nhiều trường đại học khắp cả nước. Đó là niềm vui lớn của người làm nghiên cứu, bởi viết và nói được song hành với nhau; đồng thời với viết, nghiên cứu là những bài giảng; cùng với bài giảng là hướng dẫn, đào tạo ở cả 3 bậc: cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ”...

GS. Phong Lê.

GS. Phong Lê.

Ngắt lời ông, tôi chua thêm: “Tôi nghĩ, cái nữa để ông thành công với nghề là tài năng, là tư duy khoa học trời phú cho ông. Với lại, cái may, thậm chí rất may ấy là hạnh phúc gia đình, mà PGS. Vân Thanh (bà xã của ông) dịu dàng, thầm lặng gánh vác tất cả để ông yên bề “nghiền” chữ nghĩa cho đời. Điều này thì đồng nghiệp và hàng xóm của ông ở Viện Văn học đã bày tỏ trong buổi giao lưu gặp gỡ mừng ông vào tuổi 80!...”.

GS. Phong Lê gật gù: “Đúng. Đúng như vậy. Vợ con đã vì tôi mà chịu thiệt thòi nhiều bề! Buông ra chỉ ngần ấy lời, rồi lại xoay ngay vào chuyện nghề: Nghề nghiên cứu, phê bình, nói và viết trước hết phải có sở trường, phải yêu thích nó, phải có chút ít năng khiếu và sự đam mê không cùng!...”.

Mừng tuổi 80 của GS. Phong Lê trong căn phòng nhìn ra Hồ Tây của một nhà hàng trên đường Lạc Long Quân (do các con ông tổ chức cho bố) với chỗ ngồi hạn chế nhưng thành phần dự khá rôm, từ “cao cấp” đến “thấp cấp” cùng đại diện các lứa thạc sĩ, tiến sĩ nhiều nơi trên cả nước; nhiều người đã làm nên tên tuổi, vậy mà trước GS. Phong Lê, họ như vẫn còn rất nhỏ bé, lời tri ân chan chan tình nghĩa... Xen vào đó là tâm tình của lãnh đạo các nhà xuất bản, của Giám đốc Trung tâm Di sản, các nhà khoa học, của người quê, của Hội Kiều học do ông làm Chủ tịch... mới thấy sức lan tỏa từ công việc, từ uy danh của GS. Phong Lê là quý hóa biết bao. Tặng hoa GS. Phong Lê, nhà văn Ma Văn Kháng nói lời tinh chất nhân quả: “Không có GS. Phong Lê thì không có nhà văn Ma Văn Kháng. Ma Văn Kháng đọng trong lòng bạn đọc là nhờ lý luận, phê bình của Phong Lê”.

GS. Phong Lê với bạn bè đồng nghiệp (từ trái sang phải: nhà văn Nguyễn Bắc Sơn, nhà văn Ma Văn Kháng, nhà báo - nhà văn Nguyễn Uyển).

GS. Phong Lê với bạn bè đồng nghiệp (từ trái sang phải: nhà văn Nguyễn Bắc Sơn, nhà văn Ma Văn Kháng, nhà báo - nhà văn Nguyễn Uyển).

Vun vỗ lịch sử văn học Việt Nam

Những ấn phẩm của GS. Phong Lê viết và chủ biên đúng nghĩa là những công trình. Những công trình chứa đựng tài hoa, uyên bác của kiến trúc sư, của những người thợ miệt mài chính chuẩn sử dụng chất liệu, vật liệu với con mắt thẩm mỹ tinh anh, trái tim nồng cháy, trách nhiệm lớn lao mới tạo nên được. Có liên tưởng như vậy bởi người nghiên cứu và lý luận phê bình văn học phải kết hợp tư liệu do mình khám phá, phát hiện với năng lực tư duy khoa học, thẩm mỹ học, nhận xét tinh chắc, cảm xúc mãnh liệt mới tạo nên. Nhà nghiên cứu, phê bình văn học còn phải dồi dào ngôn từ hơn ai hết mới diễn tả đúng bản chất, làm sáng tỏ các vấn đề,  mang tính khoa học, học thuật. Người làm nghề này (tôi thiển nghĩ) còn phải có kỹ năng làm việc theo chương trình, theo đường hướng và liên tục trau dồi phương pháp khoa học cho mình, cộng tác với các chuyên ngành khác để vượt lên lối mòn. Đọc tên 30 ấn phẩm của GS. Phong Lê cùng cả chục đầu sách in chung đủ thấy ông luôn luôn lấy thế giới quan Mác - Lê-nin làm nguyên tắc soi chiếu để nghiên cứu... Đàm đạo mới hay, Phong Lê còn làm hơn cả trăm lần tôi nghĩ.

Phong Lê nói cốt để tôi hiểu, lời rành rõ: “Nhìn lại chặng đường nghiên cứu văn học của tôi có thể phân thành 2 thời kỳ. Thời kỳ thứ nhất, từ 1960 - 1980 là những năm tháng tìm tòi, thể nghiệm, học tập. Thời kỳ thứ hai, từ 1980 đến nay là xác định đối tượng nghiên cứu, tập trung lý luận phục vụ sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Nghiên cứu, lý luận của tôi tập trung vào 2 hướng: Hướng một, khảo sát các hoạt động, các dòng chảy, các vấn đề văn học nhằm tìm đến đặc trưng và quy luật phát triển của văn học Việt Nam thế kỷ XX. Hướng thứ hai, nhìn nhận lịch sử văn học Việt Nam thế kỷ XX gắn với các gương mặt tác giả nổi bật trong mỗi thời kỳ, qua họ để làm đậm nét thêm bức tranh sinh động, đa sắc màu của văn học Việt Nam!”. Ông nói và dẫn giải bằng những công trình do ông sáng tạo ra trong mỗi thời kỳ...

Nâng trên tay 2 ấn phẩm Văn học Việt Nam hiện đại - Lịch sử và lý luậnHiện đại hóa và đổi mới văn học Việt Nam thế kỷ XX, tôi nói: Qua đây, thấy rõ Giáo sư hết mình vun vỗ xây dựng lịch sử văn học Việt Nam. Tôi nhắc đi nhắc lại điều này nhưng Phong Lê không bắt thẳng vào vấn đề, hình như ông ngại sự vơ vào cho mình, hình như ông sợ gây nảy sinh tính đố kỵ của ai đó. Ông nói, âm thanh vừa đủ, cốt để tôi nghe, một mình tôi biết: “Nhằm gắn nối, theo lịch sử, những vấn đề xuyên suốt thế kỷ XX, từ nhu cầu hiện đại hóa trong nửa đầu thế kỷ đến yêu cầu đổi mới cuối thế kỷ, sau 30 năm chiến tranh và cách mạng, với những thử nghiệm trong xây dựng CNXH trên miền Bắc từ sau 1954 và cả nước, sau 1975 - đó là cái đích tôi muốn thực hiện ở các công trình này như là một bước chuẩn bị cần thiết trên con đường tiếp cận một bức tranh tổng quan về văn học Việt Nam thế kỷ XX mà tôi đang tiếp tục theo đuổi. Chỉ một thế kỷ đã qua nhưng chứa đựng trong nó biết bao biến động, vừa là sự gấp rút chuyển đổi mô hình từ trung đại sang hiện đại, vừa trong một sự phát triển theo gia tốc lịch sử rất đáng kinh ngạc, để từ chỗ là một nền văn học trong trạng thái phong bế của xã hội phong kiến - thuộc địa hàng nghìn năm mà tiến đến một nền văn học có đủ tiềm năng cho một cuộc hội nhập lớn với văn học nhân loại trong kỷ nguyên toàn cầu hóa”.

Trong các tập sách xuất bản, với chức danh là nhà nghiên cứu, lý luận phê bình văn học, có lẽ Phong Lê là một trong số người viết nhiều nhất về chân dung các tác giả văn học. Ngòi bút linh hoạt trong khắc họa nên đọc chân dung nào do ông viết, tôi cũng nhận ra nét riêng biệt, chi tiết “đinh” cốt cách của mỗi nhà văn. Đặc biệt với các tác giả Nguyễn Du, Hồ Chí Minh và Nam Cao?... Tôi vừa dứt lời, Phong Lê tiếp ngay:

- Đúng vậy. Đúng vậy. Tạo nên dòng văn học, làm nên nền văn học ở quốc gia nào cũng vậy, bắt đầu là người viết, là tác giả, là lực lượng sáng tác. Bởi thế, tôi rất coi trọng những gương mặt có đóng góp cho quá trình hiện đại hóa văn học. Những chân dung tiêu biểu, Văn và người, Người trong văn tôi đã viết, như thế vẫn chưa đủ, tôi đang và sẽ còn viết tiếp. Viết về Nguyễn Du, bởi Nguyễn Du là danh nhân văn hóa, là đồng hương xứ Nghệ của tôi. Yêu văn học, nói đến văn là nói tới nghệ thuật sử dụng ngôn từ thì không có ngôn từ nào giàu thẩm mỹ, gợi thanh, gợi sắc, gợi hình tuyệt vời như Truyện Kiều. Sức sống Truyện Kiều của Nguyễn Du; nghệ thuật sử dụng ngôn từ của Nguyễn Du đã thành cốt cách văn hóa, nhân văn tiêu biểu của dân tộc... Với Hồ Chí Minh - bởi Bác của chúng ta là anh hùng giải phóng dân tộc, là lãnh tụ duy nhất của thế kỷ XX có ít nhất 3 tác phẩm để đời như: Bản án chế độ thực dân Pháp, nhân danh những người bị áp bức trên toàn thế giới tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân; Nhật ký trong tù như một bức tự họa về ý chí kiên định cách mạng của Bác trong những năm lao tù của đế quốc đày đọa; và Tuyên ngôn độc lập - một áng văn hào hùng, đanh thép, lý lẽ chặt chẽ có một không hai về quyền độc lập của dân tộc Việt Nam... Với Nam Cao, bởi tôi từng gắn bó với Nam Cao, bị ám ảnh bởi truyện ngắn của Nam Cao - tác giả thành danh từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Ông là nhà văn biệt tài trong khắc họa thân phận người nông dân bị tha hóa như Chí Phèo; và bi kịch nghèo khổ mòn mỏi của anh giáo Thứ trong Sống mòn - nó là thân phận chung của trí thức trong xã hội thuộc địa và cũng không riêng trong xã hội thuộc địa...

Miệt mài công việc nghiên cứu, lý luận văn chương, Phong Lê nối dài thành công theo tuổi tác. Ông vinh hạnh được Nhà nước phong tặng học hàm Giáo sư (năm 1991), Giải thưởng Nhà nước về Khoa học Công nghệ (năm 2005) cùng rất nhiều giải thưởng chuyên ngành. Suốt cuộc đời khuôn trong chu trình: Đọc, đi, nghĩ, nói, viết. Hỏi chặng đường đi tiếp, Phong Lê chậm rãi: “Trời còn cho sống thì còn đọc và viết, viết đều, viết nữa, viết như lẽ sống ở đời”!


Nhà văn - Nhà báo Nguyễn Uyển
Ý kiến của bạn