Giáo sư Nguyễn Văn Mẫn - Người mở đường tiêm chủng Việt Nam

15-10-2013 08:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Năm 2000, Y tế Việt Nam đã có một kỳ tích trong hoạt động tiêm chủng mở rộng (TCMR) được thế giới công nhận đó là thanh toán thành công bệnh bại liệt. Người đã góp công lớn vào thành quả đó chính là GS Nguyễn Văn Mẫn.

Năm 2000, Y tế Việt Nam đã có một kỳ tích trong hoạt động tiêm chủng mở rộng (TCMR) được thế giới công nhận đó là thanh toán thành công bệnh bại liệt. Người đã góp công lớn vào thành quả đó chính là GS Nguyễn Văn Mẫn.

Chúng tôi đến gặp Giáo sư Nguyễn Văn Mẫn sau khi ông vừa trải qua ca mổ tim lần thứ hai, tuy sức khỏe chưa hoàn toàn bình phục nhưng Giáo sư vẫn rất hào hứng đưa cho chúng tôi xem một tập lớn ảnh tư liệu của thời mà như ông nói là “thời sơ khai mang kim tiêm, vacxin đi mở… đường TCMR”.


	Trong ảnh: GS Nguyễn Văn Mẫn trong một chuyến đi thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng ở một bản vùng cao (Ảnh tư liệu)

Trong ảnh: GS Nguyễn Văn Mẫn trong một chuyến đi thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng ở một bản vùng cao (Ảnh tư liệu)

Đó là vào những năm 1985 - 1986, lúc đó ông đang là Phó Giám đốc Trung tâm sản xuất vacxin đầu tiên ở Việt Nam (nay là Trung tâm Nghiên cứu, Sản xuất vacxin và Sinh phẩm y tế). Đồng thời, ông cũng là Phó Chủ nhiệm Chương trình TCMR Quốc gia, Chủ nhiệm Chương trình TCMR khu vực miền Bắc. Gánh trên vai những trọng trách nặng nề đó, nếu không phải là người có tâm và tràn đầy nhiệt huyết thì có lẽ ông đã không thể hoàn thành trách nhiệm mà quốc gia giao phó.

“Thời gian đầu khó khăn và gian nan lắm. Vì chưa ai hiểu TCMR là gì. Bởi vậy đến địa phương phải giải thích từng chi tiết nhỏ cho người ta biết là vì sao phải uống vacxin và uống như thế nào mới hiệu quả”, giáo sư chia sẻ về những ngày sơ khai thực hiện chương trình TCMR ở các địa phương. Thời điểm đó ở Việt Nam, y tế dự phòng gần như chưa được biết đến nhiều, việc phòng bệnh vẫn còn rất yếu kém.

Mỗi đợt tiêm, Giáo sư cùng đoàn đều phải mang loa tuyên truyền lưu động đến từng khu dân cư, từng hộ gia đình. Do làm tốt công tác tư tưởng nên việc triển khai chương trình TCMR không chỉ là việc của ngành y tế, của nhà nước mà người dân cũng đã nhận thức được đó là công việc của họ. Nó đã tạo thành một chiến dịch “xã hội hóa TCMR”. Vì vậy, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, các cơ quan, tổ chức… tất cả xã hội đều vào cuộc.

“Các vùng khó khăn, họ thiếu từ cái kim, cho đến tí cồn, tí bông cũng thiếu… gần như là không có gì; rồi cả những lần phải xuống từng thuyền để tiêm chủng cho người dân vạn chài; những chuyến vận chuyên vacxin bằng xe ngựa… Ấy vậy mà, các địa phương họ tích cực lắm, vẫn đảm bảo đúng quy trình tiêm chủng, nên mình càng phải cố gắng hơn” - Giáo sư hồi tưởng lại.

Ngoài sự thành công của chương trình TCMR, hiện nay Việt Nam còn chủ động sản xuất được một số loại vacxin dùng cho chương trình TCMR đạt chuẩn quốc tế. Âu cũng là thành quả xứng đáng cho những con người đầy tâm huyết và trách nhiệm với xã hội như GS Nguyễn Văn Mẫn.

Cất tiếng cười giòn, vị Giáo sư già đáng kính nhắc lại kỷ niệm đáng nhớ của một thời khó khăn đã qua, đó là món quà mấy cân gạo của một người dân địa phương tặng khi ông xuống thực hiện chương trình TCMR. Lâu quá rồi nên Giáo sư không còn nhớ chính xác tên người dân địa phương tốt bụng ấy, nhưng chắc chắn nó là món quà thôn quê ý nghĩa và đầy ắp tấm lòng, tình người của người dân ở những vùng đất mà ông đã đi qua.

Thời gian đã trôi qua, điều làm ông mãn nguyện nhất và cũng là món quà lớn nhất ông gửi đến cộng đồng đó là việc ngày càng có nhiều đứa trẻ sinh ra được bảo vệ sức khỏe nhờ có chương trình TCMR.

Nguồn: Báo Ảnh Việt Nam

 


Ý kiến của bạn