Hà Nội

Giáo sư đoạt giải Nobel Y học tới Việt Nam

04-12-2012 08:05 | Quốc tế
google news

Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam nhân chuỗi sự kiện của Quỹ Hoà bình quốc tế “Cầu nối – Cuộc đối thoại hướng đến văn hóa hòa bình”, GS. Harald zur Hassen, người đoạt giải Nobel Y học năm 2008 nhờ tìm ra virus HPV

Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam nhân chuỗi sự kiện của Quỹ Hoà bình quốc tế “Cầu nối – Cuộc đối thoại hướng đến văn hóa hòa bình”, GS. Harald zur Hassen, người đoạt giải Nobel Y học năm 2008 nhờ tìm ra virus HPV (tác nhân chính gây ra ung thư cổ tử cung ở phụ nữ) nhận bằng Giáo sư Danh dự tại Đại học Y Hà Nội vào ngày 30/11. Tại đây, ông đã có bài diễn thuyết về “Phòng ngừa ung thư - Thách thức đối với sức khỏe toàn cầu” và giao lưu với các giảng viên, giáo sư, bác sĩ và sinh viên y khoa Việt Nam.

Giáo sư đoạt giải Nobel Y học tới Việt Nam 1
PGS. Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội trao bằng GS Danh dự cho GS. Harald zur Hausen.   Ảnh: TM

Người đoạt giải Nobel trở thành Giáo sư Danh dự của Đại học Y Hà Nội

Tại Trường đại học Y Hà Nội, GS. Harald zur Hausen đã vinh dự đón nhận bằng Giáo sư Danh dự của trường. Ông xúc động cho biết: “Đây là một vinh dự mà bất cứ nhà khoa học nào cũng mong mỏi trong quá trình hoạt động của mình. Đây cũng thể hiện tình cảm của các bạn Trường đại học Y dành cho tôi”. Trước đó, GS. Harald zur Hausen cùng Chủ tịch Quỹ Hòa bình Quốc tế Uwe Morawetz đã có buổi gặp mặt với PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế. Tại buổi tiếp, Bộ trưởng đã bày tỏ lòng ngưỡng mộ giáo sư Harald, người đã tìm ra cơ chế của virus HPV giúp khống chế loại ung thư phổ biến ở phụ nữ. GS. Harald zur Hausen cũng bày tỏ hy vọng các nước nghèo có thể tiếp cận với nguồn cung vắc-xin HPV giá rẻ nhằm giảm nguy cơ ung thư ở phụ nữ.

70% loại bệnh ung thư có thể điều trị

Theo GS. Harald, hơn 70% ung thư ở người có thể điều trị, tỷ lệ tử vong do ung thư giảm, nhưng số người bị mắc mới lại tăng lên không ngừng. Do vậy, ngăn ngừa vẫn là biện pháp hữu hiệu nhất và có thể giảm tỷ lệ ung thư 70-80% thông qua sàng lọc, phát hiện và điều trị sớm các tổn thương cũng như ngăn ngừa các tác nhân gây ra ung thư. Ngoài các yếu tố môi trường sống, lối sống, thói quen ăn uống, sinh hoạt đã tác động rất lớn làm tăng tỷ lệ mắc các loại bệnh ung thư trên thế giới. Và theo ông Harald, cần phải có một nghiên cứu sâu và toàn diện về vấn đề này.

Một số loại ung thư có tính chất di truyền nhưng lại có thể tầm soát được như các loại viêm gan B và viêm gan C. Đây là các loại bệnh phổ biến ở khu vực Đông Nam châu Á. Ở một số nước, có đến 20% dân số bị nhiễm viêm gan C. Do vậy, xoá bỏ virut viêm gan C thì có khả năng phòng ngừa ung thư cao. Do vậy, vắc-xin được xem là một trong những biện pháp hàng đầu để phòng ngừa ung thư. Nghiên cứu tác động về ung thư gan ở trẻ em đã chỉ ra vắc-xin viêm gan B giúp tăng 70% khả năng bảo vệ khỏi ung thư gan. Vắc-xin HPV giúp giảm 12-15% gánh nặng ung thư ở phụ nữ. Do vậy, hai loại vắc-xin ngừa viêm gan B và HPV có hiệu quả hữu hiệu trong ngăn ngừa ung thư.

Bích Vân

GS. Harald zur Hausen trả lời phỏng vấn PV báo Sức khoẻ&Đời sống:

Giáo sư đoạt giải Nobel Y học tới Việt Nam 2
GS. Harald zur Hausen. Ảnh: MC

PV: Từng là Tổng biên tập Tập san Ung thư Quốc tế, xin ông chia sẻ về công việc đó của mình?

GS. Harald zur Hausen: Trước năm 2009, tôi từng giữ cương vị Tổng biên tập Tập san Ung thư Quốc tế, đó là một công việc đầy thú vị. Tôi đã có cơ hội hợp tác và tiến hành nhiều nghiên cứu về ung thư ở các nước Nam Á và Đông Á, được đăng tải trên tập san. Ấn phẩm đó đăng tải các nghiên cứu lâm sàng và tư liệu về điều trị ung thư cũng như những phát hiện mới nhất trên thế giới.

PV: Theo ông, Việt Nam có thể làm gì để cải thiện điều trị ung thư và ngăn ngừa số người mắc bệnh ung thư trong tương lai?

GS. Harald zur Hausen: Các biện pháp giảm tỷ lệ mắc ung thư cần phải tiến hành nhiều hơn nữa, hết mức có thể. Điều này cần được cải thiện qua chính sách y tế. Theo tôi, việc tiêm phòng đại trà vắc-xin HPV mà Đức đã áp dụng cũng là việc Việt Nam nên làm. Ngoài ra, cần phải giáo dục thế hệ trẻ nâng cao nhận thức phòng ngừa ung thư như không hút thuốc để ngừa ung thư phổi. Ưu tiên cao dành cho phòng bệnh. Cần có chương trình tầm soát, sàng lọc để phát hiện sớm các tổn thương, ngăn không phát triển thành ung thư. Tôi hy vọng, các bạn trẻ sẽ có nhiều nghiên cứu, sáng kiến phòng ngừa và điều trị ung thư hiệu quả để chia sẻ giữa các nước Đông Nam Á. 




Ý kiến của bạn