Giáo sư đầu ngành Pháp tư vấn trực tiếp về trẻ liệt cánh tay sau sinh

03-11-2014 08:45 | Sức khỏe TV

Chấn thương đám rối thần kinh cánh tay (ĐRTKCT) là những chấn thương gặp nhiều thứ hai trong thời kì sinh sản (gẫy xương đòn gặp nhiều nhất).

Đây là một thương tổn rất phức tạp, trên thế giới, tỉ lệ 2-3 trẻ/1000 trẻ được sinh ra mắc phải.

Video chương trình tư vấn trực tiếp của Gs.Alain Gilbert và Ts.Bs. Nguyễn Hồng Hà

 

GS. Alain Gilbert cho biết, liệt đám rối thần kinh cánh tay (ĐRTKCT) là các tổn thương thường xuất hiện ở thời điểm sinh đẻ, gây tổn thương ở dây thần kinh vận động ở cánh tay, dẫn đến liệt cánh tay sau sinh.

Trong số những cháu bé không may mắc phải tổn thương này, có khoảng 50-60% không cần phẫu thuật, còn lại các tổn thương nếu không phẫu thuật thì rất khó hồi phục.

Nếu tính tỉ lệ mắc phải theo thống kê 1-1,2 phần nghìn số trẻ đẻ ra. Ước tính Việt Nam có 1,5 triệu em bé ra đời mỗi năm, vậy sẽ có khoảng 1.000-1.500 trẻ sinh ra mắc mới tổn thương liệt ĐRTKCT. Trong đó có một nửa số ca bệnh có thể phục hồi được mà không cần can thiệp; còn lại khoảng 600-700 ca cần can thiệp phẫu thuật. Đây là lý do tôi thấy cần xây dựng một vài trung tâm tại các khu vực trên toàn quốc để có thể chăm sóc trẻ tốt hơn.

Nói về “giai đoạn vàng” trong phẫu thuật liệt ĐRTKCT, GS. Alain Gilbert cho biết sau khi theo dõi hàng nghìn ca bệnh trên thế giới cho thấy, theo dõi từ khi trẻ sinh ra đến 3 tháng có thể dự đoán được khả năng hồi phục của trẻ thế nào, từ đó đưa ra quyết định có nên phẫu thuật hay không? Nếu không thể tự hồi phục có thể can thiệp càng sớm càng tốt để chức năng cánh tay của trẻ tốt hơn về sau này.

Theo TS.BS Nguyễn Hồng Hà, Phẫu thuật đám rối thần kinh đã phát triển từ nhiều năm ở Việt Nam nhưng chủ yếu là chữa trị cho người lớn. Khoảng vài năm trở lại đây, việc chữa trị liệt đám rối thần kinh cho trẻ em nhất là trẻ sơ sinh mới phát triển. Phẫu thuật này  mới tiến hành ở bệnh viện Nhi Đồng I TP.HCM cách đây 4 năm và bệnh viện Việt Đức cách đây 2 năm. Đây là một phẫu thuật còn rất mới với các bác sĩ cũng như đối với người nhà bệnh nhân.

Nhiều người khi thấy con em mình bị mắc căn bệnh liệt đám rối dây thần kinh cánh tay thường có tâm lý trông chờ để bệnh tự khỏi hoặc chỉ nghĩ đến biện pháp phục hồi chức năng, mát xa, xoa bóp, châm cứu...  Nhưng như vậy sẽ chưa đủ để có thể phục hồi hoàn toàn cho trẻ.

Theo thống kê trên thế giới, khoảng 50-60% trẻ mắc bệnh liệt đám rối thần kinh cánh tay có thể hồi phục được bằng các biện pháp châm cứu, mát xa, phục hồi chức năng; 30-40%  còn lại trẻ phải được can thiệp phẫu thuật để phục hồi.

Đã có rất nhiều trường hợp bệnh nhân tới viện điều trị khi đã quá muộn nên không thể phục hồi được chức năng cho trẻ và như vậy sẽ rất đáng tiếc.

 

Chấn thương ĐRTKCT thường bị gây ra do lực kéo quá mức của các dây thần kinh. Chấn thương này có thể gặp trong các trường hợp đẻ khó do kẹt vai, thai nhi bị chèn ép trong tử cung, duỗi quá mức cánh tay với thai ngôi mông,...

Kích thước khung chậu, cân nặng thai nhi và vị trí vai thai nhi trong quá trình chuyển dạ,... là những yếu tố nguy cơ đối với các chấn thương đám rối phức tạp này. Trẻ sơ sinh có trọng lượng trên 4kg chào đời bằng đường âm đạo có nguy cơ cao chấn thương ĐRTKCT. Tổn thương này cũng xảy ra thường xuyên hơn với trẻ có ngôi mông, mặc dù cân nặng sơ sinh thấp.

 

Tại Việt Nam, việc theo dõi và điều trị còn chưa thống nhất theo phác đồ chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới. Do vậy khi bị bệnh này, nhiều gia đình cũng như kể cả các bác sĩ các tuyến cũng chưa biết cách tư vấn cụ thể gỡ rối cho bệnh nhân. Chính vì vậy, báo Sức khỏe và Đời sống tổ chức chương trình tư vấn trực tiếp với chuyên gia đầu ngành người Pháp về liệt đám rối thần kinh cánh tay GS.Alain Gilbert, Chuyên gia đầu ngành Phẫu thuật đám rối thần kinh, đến từ Viện Phẫu thuật Bàn tay Paris, Pháp sẽ giải đáp các thắc mắc của các bậc cha mẹ về căn bệnh này.

 GS.Alain Gilbert

Cùng tham gia giải đáp trong chương trình còn có TS.BS Nguyễn Hồng Hà, trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Việt Đức.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng sẽ giải đáp cho độc giả các vấn đề liên quan về dị tật bàn tay.

Ts.Bs. Nguyễn Hồng Hà, trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Việt Đức

Buổi tư vấn trực tiếp sẽ diễn ra vào 9h thứ 2 ngày 3.11.2014

Bạn đọc có thể gửi câu hỏi về tòa soạn ngay từ bây giờ theo địa chỉ email: bandientuskds@gmail.com;

hoặc trên trang fanpage : Y tế Việt Nam

hoặc fanpage của báo : Sức khỏe & Đời sống

Hoặc gửi câu hỏi dưới dạng tin nhắn vào số điện thoại 0965350350 trong thời gian diễn ra tư vấn trực tuyến. Lưu ý, toà soạn không nhận cuộc gọi.

Hoặc điền vào mẫu phía dưới trang.

 


Ý kiến của bạn