Việt Nam là nước đầu tiên ở Đông Nam Á ban hành Hướng dẫn Chẩn đoán và Điều trị Béo phì. Hướng dẫn này ban hành theo Quyết định số 2892/QĐ-BYT ngày 22/10/2022 được áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong cả nước.
Theo GS.TS. Trần Hữu Dàng, đây là bản hướng dẫn mang tính cột mốc có thể giúp hàng triệu người Việt Nam phòng ngừa béo phì và những biến chứng do béo phì gây ra như đái tháo đường, tăng huyết áp, đột quỵ, suy thận, nhồi máu cơ tim, ngưng thở khi ngủ,....
Trò chuyện với phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống, GS.TS. Trần Hữu Dàng nhấn mạnh, béo phì là một bệnh mạn tính. Trong bảng danh mục bệnh tật quốc tế (ICD), bệnh béo phì đã được định danh với mã số E66.
"Tôi muốn nhấn mạnh béo phì là một căn bệnh mạn tính, từ lâu chúng ta chưa xem đây là một căn bệnh. Bộ Y tế đã xác định đây là một căn bệnh với mã số bệnh ICD là E66. Điều này hết sức quan trọng bởi các bác sĩ lâm sàng có thể chẩn đoán bệnh béo phì, từ đó giúp chúng ta có chiến lược phòng, điều trị", GS.TS. Trần Hữu Dàng nói.
Với Hướng dẫn Chẩn đoán và Điều trị Béo phì, các bác sĩ sẽ có một nguồn tài liệu tham khảo đáng tin cậy, một khung điều trị chuẩn, có thể áp dụng trong thực hành lâm sàng.
Đo vòng bụng - biện pháp đơn giản nhất để biết bạn có bị béo phì hay không
"Hướng dẫn mới ban hành này trước hết để cho tuyến y tế cơ sở có chuẩn để chẩn đoán béo phì", GS.TS. Trần Hữu Dàng nói. Có 4 cách để đánh giá thừa cân béo phì.
- Cách thứ nhất là theo chỉ số khối cơ thể (BMI) dựa theo cân nặng, chiều cao.
- Cách thứ 2 là đo vòng bụng.
- Cách thứ 3 là đo lớp mỡ dưới da.
- Cách thứ 4 là đo phân bổ mỡ trong cơ thể bằng phương pháp DEXA hấp thụ tia năng lượng kép.
Trong bản Hướng dẫn Chẩn đoán và Điều trị Béo phì, Bộ Y tế tập trung hướng dẫn cụ thể cách xác định bạn có bị béo phì hay không dựa vào chỉ số BMI và cách đo vòng bụng.
Trong số các phương pháp xác định thừa cân béo phì, chỉ số BMI được coi là phương pháp đơn giản và phổ biến nhất. Để tính chỉ số khối cơ thể BMI, bạn hãy lấy cân nặng chia cho bình phương chiều cao. Nếu chỉ số này từ 25 trở lên, nghĩa là bạn đang bị béo phì.
Tuy nhiên, BMI chỉ tính chung thể trọng. Nhưng béo phì là tình trạng tăng trọng do tăng khối lượng mỡ. Tăng trọng lượng mà do tăng khối lượng cơ bắp thì không phải là béo phì, mặc dầu BMI rất cao.
Để biết là mỡ hay cơ bắp, phương pháp chính xác là đo bằng máy hấp thu tia X năng lượng kép. Do phương pháp này không phổ biến, bạn có thể sử dụng cách đơn giản là đo vòng bụng. Mỡ tăng lên nhiều thì vòng bụng tăng lên rất nhiều.
Có thể nói rằng, vòng bụng gia tăng tương quan với phân bổ mỡ trong cơ thể. Đó là điểm chính để xác định thừa cân béo phì. Nếu vòng bụng (vòng eo) từ 80 cm trở lên đối với nữ và từ 90 cm trở lên đối với nam, nghĩa là bạn đang mắc bệnh béo phì.
Hãy dành ít nhất 30 phút mỗi ngày tập thể dục để phòng ngừa béo phì
Làm thế nào để đừng bị thừa cân béo phì? GS.TS. Trần Hữu Dàng bật mí điểm chính là phải ăn uống đúng cách theo hướng dẫn chuyên môn. Thứ hai phải tập thể dục. Khuyến khích tất cả mọi người tập thể dục mỗi ngày nửa giờ. Tất nhiên, phải lưu ý tập đúng cách. Người có vấn đề tim mạch cần tham khảo ý kiến bác sĩ tim mạch.
Người dân nên tập thể dục ít nhất nửa giờ-40 phút mỗi ngày. Không riêng gì hướng dẫn phòng ngừa béo phì này nói riêng, Hội Nội tiết – Đái tháo đường khuyên người dân mỗi ngày dành nửa giờ tập thể dục, hạn chế các hoạt động thiếu vận động cơ bắp chẳng hạn như ngồi nhiều. Làm được điều này, không chỉ ngăn ngừa béo phì mà bạn còn đảm bảo cơ thể khỏe mạnh, sức khỏe tổng thể tốt.
Nguyên tắc vàng 7-8-9 trong phòng ngừa và điều trị béo phì cùng nhiều bệnh lý nguy hiểm khác
GS.TS. Trần Hữu Dàng nhấn mạnh tới thông điệp của Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam, đó là người dân cần lưu ý tới nguyên tắc 7-8-9 (chỉ số đường máu HbA1c < 7%, vòng eo < 80 cm đối với nữ và < 90 cm đối với nam).
7 ở đây chính là nồng độ đường máu HbA1c trung bình 3 tháng không vượt quá 7%.
Ở người Việt Nam, cứ 100 người chữa đái tháo đường, chỉ có 36 người chữa tốt, còn 64 người chữa không tốt do nồng độ đường máu HbA1c cao quá 7%. Nếu nồng độ này vượt quá 7%, có thể gia tăng nguy cơ biến chứng mắt mù sớm, nhồi máu cơ tim, đột quỵ sớm, tắc mạch chi dưới, suy thận, viêm thần kinh sớm.
Nhưng nếu biết cách giữ gìn để nồng độ HbA1c dưới 7%, bạn sẽ phòng được cả bệnh béo phì lẫn bệnh đái tháo đường.
Tiếp theo một điều rất dễ nhớ về hai con số 8 & 9 đó chính là: Hãy giữ vòng bụng của mình đừng quá 80cm đối với phái nữ và đừng quá 90cm đối với phái nam.
Để thực hiện nguyên tắc vàng này, hãy theo hướng dẫn của Bộ Y tế, ăn uống đúng cách, tập thể dục đúng cách. Đừng ăn uống một cách thừa thãi. Hạn chế rượu bia. Hãy nhớ rằng, calories nạp vào nhiều hơn calories tiêu hao thì dẫn tới béo phì.
Calories đến từ đâu? Thứ nhất là từ trong thức ăn tinh bột như cơm, miến, phở,…Thứ hai là trong chất mỡ, thứ ba là trong chất đạm, thịt. Nhưng có một nguồn calories bất ngờ đó là chính trong bia và rượu.
1g cồn chứa đến 7Kcal, trong khi đó 1g carbonhydrate trong cơm chỉ chứa 4Kcal thôi. Một bát cơm vào khoảng hơn 100 Kcal, nhưng chỉ cần 1 lon bia, lượng calories gần như vậy rồi.
Để tiêu hao 100 Kcal này phải làm thế nào? Phải đi bộ khoảng nửa giờ. Để tiêu hao 1 bát cơm cũng vậy. Nếu người đó uống 5 lon bia, lượng calories tích tụ lại tương đương với 5 bát cơm, dẫn tới béo phì. Bởi để có thể tiêu hao lượng Kcal của 5 lon bia này, bạn sẽ cần tới 2,5 giờ đi bộ.
Nếu nhớ nguyên tắc 7-8-9 này, chúng ta sẽ ngăn ngừa được hàng triệu người Việt Nam mắc biến chứng béo phì đó là: đái tháo đường, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, ung thư, hội chứng buồng trứng đa năng, thoái hóa khớp, suy thận,... Đây chính là Thông điệp mà Bộ Y tế và Hội Nội tiết - Đái tháo đường muốn gửi tới người dân.
Mời độc giả xem thêm video:
Tự ý sử dụng thuốc điều trị béo phì có hại không?