Hà Nội

Giáo lý nhà Phật không dạy “dâng sao giải hạn”!

12-02-2014 15:28 | Thời sự
google news

Đã thành thông lệ, cứ đến dịp đầu năm là hầu như nhà nào cũng đến chùa để đăng ký làm lễ cầu an, dâng sao giải hạn cho người thân trong gia đình. Trong khi đó, giáo lý nhà Phật lại không khuyến khích việc này, đồng thời cũng không có quan niệm về dâng sao giải hạn.

Đã thành thông lệ, cứ đến dịp đầu năm là hầu như nhà nào cũng đến chùa để đăng ký làm lễ cầu an, dâng sao giải hạn cho người thân trong gia đình. Trong khi đó, giáo lý nhà Phật lại không khuyến khích việc này, đồng thời cũng không có quan niệm về dâng sao giải hạn.

 1

Hình nhân xếp trong chùa Một Cột khiến nhiều du khách thắc mắc. Ảnh: T.G

Loạn giá, loạn thầy!

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các chùa đều tổ chức các khóa lễ cầu an, dâng sao giải hạn cho các phật tử. Tuy cách thức làm lễ này đều diễn ra như nhau nhưng mức giá mỗi nơi lại mỗi khác.

Tại Hà Nội, ở chùa Phúc Khánh, mỗi khóa lễ được thu theo đầu người, mức chung là 100.000 đồng/người. Trong khi đó, tại chùa Hòe Nhai và Chùa Một Cột, theo chị Nguyễn Thanh Hà (Bạch Mai, Hà Nội) thì mức giá lại có sự chênh lệch rõ nét: “Ban đầu, tôi đến Chùa Một Cột để đăng ký làm lễ cầu an, giải hạn.

“Đạo Phật chỉ có luật nhân quả, nếu ai làm điều thiện thì được ban phúc, ai làm điều ác sẽ gặp tai họa. Việc cúng sao giải hạn chỉ giải quyết được góc độ tâm lý của con người chứ không mang nghĩa hiện thực như phần lớn người hành lễ hiện nay đang tin tưởng”.

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm

Người phụ trách việc đăng ký thu theo hộ gia đình, mỗi hộ là 3 triệu. Tôi không đăng ký mà quay về chùa Hòe Nhai thì mức giá ở đây lại khác hẳn. Mỗi hộ chỉ 200 nghìn đồng, nhà 2 người cũng như nhà 10 người. Ngoài ra còn được hướng dẫn cách thức làm lễ cho những người chưa biết rất tận tình…”.

Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận ở chùa Một Cột là công tác tổ chức được làm khá tốt. Trong khi các chùa lớn như chùa Thanh Hà, Phủ Tây Hồ… tình trạng chen lấn, đốt vàng mã diễn ra tràn lan thì tại chùa Một Cột, người dân đến chiêm bái đều được nhà chùa chuẩn bị sẵn nhang khói để hành lễ. Đồ lễ cũng không được phép bán ở quanh chùa như phần lớn các chùa khác.

Có mặt tại chùa Một Cột sáng 11/2, PV Báo GĐ&XH cảm nhận không khí hành lễ vẫn diễn ra trật tự, đúng quy định, nhưng rất nhiều phật tử, du khách nước ngoài tỏ ra thắc mắc việc trong gian chính điện của chùa xếp sẵn khá nhiều các hình nhân - một nghi thức trong lễ cầu an giải hạn sắp được diễn ra ở đây. Bên ngoài sân chùa còn để sẵn hai con ngựa đồ mã lớn.

Theo Hòa thượng Thích Hạnh Nhẫn, trụ trì chùa Cầm Sơn (Hà Tĩnh) thì trong lễ cầu an, giải hạn của chùa chỉ đơn thuần là sắm các lễ vật như hoa, quả, chè, xôi, đèn nến, sớ… Còn các hình nhân thế mạng không có trong lễ giải hạn. Nếu có thì nó mang màu sắc mê tín dị đoan chứ không phải trong quan niệm của Phật giáo.

Theo Hòa thượng Thích Hạnh Nhẫn, quan niệm về dâng sao giải hạn thực chất là bắt nguồn từ Nho giáo của Trung Quốc. Trước đây chỉ có ở các đình, đền thực hiện nghi thức này. Nhưng sau này du nhập vào Phật giáo và được tiếp nhận ở góc độ làm lễ cầu an, với mong ước gia đình quý phật tử được an lạc hạnh phúc. Nghi thức của lễ cầu an là tụng kinh Phật, nương theo lời dạy của Ngài mà hành trì theo để cuộc sống được bình an hơn chứ không phải làm lễ để bài trừ được tai họa như nhiều người lầm tưởng.

Hòa thượng Thích Hạnh Nhẫn cũng cho biết, tại chùa Cầm Sơn tính đến thời điểm này có khoảng 200 hộ gia đình đăng ký làm lễ cầu an (mỗi hộ có từ 7-8 người). Nhưng khi làm lễ, trước khi tụng kinh cầu an, nhà chùa phải làm lễ sám hối, niệm một danh hiệu Phật là lạy một lần. Tổng cộng, các nhà sư phải niệm tên 1 vạn lần, tương ứng với 1 vạn lạy.

Chính vì vậy, việc đọc hết các tên của phật tử là điều không thể. “Với chùa Phúc Khánh, nơi có hàng nghìn người đăng ký làm lễ thì theo tôi hiểu, nếu đọc hết tên thì không có hòa thượng nào đủ sức đọc. Trên thực tế, Phật giáo chỉ quan niệm và khuyến thích việc cầu an cho phật tử, còn dâng sao giải hạn chỉ là giải quyết về mặt tâm lý, dùng từ “làm dịch vụ” thì hơi nặng, nhưng thực chất thì nó gần như thế” - Hòa thượng Thích Hạnh Nhẫn nói.

Theo quan niệm tử vi, mỗi năm có một vì sao chiếu mạng vào một tuổi của từng người. Với 9 vì sao, có những vì sao “hung tinh” như sao La Hầu, Thổ Tú, Kế Đô, Thái Bạch, Vân Hán; sao tốt là Thuỷ Diệu, Thái Dương, Thái Âm và Mộc Đức. Nhưng theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trên đời này không có ngôi sao nào chiếu vào con người ta mà mang phúc hay mang họa đến cho người ấy.

Đạo Phật chỉ có luật nhân quả, nếu ai làm điều thiện thì được ban phúc, ai làm điều ác sẽ gặp tai họa. Việc cúng sao giải hạn chỉ giải quyết được góc độ tâm lý của con người chứ không mang tính hiện thực như phần lớn người hành lễ hiện nay đang tin tưởng.

Tuy nhiên, rất tiếc là các ngôi chùa hiện nay, kể cả chùa lớn như Phúc Khánh cũng chưa có những giải thích rõ ràng về tục dâng sao giải hạn để các phật tử hiểu thấu đáo, tránh đi màu sắc mê tín dị đoan hoặc quá đề cao vào nghi thức này, dẫn đến ngày càng có nhiều người đổ đến các chùa làm lễ giải hạn như một trào lưu, nhưng trên thực tế lại không hiểu đúng bản chất của nghi thức này.

Tại chùa Hương, càng về gần Rằm tháng Giêng, du khách thập phương đổ về trẩy lễ, cúng sao giải hạn càng nhiều. Các bãi giữ xe tại chùa Hương thu từ 30.000 - 50.000đ/xe. Các hàng thuốc Nam bên đường thi nhau quảng cáo thuốc chữa bách bệnh khiến nhiều khách hàng cả tin mua phải những gói thuốc không có nguồn gốc. Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều thầy bói dạo nhân cơ hội khách thập phương đổ về chùa Hương đông nên đã treo biển quảng cáo đoán vận số. Đội quân ăn mày mùa lễ hội tiếp tục hoành hành dù chính quyền nhiều lần khẳng định sẽ xóa bỏ hình ảnh xấu này tại mùa lễ hội 2014. Trong các hang động ở chùa Hương, tiền lẻ phủ kín cả lối đi, người dân cũng “không quên” nhét tiền ở bình hoa, tượng Phật.

Thanh Hà


Ý kiến của bạn