Năm 2014 đánh dấu hơn 10 năm Bệnh viện TW Huế thực hiện ca ghép tạng đầu tiên và là năm bệnh viện tiến hành ca ghép thận thứ 200. Đặt dấu mốc cho sự kiện quan trọng này, Bệnh viện TW Huế phối hợp với Báo SK&ĐS, VTV Huế và Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia tổ chức chương trình giao lưu Tôn vinh người hiến thận tự nguyện.
Đến tham dự chương trình Tôn vinh người hiến thận tự nguyện, về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có ông Trần Thanh Bình - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy; ông Nguyễn Văn Cao - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cùng nhiều lãnh đạo các ban, ngành của tỉnh Thừa Thiên Huế. Về phía Bộ Y tế có PGS.TS. Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế cùng lãnh đạo Cục QLKCB, Văn phòng Bộ Y tế.
Đau đáu nguồn hiến
Lĩnh vực ghép tạng nói chung và lĩnh vực ghép thận nói riêng của Việt Nam đã có nhiều tiến bộ vượt bậc và đây là một trong những thành tựu nổi bật của ngành y tế Việt Nam trong các năm qua. Ôn lại chặng đường hơn 10 năm ghép thận của bệnh viện, GS.TS. Bùi Đức Phú - AHLĐ, Giám đốc Bệnh viện TW Huế cho biết, kỹ thuật lọc máu bằng máy thận nhân tạo được bệnh viện triển khai từ những năm 80 của thế kỷ trước và trên nền tảng này đã thôi thúc đội ngũ thầy thuốc của BV chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiến tới ghép thận như tiến hành mổ thực nghiệm trên chó, sắp xếp hệ thống phòng mổ và hồi sức, chuẩn bị nhân lực chủ yếu từ nguồn nhân lực phẫu thuật tim hở vừa mới được triển khai trước đó. Sau khi được Hội đồng ghép tạng Quốc gia thẩm định và cho phép, ngày 31/7/2001 được ghi vào lịch sử của BV là ngày thực hiện ca ghép thận đầu tiên.
Đau đáu về nguồn hiến tạng, GS.TS. Bùi Đức Phú cho biết thêm, Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác ra đời từ năm 2007 nhưng sau nhiều năm chỉ có 12 người chết hiến tạng. Người bệnh thì mòn mỏi suy kiệt lấy BV làm nhà, thầy thuốc thì sẵn sàng cứu chữa nhưng bất lực vì không có nguồn tạng hiến, sự chênh lệch quá lớn về cung - cầu là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng cò mồi mua bán tạng xuất hiện trong xã hội khá phổ biến trên thế giới cũng như ở nước ta. Nguồn tạng từ người cho chết não là hết sức phong phú nhưng do nhiều vấn đề, quan niệm về tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng nên chưa được cộng đồng thông hiểu. Nếu vận động được thân nhân của những người chết não hiến tạng thì sẽ có nguồn tạng quý giá cứu sống cho nhiều người đang mắc những bệnh nan y.
Đến dự và chia vui với tập thể cán bộ thầy thuốc của Bệnh viện TW Huế, PGS.TS. Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định, với nhiều cố gắng, vượt qua mọi khó khăn, Bệnh viện TW Huế xứng đáng là Trung tâm y tế chuyên sâu lớn của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Trong đó, đáng kể nhất là kỹ thuật ghép tạng nói chung và ghép thận nói riêng, được sự tin tưởng của nhân dân và lãnh đạo Bộ Y tế. Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến đã gửi lời tri ân sâu sắc nhất đến những người đã hiến tạng, chính họ không chỉ cứu sống những bệnh nhân đang mòn mỏi chờ đợi sự sống mà còn góp phần rất lớn cho sự trưởng thành và phát triển mạnh mẽ của kỹ thuật ghép tạng Việt Nam.
Trong phát biểu chào mừng của mình, ông Nguyễn Văn Cao - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế biểu dương sự cố gắng không mệt mỏi của cán bộ thầy thuốc Bệnh viện TW Huế, đứng đầu là GS.TS. Bùi Đức Phú trong công tác khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn tỉnh. Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế luôn cố gắng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cùng với Bộ Y tế, giúp bệnh viện phát triển xứng tầm là trung tâm y tế lớn của cả nước.
Vượt qua những rào cản
Hiện nay, đối với bệnh nhân suy thận, cả nước có hơn chục nghìn người chờ nhận thận nhưng từ năm 1992 đến nay, các Trung tâm ghép tạng của nước ta ghép được khoảng 1.000 ca ghép thận cũng là 1.000 bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối được trở về với cuộc sống - một con số vô cùng ít ỏi so với nhu cầu thực tế. Kết quả sau ghép thận rất tốt đẹp, bệnh nhân được cứu sống với thời gian sống kéo dài, chi phí thuốc men rẻ hơn nhiều lần so với chạy thận, kể từ đây, họ rời xa giường bệnh, máy móc, mệt mỏi, thất vọng để trở về cuộc sống bình thường có thể lao động mang lại giá trị xã hội rất có ý nghĩa.
Anh Nguyễn Văn Viết Lữ - người hiến thận cho ca ghép thận đầu tiên ở Bệnh viện TW Huế, kể lại: Thật sự khi hiến thận tôi cũng rất lo lắng cho sức khỏe của mình sau này. Lúc đó, vợ chồng tôi chưa có con nên suy nghĩ nhiều lắm, nhưng sau khi các bác sĩ tư vấn và giải thích cặn kẽ, tôi chấp nhận hiến thận. Và kể từ đó đến nay, sức khỏe của tôi hoàn toàn bình thường. Sau ngày hiến thận, vợ chồng tôi đã có 2 cháu gái xinh xắn và ngoan ngoãn.
Còn anh Võ Văn Anh, với chất giọng miền Trung ồm ồm của người đi biển, chia sẻ: Tôi hiến thận cho bà cô họ mới từ đầu năm, hiện nay hoàn toàn khỏe mạnh. Sau khi hiến thận, tôi vẫn theo bạn đi biển bình thường, ra khơi xa và chưa cần đến sự giúp đỡ của y tế.
Nguồn hiến tạng cần sự đồng hành từ truyền thông
Chúng ta hết sức tự hào về ngành ghép tạng tại Việt Nam đã có được những bước phát triển không ngừng. Với những thành công về ghép thận, ghép gan, ghép tim, ghép giác mạc, ghép tụy trên người lấy từ người cho còn sống và nguồn hiến chết não do các bác sĩ Việt Nam đảm nhiệm đã cho thấy bước đột phá trong lĩnh vực ghép tạng ở nước ta.
Kỹ thuật, trang thiết bị, cơ sở vật chất đều sẵn sàng nhưng khó khăn nhất hiện nay mà chúng ta đang phải đối mặt chính là sự khan hiếm nguồn tạng hiến, mặc dù ở nước ta mỗi năm có hàng ngàn trường hợp chết não nhưng hầu hết người nhà không đồng ý cho tạng, trong khi đó luôn có hàng chục nghìn người bệnh chờ ghép. Một người chết do chấn thương sọ não vì tai nạn giao thông có thể cứu sống được 7 người bệnh với thận, gan, tim, phổi và tụy tạng của mình. Nhưng thật không dễ dàng cho lời đề nghị hiến tạng, nhất là vào những lúc gia đình người xấu số đang đau buồn nhất, đặc biệt đối với các trường hợp tai nạn giao thông. PGS.TS. Trịnh Hồng Sơn - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cho biết thêm, hiện nay, với vai trò là điều phối, Trung tâm đang cố gắng nỗ lực xây dựng danh sách những người sẵn sàng hiến đồng thời nỗ lực cùng với giới truyền thông để tuyên truyền cho người dân về ý nghĩa nhân văn của hiến tạng, đặc biệt là đối với những người chết não.
Là khách mời tại buổi giao lưu Tôn vinh những người hiến thận, TTƯT.BS. Trần Sĩ Tuấn - Tổng biên tập Báo SK&ĐS chia sẻ, kỹ thuật ghép tạng của nước ta đi sau thế giới gần nửa thế kỷ và sau các nước trong khu vực Đông Nam Á khoảng 20 năm, nhưng đến nay, trình độ ghép tạng ở nước ta đã tiến bộ vượt bậc, tiếp cận và nắm được toàn bộ kỹ thuật cơ bản ghép tạng của thế giới, một số kỹ thuật đã đạt trình độ của những nước có nền khoa học kỹ thuật tiên tiến. Điều đáng tự hào đối với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế là Bệnh viện TW Huế đã tạo nên nét vẽ đầu tiên của Việt Nam trên bản đồ ghép tim thế giới. Tình trạng cò mồi, buôn bán nội tạng người ở nước nào cũng có, đặc biệt là ở Trung Quốc, nguyên nhân là do mất cân đối nghiêm trọng về nhu cầu được ghép với nguồn cung. Từ mất cân đối cung - cầu dẫn đến những kẻ cò mồi buôn bán bất hợp pháp nội tạng. Để khắc phục được điều này, cần phải dựa vào truyền thông để người dân hiểu đó là làm việc thiện và sẵn sàng hiến tạng, đồng thời truyền thông mạnh mẽ để người muốn hiến tạng biết được nơi tiếp nhận. Ở nước ta, quan niệm của người dân vẫn là chết toàn thây, nhưng bên cạnh đó, đạo Phật lại có câu “Cứu một người phúc đẳng hà sa”. Vì vậy, cần vận động Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng vào cuộc với các cấp, các ngành chung tay với ngành y tế. Báo chí có công rất lớn trong phát hiện những đường dây buôn bán nội tạng nhưng cũng cần thận trọng khi đưa thông tin, tránh đưa thông tin một chiều bởi tâm lý của những kẻ cò mồi là nâng giá của bên mua và hạ giá của bên bán nên bịa đặt thông tin. Ở Việt Nam đến nay chưa phát hiện bệnh viện và bác sĩ tiếp tay cho những kẻ xấu buôn bán nội tạng.
Làm thế nào để vận động người thân dễ dàng vượt qua ràng buộc về tâm lý, tâm linh, những rào cản của phong tục, tập quán… cho việc thực hiện nghĩa cử cao đẹp này là một công việc rất khó khăn cho ngành y tế mà ngành đang nỗ lực kêu gọi toàn thể cộng đồng có trách nhiệm trong việc vận động hiến tạng nhân đạo để cứu người. Chương trình giao lưu Tôn vinh Người hiến thận tự nguyện nhằm mục đích góp phần tác động cộng đồng thấu hiểu được hành động tự nguyện hiến tạng mang nghĩa cử cao đẹp này xứng đáng được tôn vinh trong xã hội, nhờ đó có thể thay đổi nếp nghĩ, quan niệm để hình thành phong trào và nhận thức cụ thể việc “Hiến tặng tạng, hiến tặng sự sống”.
Bài, ảnh: Anh Tuệ