Ngày 6/9, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có công văn gửiBan Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố đề nghị trụ trì các chùa, cơ sở tự viện (đặc biệt là di tích lịch sử, văn hóa đã xếp hạng) chủ động di dời, không bài trí tượng sư tử đá và linh vật không đúng với mỹ thuật truyền thống Việt Nam ra khỏi cơ sở thờ tự.
Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố sẽ hướng dẫn trụ trì các chùa, cơ sở tự viện không tiếp nhận công đức tượng sư tử đá, biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với mỹ thuật truyền thống Việt Nam.
Nếu cơ sở thờ tự, tự viện có nhu cầu bài trí linh vật, biểu tượng cần liên hệ với Ban Văn hóa trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam để được hướng dẫn cụ thể về hình tượng và cách bài trí theo đúng truyền thống trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam.
Thực trạng cổng chùa, khu di tích, công sở bày sư tử đá có hình dáng theo mẫu Trung Quốc, châu Âu tồn tại hàng chục năm nay. Nhiều nhà văn hóa đã lên tiếng phản đối vì cho rằng phản cảm, không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam. Ông Trần Lâm Biền, ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, khẳng định việc trưng bày sư tử đá vốn được nhà giàu Trung Quốc dùng canh bia mộ để gác cửa chùa chiền sẽ làm "méo mó lịch sử, xóa nhòa bản sắc của nước ta".
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch mới đây đã có công văn gửi các Sở Văn hóa đề nghị không trưng bày, sử dụng, cung tiến biểu tượng, sản phẩm, linh vật và các vật phẩm lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Bộ cũng đã có đoàn kiểm tra xuống một số di tích và yêu cầu di dời nhiều sư tử đá ngoại lai.