Gần đây, chính phủ Phần Lan đã quyết định bỏ các môn học như: Toán, Vật lý, Hóa học, Lịch sử... thay vào đó là phương pháp dạy học theo những chủ đề rộng hơn, các môn được tích hợp. Những giờ học theo từng môn riêng lẻ như trước đây sẽ không còn tồn tại. Học sinh sẽ được tăng cường thảo luận, khám phá, tìm hiểu về những chủ đề mang tính hiện tượng bao quát hơn.
Phần Lan là một nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, chắc hẳn các chuyên gia, nhà hoạch định chiến lược giáo dục của nước này đã có những nghiên cứu, đánh giá cụ thể trước khi bãi bỏ những môn học nói trên. Trong khi đó, các môn Toán Toán, Vật lý, Hóa học, Lịch sử hiện đang là các môn học chính của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Tại Việt Nam, những năm qua đã có nhiều đổi mới giáo dục, trong đó có việc giảm tải cho học sinh bằng cách nghiên cứu những bộ sách giáo khoa chuẩn, hướng theo năng lực của học sinh, các môn học được tích hợp. Tuy nhiên, các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Lịch sử... sẽ vẫn tồn tại dưới dạng tích hợp hoặc là một môn chính riêng rẽ. Do đó, thông tin Phần Lan bỏ các môn học này khiến nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục cảm thấy bất ngờ.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng Việt Nam chưa phù hợp để bỏ một số môn học như ở Phần Lan. Ảnh: TL
PGS Cương chia sẻ: “Việc để học sinh chỉ cần thảo luận theo nhóm, không cần ngồi trong lớp, không cần nghe giảng cũng khiến cho những kiến thức các em thu thập cũng trở nên không rõ ràng. Máy tính hiện đại làm được nhiều phép tính nhưng điều đó không có nghĩa là không cần kỹ năng cộng trừ, nhân chia. Các kỹ năng cơ bản nhất phải có, mỗi học sinh cũng phải biết”.
“Việt Nam cũng đang hướng tới việc không áp đặt, không nhồi nhét vào học sinh, khuyến khích học trò thảo luận, không còn tình trạng thầy đọc trò chép… Chưa đến lúc Việt Nam có thể học Phần Lan khi xóa sổ các môn Toán, Lý, Hóa, Lịch sử. Vì thế, nếu Việt Nam muốn học tập giống như Phần Lan thì phải nghiên cứu thật kỹ càng” - PGS Cương chia sẻ thêm.
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, hệ thống giáo dục của Phần Lan thay đổi sẽ khuyến khích hành vi giao tiếp và tương tác trong lớp học của học sinh và giáo viên. Trong khi đó, nền giáo dục của Việt Nam có xuất phát điểm rất thấp. Do đó, Việt Nam sẽ không thể xóa sổ các môn học Toán, Lý, Hóa… như cách Phần Lan đang làm. Cái cần nhất vẫn là có một chương trình, bộ sách giáo khoa chuẩn để tiến tới dạy và học theo phát triển năng lực của học sinh.
T.Hằng