Hà Nội

Giáo dục và đào tạo “khép kín”

07-09-2012 21:35 | Xã hội
google news

Bộ GD&ĐT nước ta chắc chắn là Bộ đông “quân” nhất và có liên quan tới mọi nhà nhất. Chưa kể lực lượng dạy, cả nước hiện có tới trên hai chục triệu người đi học từ bậc mẫu giáo, phổ thông, cho đến các bậc đại học, cao đẳng (ĐH,CĐ), nghiên cứu sinh.

Bộ GD&ĐT nước ta chắc chắn là Bộ đông “quân” nhất và có liên quan tới mọi nhà nhất. Chưa kể lực lượng dạy, cả nước hiện có tới trên hai chục triệu người đi học từ bậc mẫu giáo, phổ thông, cho đến các bậc đại học, cao đẳng (ĐH,CĐ), nghiên cứu sinh. Gần ¼ dân số đang cầm sách vở sẽ là động lực phát triển cho đất nước hôm nay và ngày mai nếu sự học đem lại kiến thức thực sự với việc hình thành tư duy sáng tạo, chủ động nhưng cũng sẽ là gánh nặng của cả xã hội, làm trì trệ, tụt hậu quốc gia nếu như việc học chỉ theo thành tích, hình thức.

Chúng ta có thể tự hào về nền giáo dục nước nhà khi mà đầu nguồn, trẻ hiện nay muốn vào lớp 1 phải qua mẫu giáo (chắc để đảm bảo kiến thức cơ bản) và ở cuối nguồn, số tiến sĩ, thạc sĩ vào loại nhất khu vực, gấp 5 lần Thái Lan. Thế nhưng năng suất lao động ở ta thuộc loại thấp nhất khu vực và những công trình nghiên cứu khoa học công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế chỉ bằng 1/5 Thái Lan.

Hình như nghịch lý này được thể hiện rất cụ thể qua hình ảnh các cháu tiểu học đến trường với chiếc cặp trĩu vai còn sinh viên ĐH chỉ có cuốn vở mỏng nhét sau túi quần. Chuyện bằng cấp càng nghịch lý hơn khi sinh viên có bằng ĐH cũng phải lao tâm khổ tứ, ít nhất cũng phải đi học đều, điểm danh không được thiếu nhưng các bác, các chú được bổ nhiệm vào hàng cục, vụ, viện trở lên bận trăm công ngàn việc, không thể rời nhiệm sở vậy mà nhoáy một cái đã có bằng tiến sĩ, thậm chí còn được phong giáo sư, không biết họ học và nghiên cứu lúc nào!

Hình như giáo dục và đào tạo ở ta theo quy trình “khép kín” để kết quả giáo dục đào tạo không theo chất lượng dạy và học và theo định mức chủ quan của các nhà quản lý. Bằng chứng rõ nhất là kỳ thi tốt nghiệp phổ thông năm nào có “hai không” khiến có trường tỷ lệ tốt nghiệp là 0% nhưng chỉ 3 tháng sau học lại, kết quả lập tức khả quan ngay. Cho đến bây giờ thì học sinh phổ thông cả nước đều tốt nghiệp từ 90% trở lên trong khi có mỗi một vụ quay cóp công khai ở trường Đồi Ngô bị phát hiện dù rằng chẳng phải do các thầy mà do thí sinh trong phòng thi quay phim làm bằng chứng! Sự khép kín đến kín mít trong giáo dục phổ thông khiến cha không dạy được con, anh chẳng thể kèm được em khi mà sách giáo khoa cải cách bổ sung liên tục tới mức trò không học thêm không được dù lệnh cấm dạy thêm, học thêm năm nào cũng ban hành quyết liệt. Bậc ĐH, nghiên cứu sinh cũng khép kín theo kiểu “tự quyết” của Hội đồng chấm tốt nghiệp, hội đồng bảo vệ. Khép kín đến nỗi luận văn, công trình bảo vệ đáng ra là niềm tự hào của thí sinh cần được in ra cho thiên hạ biết nhưng sau những nụ cười và hoa tặng, những công trình bảo vệ in bìa cứng chữ mạ vàng vẫn phải chịu số phận hẩm hiu nằm trong ngăn tủ, giá sách thư viện chẳng được mấy ai ngó ngàng nếu như không phải là sự quên lãng!

Phương thức giáo dục đào tạo “tự thầy quyết” mà thiếu “hậu kiểm “ khiến từ phổ thông đến ĐH và đào tạo tiến sĩ toàn thấy khá, giỏi và xuất sắc. Các nhà quản lý không “hậu kiểm” nhưng dư luận “hậu kiểm” được khi nhìn vào thi ĐH để biết chất lượng phổ thông, nhìn sinh viên mới ra trường để biết chất lượng ĐH. Năm nào cũng thấy số thí sinh ĐH bị điểm 0 môn mình mạnh nhất (thì mới thi) nhiều thêm khiến dư luận thảng thốt đau lòng. Các trường ĐH thay vì được nhận bằng khen, cờ thưởng, huân chương từ báo cáo thành tích, số tốt nghiệp khá giỏi nên chăng cần được xét qua việc sinh viên tốt nghiệp được thu nhận, mức lương chi trả của cơ quan thu nhận?

Đầu năm học mới, xin có những lo ngại về giáo dục đào tạo hiện nay ở ta. Có thể tác giả bài viết này có cách nhìn bi quan song bi quan hay lạc quan thì mục đích của mọi người dân vẫn là hy vọng nước nhà có một nền giáo dục đào tạo thiết thực, gắn với thực tế và đòi hỏi của cuộc sống vì một đất nước giàu mạnh, hùng cường.

Lê Quý Hiền


Ý kiến của bạn