Giáo dục hòa nhập khuyết tật cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non

19-10-2021 15:06 | Y tế
google news

SKĐS - Việc chăm sóc và giáo dục trẻ khuyết tật phải thường xuyên được cải tiến, đổi mới, phải phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và sở thích của trẻ. Tránh mọi hình thức gò bó, áp đặt, mệnh lệnh làm căng thẳng ức chế tâm lý trẻ.

Tạo môi trường học thân thiện, quan tâm giúp đỡ trẻ hòa đồng với cô giáo và bạn bè

Theo các chuyên gia tâm lý, môi trường giáo dục có vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển toàn diện cho trẻ, đặc biệt là đối với trẻ khuyết tật. Bởi vì khi có môi trường giáo dục tốt sẽ giúp phát triển nhân cách cho trẻ đồng thời giúp trẻ phát triển về tiềm năng  tư cách, các năng lực tinh thần và thể chất. 

Hơn nữa trẻ khuyết tật rất nhạy cảm với mọi tác động bên ngoài, những thiếu sót trong cách thức giáo dục, quan hệ tình cảm cũng dễ ny sinh những chấn thương tâm lý, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ. Cho nên cô giáo mầm non có vai trò quan trọng trong việc giáo dục hòa nhập.  

Giáo dục hòa nhập khuyết tật cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non - Ảnh 1.

Việc rèn kỹ năng sống cho trẻ khuyết tật đòi hỏi giáo viên phải quan tâm và giáo dục trẻ mọi lúc mọi nơi. Ảnh: Doãn Tấn/ TTXVN

Các chuyên gia tâm lý cho rằng: Việc giáo dục trẻ khuyết tật phải thực hiện một cách thường xuyên, phải kiên trì, nhẫn nại, thường xuyên nhắc nhở giáo dục trẻ, trong trường, trong lớp phải yêu thương, giúp đỡ bạn lúc khó khăn, thấy bạn ngã phải đỡ bạn dậy, thấy bạn buồn, bạn không khỏe thì phải quan tâm hỏi thăm, cùng chơi với bạn. Đây là cơ hội tốt để giáo dục tình cảm, lòng nhân ái, nhân cách sống và kỹ năng sống cho trẻ mầm non.
Cô giáo như mẹ hiền, thay thế mẹ để chăm sóc, giáo dục giúp đỡ trẻ khuyết tật ở mọi lúc mọi nơi. Vì vậy việc chăm sóc và giáo dục trẻ khuyết tật phải thường xuyên được cải tiến, đổi mới, phải phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và sở thích của trẻ. Tránh mọi  hình thức gò bó, áp đặt, mệnh lệnh làm căng thẳng ức chế tâm lý trẻ. 

Cô giáo phải thường xuyên trò chuyện, âu yếm vỗ về trẻ, tạo cho trẻ tâm thế vui vẻ, thoải mái, tạo môi trường đẹp, thân thiện để trẻ được hòa nhập cùng với các bạn, xây dựng nhóm bạn cùng chơi với trẻ. Giúp trẻ mạnh dạn, tự tin thích được đến trường.Song song với nhiệm vụ xây dựng môi trường thân thiện để trẻ khuyết tật hòa nhập thì việc dạy trẻ ở mọi lúc mọi nơi là việc cần thiết. 

Đối với trẻ khuyết tật thì khả năng nhận thức, diễn đạt những ý nghĩ, mong muốn của trẻ rất hạn chế. Vì thế cô giáo phải thường xuyên quan tâm chăm sóc, trò truyện, giúp đỡ trẻ ở mọi lúc mọi nơi, trong mọi hoạt động


Rèn kỹ năng sống cho trẻ mọi lúc mọi nơi, ứng dụng phương pháp Montessori

Theo các chuyên gia tâm lý, đặc điểm của trẻ khuyết tật đa số trẻ có ý thức tự vệ sinh cá nhân kém, trẻ không biết đi vệ sinh đúng nơi quy định, trẻ không biết rửa tay bằng xà phòng, lau mặt, rửa mặt… và đặc điểm của trẻ là hay quên và không thành nền nếp như các trẻ khác ở trong lớp. Vì vậy hàng ngày vào các buổi chiều giáo viên cần dành thời gian rèn kỹ năng vệ sinh cho trẻ để trẻ có thói quen vệ sinh đúng cách

Việc rèn kỹ năng sống cho trẻ khuyết tật đòi hỏi giáo viên phải quan tâm và giáo dục trẻ mọi lúc mọi nơi. Ban đầu trẻ không biết đi vệ sinh đúng nơi quy định khiến giáo viên rất vất vả. Sau những lần như vậy cô ân cần hỏi trẻ và dặn dò trẻ: “Lần sau khi đi vệ sinh con phải vào nhà vệ sinh nhé”. Thời gian đầu trẻ chưa thành thói quen nên giáo viên luôn phải nhắc nhở trẻ và hỏi trẻ có đi vệ sinh không để cho trẻ đi thường xuyên. Dần dần trẻ có thới quen đi vệ sinh giống như các bạn và được một số bạn trong lớp dắt đi cùng nên cháu cảm thấy tự tin và tự biết cách đi vệ sinh đúng cách.

Ngoài ra khả năng nhận thức của trẻ chậm nên khi rèn các kỹ năng vệ sinh khác như: Rửa tay, rửa mặt, lau mặt của trẻ cũng rất yếu. Hàng ngày cô cho trẻ thực hiện vệ sinh giống các bạn và cô chú ý quan sát sửa sai cho trẻ. Đến buổi chiều cô thấy kỹ năng vệ sinh nào của con còn yếu cô lại ôn lại và cùng trẻ làm lại kỹ năng theo đúng các bước. Giáo viên cũng kết hợp với phụ huynh để rèn vệ sinh ở nhà đúng cách và tạo thói quen cho trẻ. Giáo viên cũng cần luôn trao đổi với phụ huynh để phụ huynh hiểu tầm quan trọng của giáo dục kỹ năng vệ sinh cá nhân. 

Bên cạnh các phương pháp giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mọi lúc mọi nơi. Giáo viên cần ứng dụng thêm phương pháp Montessri. Đây là phương pháp giáo dục tiên tiến chấp nhận sự duy nhất của mỗi trẻ và cho phép trẻ phát triển tùy theo những khả năng của mình. 

Để ứng dụng được phương pháp này cô giáo cần chuẩn bị rất nhiều đồ dùng đồ chơi để phát triển kỹ năng cho trẻ. 

Ví dụ 1: Chuẩn bị bộ đồ dùng 2 cái bát. 1 bát có hột hạt cỡ to và 1 bát không chứa vật gì, 1 dụng cụ gắp hột hạt. Trẻ phải dùng dụng cụ bằng tay và chuyển lần lượt các hạt từ bát này sang bát kia. Với kỹ năng này rèn trẻ kỹ năng khéo léo nhanh nhẹn của đôi tay. Cô cho trẻ thực hành nhiều lần và khi đã thành thạo cô tăng độ khó lên bằng cách thay các hột hạt to bằng các hột hạt nhỏ.

Ví dụ 2: Kỹ năng chải tóc: Chuẩn bị cho trẻ 1 chiếc gương, 1 chiếc lược, các loại dây buộc tóc. Đầu tiên cô cho trẻ quan sát cô làm, vừa làm cô vừa phân tích động tác cho trẻ thật chậm. Sau đó cô cho trẻ cầm lược và cùng trẻ chải tóc cho trẻ. Dần dần cô cho trẻ tự thao tác nhiều lần. Cô cho trẻ chơi cùng với các trẻ khác trong lớp để cùng giúp đỡ bạn khi chơi.Ưng dụng phương pháp Montessri còn rất nhiều kỹ năng khác mà giáo viên đã và đang áp dụng cho trẻ như: Kỹ năng đi tất, quàng khăn, mặc áo dài, kỹ năng rót nước, kỹ năng đóng mở nắp hộp…

Hiệu quả sau khi ứng dụng phương pháp Montessri cho trẻ khuyết tật. Trẻ hứng thú tham gia hoạt động. các bài tập đưa ra cho trẻ phù hợp với khả năng của trẻ. Qua phương pháp này giáo dục cho trẻ một số kỹ năng vận động rất tốt ngoài ra trẻ sẽ phát triển được khả năng ghi nhớ, tư duy cho trẻ. Đặc biệt trẻ biết hợp tác với bạn khi chơi.


Huệ Nguyễn
Ý kiến của bạn