Hà Nội

Giáo dục hoà nhập giúp trẻ khuyết tật có khả năng học tập

15-04-2019 17:52 | Thời sự
google news

SKĐS - Trẻ khuyết tật nằm trong số những cá nhân thiệt thòi và dễ bị tổn thương nhất trên thế giới – các em phải chịu sự tẩy chay từ chính cộng đồng của mình, bị từ chối các quyền cơ bản và bị loại khỏi hệ thống giáo dục.

 

 

Cả nước có khoảng 1.2 triệu trẻ em bị khuyết tật

Theo thông tin của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, hiện có khoảng 1.2 triệu trẻ em bị khuyết tật và chỉ 24.2% trong số các em đi học. Dù được các trường học đón nhận, gần 33% trong số các em đã đăng kí nhập học buộc phải nghỉ do thiếu các điều chỉnh phù hợp cũng như hỗ trợ cần thiết để giúp các em vượt qua những trở ngại trong quá trình học tập.

Tài là con thứ 4 trong một trong một gia đình dân tộc Dao nghèo khó tại huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Theo lời kể của mẹ Tài, sau một trận ốm nặng khi còn bé, vì nhà không có điều kiện chạy chữa, đôi chân của em đã gần như bị liệt. Để giúp Tài tập đi, bố cậu đã treo rất nhiều dây lên tất cả các cột kèo trong nhà để Tài bám vào từng bước. 6 tuổi, Tài nhỏ hơn hẳn so với các bạn đồng trang lứa, chân vẫn đi khập khiễng, nhưng cậu đã rất tự tin và hạnh phúc khi được trở thành một thầy giáo thực thụ, như trong ước mơ của mình.

Còn bé gái 8 tuổi tên Yên- cái tên mang ý nghĩa của sự yên bình, sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo của huyện Bảo Yên, Lào Cai nhưng lại có cuộc sống không được như vậy. Mẹ của em vẫn cứ mãi đau đớn và ân hận vì đã để con gái nằm trên nôi gần nồi nước đang sôi. Cô bé bị bỏng nặng, huỷ hoại hoàn toàn nửa mặt và vùng ngực bên trái.

“Đến khi đi học, Yên là đứa trẻ nhút nhát nhất trong lớp, em cảm thấy ngại ngùng với thầy cô và bạn bè vì khuôn mặt biến dạng của mình. Thế nhưng, con gái tôi vẫn mơ ước được trở thành một cô bán hàng trong thôn, ngày ngày được cười nói và sẻ chia những câu chuyện đời thường với mọi người xung quanh”- mẹ Yên kể.

Từ đứa trẻ khuyết tật, Tài đã trở nên mạnh mẽ hơn, tự tin hơn khi đóng vai là "thầy giáo" với các bạn

Vào năm 2017, với sự hỗ trợ từ Tổ chức Cứu trợ Trẻ em, Yên đã được phẫu thuật ở vùng cằm và hàm. Chỉ ba tháng sau phẫu thuật, Yên đã có thể cử động cơ mặt dễ dàng hơn; em trở nên năng động và tươi vui hơn cả ở nhà và ở trường. Sau khi được trang bị các kĩ năng dạy trẻ có nhu cầu đặc biệt, các cô giáo của Yên đã quan tâm và giúp đỡ em nhiều hơn.

Những đứa trẻ như Tài, Yên đang nhận được những lợi ích đáng kể từ việc thực hiện Kế hoạch học tập cá nhân tại trường học của mình. Theo ông Bùi Minh Tuân, Trưởng phòng Giáo dục huyện Bảo Yên- tỉnh Lào Cai: “6 năm là một khoảng thời gian tương đối dài, hỗ trợ giáo dục trong việc phát triển trẻ khuyết tật ở huyện đã góp phần rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đặc biệt là đã có sự chuyển biến vô cùng rõ rệt trong việc giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tại các nhà trường.

Chuyển biến sâu sắc từ thực tiễn

Khái niệm về giáo dục hòa nhập được xây dựng dựa trên quan điểm tất cả trẻ em đều có khả năng và đều có quyền được học tập. Đây là một khái niệm khá mới mẻ với nhiều trường học, giáo viên và các bậc phụ huynh. Việc thực hiện và giám sát thiếu đầy đủ, chặt chẽ cũng góp phần cản trở tính hiệu quả của các hoạt động của giáo dục hòa nhập, gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc tiếp nhận giáo dục của trẻ khuyết tật, đặc biệt là đối với trẻ dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu vùng xa còn nhiều nghèo đói.

Dù phải đối mặt với nhiều thách thức, một chuyển biến sâu sắc đang bắt đầu diễn ra ở Lào Cai, một tỉnh miền núi phía tây bắc Việt Nam với hơn 20 dân tộc thiểu số đang sinh sống. Dự án về Giáo dục Hòa nhập của chương trình Phát triển Cộng đồng lấy Trẻ em làm Trọng tâm của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em ở Lào Cai được thực hiện từ năm 2016, với mục tiêu xây dựng và nâng cao năng lực cho giáo viên trong công tác giáo dục hòa nhập, hỗ trợ trẻ khuyết tật (bị khiếm khuyết về thể chất và tinh thần), cũng như nâng cao nhận thức cho gia đình và cộng đồng về các quyền cơ bản của trẻ khuyết tật.

Một loạt các hội thảo và tập huấn về Bộ công cụ hỗ trợ trẻ có nhu cầu đặc biệt (gọi tắt là SNAP) cho các cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên cấp tỉnh và cấp huyện đã được tổ chức ở Lào Cai nhằm cung cấp các công cụ hữu ích và thiết thực như Kế hoạch học tập cá nhân (gọi tắt là IEP) cho trẻ khuyết tật, đưa SNAP vào ứng dụng trong trường học. Cho đến nay, bộ công cụ đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ địa phương.

Theo ông Bùi Minh Tuân, sau khi được tập huấn kỹ năng để hướng dẫn trẻ khuyết tật, các thầy cô trong các nhà trường đã thực hiện rất tốt các phương pháp như các kỹ năng đó để vận dụng vào dạy học cho trẻ khuyết tật hòa nhập trong các lớp học, đảm bảo các hoạt động giáo dục trong nhà trường nói chung, cũng như đối với chất lượng học sinh khuyết tật nói riêng. Đối với chính bản thân các em học sinh khuyết tật cũng khắc phục được những khó khăn của bản thân mình để bắt kịp với các học sinh còn lại, và thực hiện các hoạt động giáo dục toàn diện theo yêu cầu.

Hiện nay, chương trình đã triển khai các hoạt động tại cộng đồng thuộc 23 xã thuộc 5 huyện của tỉnh Lào Cai, bao gồm huyện Bảo Thắng, Bảo Yên, Bát Xát, Mường Khương, và Văn Bàn. Chương trình dự kiến kéo dài trong vòng 10 năm, từ năm 2013 đến 2022. Sau 5 năm thực hiện, chương trình đã đem lại lợi ích cho hơn 53.000 người dân của tỉnh lào Cai; trong số này có hơn 27.000 trẻ em.

 


Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn