Giáo dục đổi mới căn bản: Những tín hiệu đầy hy vọng

01-06-2017 14:59 | Thời sự
google news

SKĐS - Trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới của ngành giáo dục hướng tới đổi mới căn bản, toàn diện, chuyển hướng để phát triển năng lực phẩm chất...

Trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới của ngành giáo dục hướng tới đổi mới căn bản, toàn diện, chuyển hướng để phát triển năng lực phẩm chất, thay đổi toàn bộ từ triết lý đến nội dung, phương pháp giảng dạy..., trong đó, ngành giáo dục cũng lấy đổi mới con người (đội ngũ giáo viên) là một trọng tâm.

“Nghị quyết của Quốc hội đã đưa ra thời điểm thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông bắt đầu từ năm 2018, đây là thời điểm đã được tính toán đến quá trình chuẩn bị. Ngành giáo dục cũng đang triển khai theo hướng quyết liệt, thận trọng và cầu thị lắng nghe”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nêu rõ. Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, chương trình cũ dạy đơn môn với các tiết rất rời rạc, còn chương trình mới là tổng hợp kiến thức, tăng cường năng lực, có một số môn tích hợp nên đòi hỏi giáo viên phải được bồi dưỡng, đào tạo lại cho phù hợp.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang rà soát, xây dựng các chuẩn giáo viên theo khung mới và chuẩn quản lý nhà giáo mới. Trước mắt, rà soát xem giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục hiện nay đang ở đâu so với các bậc chuẩn, từ đó xây dựng các chương trình bồi dưỡng cho giáo viên đạt mức chuẩn tối thiểu, đáp ứng yêu cầu chương trình mới và tổ chức đào tạo bồi dưỡng. Từ tháng 9/2017 sẽ tiến hành đào tạo giáo viên cốt cán, sau đó sẽ mở rộng ra toàn đội ngũ giáo viên. Bộ cũng yêu cầu các trường sư phạm tự thay đổi, chủ động đào tạo giáo viên các môn học mới.

Mới đây, tại cuộc tiếp xúc cử tri tỉnh Bình Định, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: “Hiện nay, giáo viên đang là định biên, hướng tới, Bộ sẽ triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên mà sẽ theo chế độ hợp đồng có vào - có ra, có chế độ đãi ngộ lớn. Lĩnh vực đào tạo sẽ theo hướng thị trường lao động, tăng cường chất lượng. Tuy nhiên, việc này chưa làm ngay được mà phải có lộ trình”.

Ngay lập tức, ý kiến của vị tư lệnh ngành giáo dục đã gây rung động trong toàn giới công chức ngành giáo dục, đồng thời nhận được sự phản hồi từ dư luận và cả các nhà chuyên môn.

Nhiều ý kiến bạn đọc bày tỏ sự đồng tình với ý tưởng này và cho rằng, đây chính là tạo sự bình đẳng trong việc đối xử giữa những người có trình độ khác nhau, đặc biệt là sẽ hạn chế “chạy” viên chức. Giáo viên buộc phải tự học hỏi nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu giáo dục, đồng thời là cơ hội để các giáo viên vùng sâu, vùng xa có thể đầu quân cho các trường ở các đô thị và thành phố lớn.

Về chuyện này, các thầy cô giáo đã có những phản ứng mạnh mẽ. Họ cho rằng: Chủ trương bỏ biên chế giáo dục có mặt tích cực là tạo khoảng trống để nhân tài có cơ hội vào ngành, tránh tình trạng người tài thi biên chế nhưng không dễ gì được vào vì "con ông cháu cha" chiếm hết phần. Tuy nhiên, đa phần giáo viên vẫn muốn giữ nguyên chế độ công chức, viên chức như cũ đối với giáo viên kèm theo điều kiện siết chặt và minh bạch việc thi vào công chức để đảm bảo chọn đúng người tài.

Hơn nữa, những người giáo viên rất trông chờ được biên chế. Điều này cũng phần nào tạo sự ổn định giúp thầy cô chuyên tâm vào sự nghiệp trồng người. Lợi ích của biên chế còn có thêm các chế độ khác như thâm niên, lương hưu; nếu là lao động hợp đồng thì không có hỗ trợ thâm niên. Mặt khác, có những thầy cô cống hiến cả tuổi thanh xuân vì nghề, nếu đến độ tuổi trung niên đột nhiên vì lí do nào đó bị cắt hợp đồng thì rất khó tìm việc khác...

Nhìn ở góc độ tổng thể, có lẽ không cần nhắc lại sau rất nhiều những cải cách, giáo dục nước ta vẫn đứng ở top dưới không chỉ với thế giới mà so với các nước trong khu vực. Đây không chỉ là sự thua thiệt, mất mát mà hơn thế, là nỗi đau và sự xấu hổ. Nguyên nhân thì nhiều, song không thể không nói tới một khâu rất quan trọng - đó là chất lượng giáo viên của ta hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển giáo dục, nhất là tới đây, khi chương trình và sách giáo khoa mới được triển khai, đòi hỏi đội ngũ giáo viên cần có trình độ cao.

Chính vì vậy, một cuộc cách mạng tổng lực về nhân sự đối với đội ngũ giáo viên là điều cần thiết lúc này. Trong công cuộc này, chúng ta đành chấp nhận sự hi sinh lợi ích của một số người vì tương lai của nhiều thế hệ. Một nền giáo dục phát triển sẽ tạo ra lớp lớp nhân tài, phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Một hy vọng không phải không có cơ sở.


Thúy Lan
Ý kiến của bạn