Hà Nội

Giao dịch lan đột biến, chiêu trò thổi giá lộ liễu 

26-03-2021 06:05 | Pháp luật
google news

SKĐS - Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người dân cần cẩn trọng khi tham gia các giao dịch lan đột biến để tránh bị thiệt hại lớn về tài chính.

 Bởi các giao dịch mua bán lan đột biến hiện có giá trị rất lớn, trong khi việc định giá sản phẩm lan đột biến lại chưa có cơ sở rõ ràng, các giao dịch cũng được thực hiện không rõ ràng.

Những giao dịch tiền tỷ gây rúng động

Thời gian gần đây, cơn sốt bất thường của lan đột biến quay trở lại sau một thời gian vắng bóng. Mới đây nhất, cộng đồng mạng xôn xao về thương vụ mua bán lan var Ngọc Sơn Cước trị giá 250 tỷ đồng diễn ra tại Mạo Khê, Đông Triều, Quảng Ninh. Trước đó, ngày 12/3, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh một vụ chuyển nhượng cây lan Bảo Duy 5 cánh trắng với giá 18.888.888.888 đồng. Hàng chục, hàng trăm tỷ đồng đã được đem đến tại cuộc giao dịch lan đột biến. Cơn sốt bất thường của lan đột biến đang diễn ra tại nhiều tỉnh thành trên cả nước kèm theo những vụ “đấu giá” hàng chục, hàng trăm tỷ đồng gây rúng động dư luận.

Liên quan đến vấn đề này, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương cho biết, hoạt động mua bán lan đột biến thời gian gần đây chủ yếu là về cách thức “thổi giá”, “làm giá ảo” để lừa đảo của một số đối tượng, được hiểu là các bên tự mua đi bán lại cây lan đột biến với giá chênh lệch rất cao. Điều này sẽ kích thích người sau mua với giá cao hơn nữa, đến khi không có người mua tiếp theo thì người đang giữ sản phẩm lan đột biến sẽ phải chịu thiệt hại vì sản phẩm không tương xứng với giá trị thực tế.

Ngoài ra, còn có một số các thông tin phản ánh đây có thể chỉ là các “chiêu trò đánh bóng tên tuổi” của các đối tượng, thực tế không có giao dịch mua bán. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo, người dân cần thận trọng khi tham gia vào các giao dịch mua bán lan đột biến để tránh bị thiệt hại lớn về tài chính.

Giao dịch lan đột biến, chiêu trò thổi giá lộ liễu Công an tỉnh Hòa Bình bắt giữ nhóm đối tượng lừa đảo qua mua bán lan đột biến.

Xử lý thế nào?

Trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Tiến Thủy - Văn phòng Luật sư Việt Lý (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, nếu các thương vụ hoa lan đột biến với số tiền khủng hàng trăm tỷ đồng không phải là giao dịch thật, cơ quan chức năng cần làm rõ động cơ mục đích của các đối tượng giao dịch ở đây là gì? có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của người khác không? Trường hợp có căn cứ cho rằng, đây là giao dịch giả mạo khiến người khác tin tưởng khiến người khác giao tiền cho các đối tượng này với số tiền từ 2.000.000 đồng trở lên, đối tượng sẽ bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 BLHS năm 2015. Nếu số tiền chiếm đoạt từ 500.000.000 đồng trở lên, các đối tượng có hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác sẽ phải chịu mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Theo luật sư Nguyễn Tiến Thủy, người dân cần hết sức thận trọng bởi thời gian qua tại một số địa phương đã xảy ra tình trạng “thổi giá” cây lan đột biến lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng khiến nhiều người bị lừa đảo, dồn hết tài sản vào các thương vụ như vậy. Công an tỉnh Hòa Bình và một số tỉnh đã khởi tố một số đối tượng về hành vi làm giả cây lan đột biến để bán với giá cao. Cụ thể, Công an huyện Yên Thủy (Hòa Bình) từng ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Tạ Thị Suối Vân (SN 1992) trú tại Đội 2, xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc bán hoa lan giả trên các trang mạng xã hội”.

Theo luật sư Thủy, thị trường cây cảnh nói chung và hoa nói riêng không có giá chung cố định, pháp luật Việt Nam cũng không quy định về giá nên cơ quan Nhà nước không áp đặt mức giá đối với các giao dịch. Đây là kẽ hở để các đối tượng “thổi giá” nhằm trục lợi. Tuy nhiên với những giao dịch bất thường cơ quan chức năng có thể vào cuộc xác minh, làm rõ động cơ mục đích, làm rõ hành vi và đánh giá hậu quả đối với xã hội để có căn cứ xử lý.

Với các giao dịch mua bán lan đột biến với giá bất thường, cơ quan thuế và cảnh sát kinh tế cần có trách nhiệm làm rõ để truy thu thuế cho Nhà nước. Trường hợp có hành vi “Trốn thuế” thì có thể xử lý hình sự về tội “Trốn thuế” theo quy định của BLHS năm 2015. Trường hợp các đối tượng thừa nhận giao dịch là giả mạo, không phải giao dịch thật sẽ xem xét xử lý về hành vi đưa tin trái phép trên mạng internet (hành vi này là vi phạm Điều 8, Điều 16, Điều 17, Điều 18 của Luật An ninh mạng, tùy vào tính chất, mức độ sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự). Để ngăn chặn chiêu trò “thổi giá”, mỗi chính quyền địa phương cần phải nắm bắt thông tin. Khi phát hiện ra trường hợp tổ chức các sự kiện mua bán, phát tán thông tin trên mạng xã hội có những nội dung sai sự thật thì cần phải xử lý ngay. 

 

 


Thế Vinh
Ý kiến của bạn