5 ngày - 2 ca đại phẫu sinh tử
Bệnh nhân L.T.C, 25 tuổi, quê ở Nghệ An là người dân tộc Thái. Cách đây 2 năm bệnh nhân C mắc bệnh lao phổi , đã được điều trị theo phác đồ tại địa phương. Bệnh lao gây tổn thương toàn bộ phổi phải, cả đường dẫn khí quản, phế quản. Không may là sau điều trị lao, bệnh nhân vẫn khó thở, tức ngực, các bác sĩ cho biết, đây là một biến chứng co kéo xơ sẹo, hậu quả sau một tổn thương lao.
Bà V.T.N – mẹ bệnh nhân C cho biết, con phát hiện lao năm 2016, điều trị lao đến tháng 10/2018 được chuyển lên BV Phổi Trung ương. “Tôi cũng biết là bệnh con nặng, thương và lo cho con nhiều, nhưng bệnh tình con ngày càng nặng”, bà N nói. Bà chia sẻ mỗi lần con mổ là lần ấy nước mắt của bà lại rơi vì lo cho con.
Bệnh nhân đang dần hồi phục một cách thần kỳ
Ths.BS Nguyễn Viết Nghĩa, Phó khoa Gây mê hồi sức, BV Phổi Trung ương, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân C. cho phóng viên biết, bệnh nhân C nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, các xét nghiệm chẩn đoán cho thấy phổi phải hoàn toàn mất chức năng, nội soi khí quản phế quản thấy hình ảnh phế quản phải bị chít hẹp hoàn toàn, phế quản gốc bên trái biến dạng, cong gập dẫn đến bệnh nhân bị suy hô hấp.
BS Nghĩa cho biết, bệnh nhân đã được can thiệp nhiều lần để nong khí quản, phế quản tạm thời, đặt stent vào những chỗ bị cong, hẹp nhưng triệu chứng không được cải thiện. Các bác sĩ nhận định, bệnh nhân chỉ sống nhờ vào phổi bên trái, chính những sẹo nằm trong phế quản, khí quản- một di chứng sau điều trị lao đã dẫn tới những đoạn chít hẹp, không khí không thể lưu thông tới phổi, gây xẹp phổi phải hoàn toàn. Trên các chẩn đoán cận lâm sàng các bác sĩ cho rằng, phổi phải bị xẹp kéo phổi trái sang phải, di lệch trung thất sang bên phải, gây xoắn, vặn phế quản gốc trái làm hẹp nòng phế quản gốc trái. Hội đồng các bác sĩ quyết định phẫu thuật tạo hình phế quản gốc phải với mong phổi phải được thông khí sẽ “nở” trở lại đúng vị trí như xưa.
Tiên lượng là vậy, nhưng thực tế trong khi phẫu thuật cho thấy phổi phải của bệnh nhân bị xẹp quá lâu, hoàn toàn mất chức năng , đây lại là bên phổi bị tổn thương lao và không thể hồi phục, các bác sĩ quyết định phải cắt phổi phải. Ca phẫu thuật được thực hiện ngày 21/5 kéo dài 7 giờ liên tục với sự hỗ trợ của hệ thống tim phổi máy – hệ thống thay toàn bộ hoạt động hô hấp của con người trong suốt quá trình phẫu thuật.
Ths.BS Nguyễn Viết Nghĩa, Phó khoa Gây mê hồi sức, BV Phổi Trung ương
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung- Giám đốc BV Phổi Trung ương, ca bệnh này cực kỳ đặc biệt, sau khi bệnh nhân được cắt 1 bên phổi bị bệnh, bệnh nhân vẫn khó thở mặc dù có sự hỗ trợ của thở máy xâm nhập, mức độ nặng ngày càng tăng bởi nguyên nhân gây khó thở là biến dạng phế quản gốc trái vẫn còn, bệnh nhân không thể nằm nghiêng hoặc ngửa, bệnh nhân chỉ có thể nằm xấp hoặc ngồi mới có thể thở.
Bác sĩ “tắm phổi trong ôxy” “câu giờ” tìm phương án cứu bệnh nhân
Sau ca đại phẫu cắt toàn bộ phổi phải không còn chức năng, các bác sĩ tiếp tục theo dõi tình trạng của bệnh nhân tại phòng hồi sức sau mổ với sự hỗ trợ của máy thở. Tuy nhiên diễn biến của bệnh nhân rất phức tạp, tình trạng thông khí của bệnh nhân bất thường có liên quan đến tư thế bệnh nhân và độ xoắn vặn phế quản. BS Nghĩa kể, ngày thứ 5 sau phẫu thuật, “đó lại đúng là hôm tôi trực, bệnh nhân bỗng trở nặng. Khả năng thông khí với máy thở hầu như không thể thực hiện. Lúc đó tình trạng bệnh nhân rất nguy kịch, thể tích thông khí chỉ khoảng 50ml/ nhịp thở, áp lực đường thở lên đến 50 -60 cm H2O …. Dù bệnh nhân đang được thở máy, nhưng oxy không thể đến phổi”. BS Nghĩa giải thích, với người bình thường, mỗi nhịp thở từ 400-500ml, bệnh nhân này hầu như không thở được, không có ôxy tới phổi, mặt bệnh nhân bị tím đen vì thiếu ôxy. Nguyên nhân là do phế quản duy nhất còn lại bị cong, vẹo, gập, khiến bệnh nhân không thông khí được.
Trong tình thế nguy cấp đó, một mặt các bác sĩ tiếp tục bơm oxy cao áp vào để phổi “tắm ôxy” và chấp nhận “thử thách” CO2 không thể thải trừ ra ngoài để “cứu lá phổi” còn lại của bệnh nhân, vừa là cách “câu giờ” tìm phương án cứu bệnh nhân. Kíp trực tiến hành hội chẩn toàn viện.
Các bác sĩ dự kiến bệnh nhân sẽ được ra viện trong thời gian tới
Và một quyết định táo bạo đến trong vòng 2 giờ, các bác sĩ đã tiến hành ca phẫu thuật tạo hình khí quản, phế quản gốc bên trái còn lại để khai thông đường hô hấp cho bệnh nhân dưới sự hỗ trợ của máy tim phổi nhân tạo, giúp các bác sĩ có đủ thời gian tái tạo lại cây phế quản cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật được tiến hành chỉ sau 5 ngày cắt 1 bên phổi.
BS Nghĩa cho biết, trước phẫu thuật cả người nhà và thầy thuốc đều tiên lượng ca bệnh cực kỳ xấu, nguy cơ tử vong rất cao, nhưng nếu không phẫu thuật, tình trạng khó thở của bệnh nhân ngày càng tăng và tử vong là không thể tránh khỏi. Vùng tiến hành phẫu thuật là rốn phổi có nhiều mạch máu lớn, các động tĩnh mạch, phế quản chức năng đều bị biến dạng rất nhiều. Chính vì thế, trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã không thể tái tạo phế quản, nên đi đến một quyết định mở khí phế quản tại đây và đặt vào đó một stent silicon dưới sự hỗ trợ của hệ thống nội soi bên ngoài mới có thể thực hiện được. Việc này giúp nâng đỡ khí quản phế quản đã bị hẹp được nở rộng ra giúp bệnh nhân dễ thở hơn. Ca đại phẫu lần 2 cũng kéo dài 4 giờ dưới hỗ trợ của hệ thống tim phổi máy.
Tuy nhiên lại một khó khăn nữa lại xuất hiện như tiếp tục “thử thách” các bác sĩ, chính stent nâng đỡ khí phế quản cũng không phát huy được chức năng nâng đỡ, stent bị gập góc và gây hẹp sau ngày thứ nhất, bệnh nhân vẫn trong tình trạng khó khăn trong thông khí với máy thở. Nhiều cuộc hội chẩn đã diễn ra và các bác sỹ đã quyết định can thiệp thêm một lần nữa chỉ 1 ngày sau ca đại phẫu lần 2 để thay stent cũ bằng một loại stent đặc biệt – đây là loại stent thường dùng đặt thông các mạch máu lớn, kể cả khi bị cong gập 90 độ vẫn không bị hẹp nòng. Stent được đặt vào lần này có chiều dài tới 10cm, đường kính 9mm, được đặt ở vị trí nối liền giữa khí quản, phế quản, trong đó đoạn stent nằm 4cm ở phế quản và 6cm ở khí quản. Lần này việc khai thông đường hô hấp đã thành công bước đầu, bệnh nhân đã tự thở và dần bình phục sau nhiều lần nội soi can thiệp khí phế quản và 2 lần đại phẫu liên tiếp.
BS Nghĩa cho hay, trong hàng chục năm công tác, bác sĩ chưa gặp ca nào phức tạp như trường hợp này và “chưa có sách vở nào dạy tắm ôxy cho phổi như chúng tôi vừa tiến hành” . BS Nghĩa giải thích : “Bệnh nhân được cung cấp ôxy là do sự khuyết tán thụ động ôxy theo gradient nồng độ mà thôi”. Những quyết định táo bạo và chưa từng có tiền lệ này đã giúp cứu sống bệnh nhân, đưa bệnh nhân từ cõi chết trở về.
PGS Nhung nói: “Chỉ cần bệnh nhân vẫn còn 1 cơ hội được sống, các bác sĩ sẽ không bỏ cuộc. Không thể vì một vài trăm triệu mà để mất một mạng sống. Bệnh nhân được trở lại với cuộc sống là niềm vui lớn nhất của chúng tôi cũng như của người bệnh” . Quỹ PASTB sẽ đồng hành và hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao.