Giăng “ma trận” sổ đỏ giả, lừa tiền tỉ

02-10-2020 20:46 | Pháp luật
google news

SKĐS - Thời gian gầy đây, nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền “khủng” xảy ra, xuất phát từ các loại giấy tờ được làm giả. Đáng chú ý, thực trạng về sổ đỏ giả đang là lời cảnh báo không chỉ với các cá nhân mà cả cơ quan chức năng cũng như ngân hàng trước nguy cơ trở thành nạn nhân của thực trạng này.

Đủ chiêu lừa đảo tinh vi

Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an TP. Đà Nẵng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Thị Châu Sa (SN 1985) và Nguyễn Thị Yến (SN 1980) về 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Theo điều tra, do cần tiền trả nợ nên Sa lên internet tìm được một người làm giả giấy tờ và đưa số điện thoại cho Yến để đặt làm giả sổ đỏ với giá 20 triệu đồng để lừa đảo. Sổ đỏ giả mang số BT 939709, đứng tên Nguyễn Thị Yến và Nguyễn Minh Thiện (chồng Yến) với diện tích 105m2 tại Khu đất gia đình quân nhân tiểu đoàn 409 Bộ Tham mưu tại phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng).

Tiếp đó, Sa tung tin trong giới làm dịch vụ cho vay đáo hạn ngân hàng là cần vay tiền để đáo hạn khoản nợ ngân hàng của Công ty TNHH MTV Hà Anh Nguyễn (công ty ông Nguyễn Anh, cha của Sa làm giám đốc). Nghe Sa cam kết thế chấp bằng sổ đỏ, ký hợp đồng đặt cọc bán đất để đảm bảo trả nợ, chị Cao Thị H. (ngụ phường Thạch Thang, quận Hải Châu) đồng ý cho vay 3,5 tỉ đồng, hẹn trả nợ trong 5 ngày. Tại Ngân hàng HD Bank (quận Hải Châu), Yến ký hợp đồng đặt cọc 1,9 tỉ đồng để bán lô đất và giao sổ đỏ giả BT 939709 cho chị H., Sa là người ký làm chứng.

Sa còn ký hợp đồng đặt cọc 1,6 tỉ đồng bán lô đất có sổ đỏ CK 433032, diện tích 40m2 ở tổ 23, phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) do ông Nguyễn Hoàng (em Sa) đứng tên để đảm bảo khoản vay với chị H. Sau khi ký các hợp đồng đặt cọc, vợ chồng chị H. chuyển 3,5 tỉ đồng vào Công ty Hà Anh Nguyễn theo yêu cầu của Yến - Sa. Sau đó, hai “nữ quái” này tiếp tục chuyển tiền qua tài khoản khác rồi chiếm đoạt.

sổ đỏ giảCơ quan CSĐT Công an TP. Đà Nẵng tống đạt tuyết định bắt tạm giam Nguyễn Thị Châu Sa.

Trước đó, vào tháng 8/2020, Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Bắc Giang đã làm rõ hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của Nguyễn Thị Nguyên (SN 1985, trú TT Nếnh, Việt Yên). Từ năm 2019 đến đầu năm 2020, sử dụng sổ đỏ giả, Nguyên giới thiệu với một số người mình sở hữu nhiều thửa đất có giá trị nhưng do đang có việc gấp cần tiền nên Nguyên có nhu cầu bán lại. Tin tưởng, nhiều người đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với Nguyên. Qua điều tra, tất cả giấy tờ Nguyên đưa ra đều là giả. Đối tượng đã lừa đảo một số người có nhu cầu mua đất với số tiền hơn 4 tỉ đồng.

Cảnh giác cao khi giao dịch nhà đất

Hiện nay, các dịch vụ làm sổ đỏ giả được đăng công khai trên mạng rất khó kiểm soát. Hầu hết các trang mạng đều quảng cáo như: “cam kết bảo mật thông tin, chất lượng thật 100%”; “công chứng và bao soi rọi trên toàn quốc”; “chỉ 1-3 ngày nhận được sản phẩm”; “hoàn tiền nếu bạn không ưng ý”... Để tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng, các đối tượng chỉ giao dịch thông qua ứng dụng Zalo, số điện thoại tìm kiếm được đăng tải công khai trên trang web. Tuy nhiên, tất cả đầu mối nhận làm giấy tờ giả chỉ giao dịch trực tuyến chứ không có bất cứ địa chỉ cụ thể nào. Với thủ đoạn tinh vi cùng sự trợ giúp của công nghệ in ấn hiện đại, các đối tượng sử dụng phương thức scan để lấy bản mẫu, rồi đưa lên máy tính xử lý nội dung, sau đó in phun màu và dùng con dấu giả.

Theo cơ quan công an, do các đối tượng làm sổ đỏ giả chỉ hoạt động trên mạng, yêu cầu chuyển khoản trước rồi mới làm giấy tờ nên chưa rõ độ xác thực được hành vi. Đến nay, đã có nhiều vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản được công an xử lý. Một trong các phương tiện dùng để gây án chính là các loại giấy tờ được làm giả giống đến mức khó có thể phân biệt. Thậm chí, một số đối tượng lừa đảo còn tìm cách tiếp cận chủ nhà để tráo lấy sổ đỏ thật rồi bán, cầm cố nhà mà chủ không hề biết.

Trước vấn nạn sổ đỏ giả xuất hiện nhiều như hiện nay, người dân khi thực hiện mua bán nhà đất nên nộp hồ sơ mua bán tại các cơ quan có thẩm quyền (văn phòng đăng ký giao dịch đảm bảo nhà đất) tại các địa phương để xác định rõ nội dung, thẩm định tính chính xác của sổ đỏ. Giao dịch như vậy đồng nghĩa với việc người dân phải nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ thuế trước bạ, thuế thu nhập... Ngoài ra, cơ quan chức năng nên sớm tuyên truyền, phổ biến các dấu hiệu nhận biết đơn giản bằng mắt thường để người dân có thể phân biệt các loại giấy tờ nhà đất giả, từ đó, hạn chế rủi ro trong giao dịch.


H. Châu
Ý kiến của bạn