Hà Nội

“Giang hồ tứ hải” là cái thú của đời tôi

11-03-2016 16:42 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Căn phòng làm việc của ông chỉ vẻn vẹn có 6m2 trên căn gác xép của ngôi nhà nằm ngay cái “rốn” chợ Giời. Nhưng trong cái không gian nhỏ bé đó với con người cũng khiêm tốn về dáng vóc lại là một kho kiến thức có thể lôi ra bàn bất tận.

Tuổi 84, nhưng ông Lý Khắc Cung lúc nào cũng vui tươi. Trong câu chuyện với bạn bè, ông là người “nỏ” chuyện. Ngồi với ông, có thể nghe ông thao thao về chuyện hóa thực phẩm, về văn học, văn hóa, tâm linh..., không chỉ của Việt Nam mà còn của nhiều nước trên thế giới. Sự thâm trầm ẩn dưới vẻ mặt hóm hỉnh. Tôi bảo: Trông ông giống người Do Thái. Ông cười tinh quái: Cũng có người bảo tôi như vậy.

Thực ra thời trai trẻ, những năm đầu 1960, ông Cung cũng được học dưới sự hướng dẫn trực tiếp của một giáo sư người Do Thái. Khi đó ông học nghề hóa thực phẩm tại Tiệp Khắc. Học xong được phân công về Nhà máy da Thụy Khuê, nhưng thời đó làm gì có máy móc để làm. Thế là họ lại chuyển ông sang Nhà máy thuốc lá Thăng Long, nhưng là để phiên dịch cho chuyên gia. Ông bảo bước chuyển này thế mà lại hay, làm anh phiên dịch phải biết nhiều buộc mình phải đọc, phải tìm hiểu. Sau đó Bộ Văn hóa Thông tin lại xin ông về làm đối ngoại ở Vụ Hợp tác quốc tế, kiêm thư ký của Unesco và Francofoni. Con đường đi quanh co nhưng nó lại đưa đúng đến chỗ ông thích.

Có nhẽ vì thế mà ông biết tới 5 ngoại ngữ: Tiệp, Anh, Pháp, Nga và Esperanto (ngôn ngữ quốc tế). Tôi bày tỏ sự thán phục vì để biết được từng ấy thứ ngoại ngữ phải vất vả lắm. Còn ông thì cho rằng, nếu thật ham thích, bỏ ra một vài tháng là có thể biết được một thứ ngôn ngữ. Thời của ông, tự học là chính chứ làm gì có các trung tâm dạy ngoại ngữ như bây giờ. Nhưng ông bảo, học có mục đích rõ ràng nên quyết tâm lắm, làm cái anh phiên dịch mà không biết được vài thứ tiếng để tìm hiểu về văn hóa các nước thì nhiều khi bí lắm, không tán, không so sánh được.

Nhà văn hóa Lý Khắc Cung.

Đi nhiều, học hỏi được nhiều, có lẽ đó là cái duyên cớ để ông chuyển sang nghiên cứu về văn hóa, đặc biệt là văn hóa Hà Nội. Ông kể, ngay từ nhỏ ông đã mê văn hóa và có ý thức theo đuổi nó. Quê ông ở làng Bưởi, nơi có nhiều người danh tiếng như nhà văn Vũ Trọng Can - người dạy nhà văn Tô Hoài viết văn, rồi bà Hoa Tâm, cô Tý hát chèo, ông Thuyên hát tuồng nổi tiếng một thời. Các hội hè đình đám diễn ra thường xuyên. Từ bé ông đã mê mải với những cái đó. Mấy chục năm công tác tại Bộ Văn hóa, trong vai trò anh phiên dịch, đi đến đâu ông cũng lân la tìm hiểu, ghi chép, điều đó hỗ trợ cho công việc của ông rất nhiều. Đi với khách nước ngoài, khi giới thiệu ông thường liên hệ với văn hóa của đất nước họ. Với khách trong nước, khi giới thiệu di tích lịch sử, ông thường giải thích thêm vì sao có những đặc điểm như thế. Chẳng hạn, Dương Vân Nga là nữ tướng, là hoàng hậu của hai vua, nhưng ở đền của vua Đinh không có tượng Dương Vân Nga nên không trồng cây hoa phù dung, còn đền vua Lê có tượng Dương Vân Nga nên mới trồng cây hoa này. Hoặc vì biết chữ Hán cổ nên khi đưa khách đến chùa Chân Tiên (phố Bà Triệu), ông giới thiệu cho khách biết nơi này trước đây là rừng trúc của Hà Nội. Rồi ở khu vực Nghĩa Đô có vườn Vạn hoa trang của nhà báo Phùng Bảo Thanh, nổi tiếng trong làng báo chí thời đó. Nhà tư bản làng báo này chơi rất ngông, trồng tới vạn loài hoa trong vườn của mình và mời tao nhân mặc khách tới vườn ngồi uống trà... Đang say sưa với công việc thời quá vãng, bỗng ông dừng lại rồi tủm tỉm: Cái nghề này hay đáo để cậu ạ, càng tìm hiểu càng ham, càng tán nhiều khách càng thích. Những chuyến đi của tôi bao giờ cũng được trả tiền cao và thêm những người bạn quý.

Dường như con người này rất ham chia sẻ những điều mình tích lũy được. Trong câu chuyện, thỉnh thoảng ông dừng lại lôi ra các cuốn sách để minh chứng những điều mình đã làm được. Nghĩa là từ một anh phiên dịch, ông đã làm cú epphê nhảy sang viết sách và trở thành nhà nghiên cứu về văn hóa Hà Nội. Ông bảo, đầu tiên ông chỉ viết về những điều tích lũy được trong những chuyến đi, sau đó thì chú tâm tìm hiểu những điều mình tâm huyết. Hiện nay ông đã có 60 tác phẩm viết, đủ các vấn đề về văn hóa: phong tục tập quán, nghi lễ, di tích lịch sử, đám rước hội hè, gương mặt nghệ sĩ, sách nghiên cứu về tuồng, chèo, cải lương, múa rối... và 30 tác phẩm dịch, chủ yếu của Trung Quốc.

Trong câu chuyện, ông hay nhắc về người thầy của mình là vị Giáo sư người Do Thái - người đã dạy cho ông nhiều điều trong công việc và trong cuộc sống thường ngày. Ông tự hào khoe rằng, ông may mắn được quen và làm việc với nhiều người giỏi như Giáo sư Nguyễn Khắc Viện, nhà thơ Quang Dũng. Ông bảo, ông tự coi mình là “bồi đồng” của các ông ấy bởi ông thầy Do Thái đã dạy ông rằng: Chơi thân mật với những người bằng mình và hơn mình thì sẽ trưởng thành rất nhiều. Ở tuổi này, ông tự ngộ ra cái hữu hạn của một kiếp người, không còn sung sức để tung hoành, nhưng ông vẫn luôn kính phục những người đi nhiều, nghe nhiều, biết nhiều.

Giang hồ tứ hải là cái thú của đời ông.

Nghiên cứu về phong tục, tập quán của người Hà Nội, ông bảo người Hà Nội xưa ham học, tử tế, lịch thiệp, đàng hoàng. Đặc biệt, người phụ nữ Hà Nội xưa rất đẹp, nề nếp. Người Do Thái có một định nghĩa rằng: Nếu một phụ nữ xinh đẹp mà lại có văn hóa và am hiểu nghệ thuật thì người phụ nữ đó sẽ trẻ đẹp mãi. Thế nhưng theo ông, vẻ đẹp ngày nay không thể so sánh với ngày trước được, ngày xưa cách nhìn nhận khác so với bây giờ. Cách đánh giá đẹp xấu thì vô chừng, theo thời đại, a dua nhau, không hề có vẻ đẹp vĩnh cửu, không bao giờ có. Ví như ngày xưa, thân thể người phụ nữ phải tròn lẳn để khoe bờ vai tròn trong chiếc áo cánh, hay cổ tay em trắng như ngà, cổ kiêu ba ngấn mới được coi là đẹp. Nhưng ngày nay người phụ nữ lại thích nhuộm da nâu hay thân hình phải xương xẩu, cổ dài ngoẵng thì mới được đưa lên tạp chí mốt. Theo nhận xét của ông thì con người Hà Nội ngày nay khác ngày xưa kinh khủng. Những nét nền nã, thanh lịch của người Hà Nội văn hiến đã bị lấn át bởi nhịp sống sôi động kéo theo những luật ứng xử thương trường.

Thấy trên bàn có cuốn Văn hóa rượu Việt, tôi hỏi ông viết gì trong đó? Như khơi vào mạch, ông lại hào hứng. Nghiên cứu về văn hóa rượu có nhiều chuyện lạ lắm. Cái cách uống rượu dân dã của người Việt cũng khác. Hay tên của từng loại rượu cũng có xuất xứ riêng. Tại sao lại gọi là rượu đế? Ngày trước uống rượu là bị đoan (công an) bắt, vì thế mới đưa nhau ra rừng đế để uống trộm, nếu đoan đuổi bắt thì chạy hoặc nhảy xuống sông. Còn rượu ực thì chắc chỉ Việt Nam mới có. Xưa ở làng Hoàng Mai thường có các cô gái đi uống rượu, họ mặc áo dài, bên trong giấu bong bóng trâu đựng rượu trông như đàn bà có chửa, chỉ có hai đầu ống hút bằng sậy thò ra. Đi giữa đường, gặp người nào cần mua thì lui vào chỗ kín. Anh nào cúi xuống hút và ực là tính tiền. 3 ực là nửa cút, 3 cút là nửa lít. Sau khi uống được vài ực rồi là chàng ta choáng váng, trêu cợt người bán và khi cô ta tính tiền bao nhiêu thì anh ta vẫn vui vẻ. Ông với tay khoe tiếp về cuốn Chuyện chợ Giời đã được tái bản lần hai viết về những câu chuyện ở chính nơi ông đang sống. Ông bảo, ông còn dự định viết hậu chợ Giời vì bây giờ ngồi ở chợ đã là đời thứ tư. Đời 1 - 2 đều giàu có, nhiều người có vila to ở Hà Nội, con cháu đi học nước ngoài. Những cái sạp ở chợ chỉ là nơi giao dịch. Tôi thắc mắc về cái tên chợ Giời liền được ông giải thích: Ban đầu nó được gọi là chợ chấy rận, đủ thứ tạp nham họp ngoài trời, sau này được gọi là chợ Giời. Nghe giải thích như thế đã đủ thấy sự phức tạp của nó, nhưng có một điều có lẽ là hơi nghịch cảnh: ông ngồi ở giữa một cái chợ nhộn nhạo nổi tiếng Hà Nội mà mới nghe nói đến nhiều người đã ngại vì là nơi tập trung tính cách của kẻ chợ, nhưng lại cho ra đời những cuốn sách nghiên cứu về những cái thanh lịch nhất, đẹp đẽ nhất của Hà Nội. Ông bảo, dĩ nhiên ở đâu cũng có người tốt người xấu, mấy chục năm sống ở đây, ông thấy họ tử tế, đã buôn bán phải tử tế mới làm ăn được. Khách ở xa về lấy hàng, có chủ nhà còn cho ăn ở. Hay có người chỉ đạp xích lô thôi, nhưng từ thời bao cấp đã biết thuê gia sư về dạy con... Sinh thời, NSND, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi đã có ý tưởng dựng kịch theo cuốn Chuyện chợ Giời của ông, nhưng tiếc là chưa thực hiện được. Rồi cũng lại có lần một nhà xuất bản bên Mỹ đã chọn 4 cuốn sách của ông: Mười hai bến nước, Tâm linh, Chuyện chợ Giời, Hội làng và dáng nét Việt Nam nhưng rồi cũng lại bất thành.

Ở tuổi như ông, nhiều người đã lực bất tòng tâm, đam mê thì nhiều nhưng chẳng còn khả năng thực hiện. Thấy ông vẫn nhanh nhẹn lên xuống căn gác xép, tôi hỏi ông bí quyết giữ gìn sức khỏe dẻo dai đến tuổi này. Ông cười bảo rất đơn giản, ông thầy Do Thái đã dạy ông rằng, cứ sống tự nhiên, không tập gì quá sức, ăn uống đủ đạm và tinh bột. Theo dân gian là nam lươn, nữ ếch - thế là xong. Rồi ông chỉ vào đống bản thảo trên bàn và nói đầy quyết tâm: Tôi còn phải cho ra lò nốt những cuốn sách đang dang dở Tình chàng mãi mãi (dịch văn học nhiều nước), bút ký Ở mảnh đất là nơi núi sông tranh nhau một chuyện tình.


Bài, ảnh: Tố Lan
Ý kiến của bạn