Giãn tĩnh mạch thực quản sẽ phát triển khi lưu lượng máu bình thường đến gan bị chặn bởi cục máu đông hoặc sẹo trong gan. Bệnh có thể khiến người bệnh tử vong do các biến chứng nghiêm trọng.
Các tĩnh mạch thực quản nhỏ và có thành mỏng không thể chứa một lượng lớn máu. Do đó, sự ứ trệ lưu chuyển máu có thể khiến các tĩnh mạch bị giãn và gây vỡ. Vỡ tĩnh mạch thực quản có thể gây nguy hiểm, thậm chí gây tử vong. Vì thế, bất cứ có nghi ngờ bị giãn tĩnh mạch thực quản, bệnh nhân phải tới bệnh viện ngay để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
1. Nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch thực quản
- Xơ gan là nguyên nhân phổ biến nhất gây giãn tĩnh mạch thực quản. Trong số những người bị xơ gan, 30% bị giãn tĩnh mạch có sự ứ trệ lưu thông máu về gan. Trong năm đầu tiên sau khi chẩn đoán, 5% giãn tĩnh mạch nhỏ và 15% giãn tĩnh mạch lớn chảy máu.
- Tăng huyết áp tĩnh mạch cửa là một biến chứng của xơ gan xảy ra khi mô sẹo ngăn chặn dòng chảy của máu xung quanh gan. Tình trạng này dẫn đến huyết áp cao trong tĩnh mạch cửa vốn xem như là đường ống có nhiệm vụ mang máu từ các cơ quan khác đến gan.
- Nếu lưu lượng máu quanh gan bị hạn chế, cơ thể sẽ tăng cường máu qua các tĩnh mạch trong dạ dày hoặc thực quản. Khi lưu lượng máu chảy qua chúng tăng lên quá mức có thể gây ra tình trạng giãn tĩnh mạch.
- Nguyên nhân hiếm gặp của giãn tĩnh mạch thực quản có thể bao gồm hội chứng Budd-Chiari và bệnh sán máng. Hội chứng Budd-Chiari khiến các tĩnh mạch trong gan bị tắc nghẽn một phần. Sán máng có thể xâm nhập vào các mạch máu khiến các tĩnh mạch bị giãn.
2. Triệu chứng của giãn tĩnh mạch thực quản
Giãn tĩnh mạch thực quản có triệu chứng nghèo nàn, thường phát hiện khi bị chảy máu. Các dấu hiệu và triệu chứng của chảy máu thực quản là nôn ra máu (ít hoặc ồ ạt) hoặc đi ngoài phân đen. Những biểu hiện này xuất hiện khi tĩnh mạch đã bị giãn ở mức cực đại, gây thủng hoặc vỡ tĩnh mạch làm chảy máu. Người bệnh da nhợt nhạt khác thường; Mệt mỏi liên tục; Hụt hơi; Ngất xỉu hoặc chóng mặt,...
Chỉ có thể phát hiện giãn tĩnh mạch thực quản thông qua chụp thực quản (uống barite hoặc soi thực quản bằng ống soi mềm).
3. Biến chứng do giãn tĩnh mạch thực quản
Biến chứng nguy hiểm nhất khi bị giãn tĩnh mạch thực quản đó là chảy máu. Khi tình trạng này xảy ra sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ khác, chẳng hạn như khi bệnh nhân bị xuất huyết quá nhiều sẽ dễ bị sốc và trong trường hợp không được cấp cứu, xử trí kịp thời thì tỷ lệ tử vong là rất cao.
Theo thống kê cho thấy có tới 50% những người bị xơ gan có kèm theo biến chứng giãn tĩnh mạch thực quản. Nguy cơ biến chứng chảy máu rất cao, tỉ lệ chảy máu tái phát nhiều sau điều trị.
4. Chẩn đoán giãn tĩnh mạch thực quản
Chẩn đoán bệnh về gan cần kết hợp nhiều phương diện, kỹ thuật khác nhau bao gồm: Triệu chứng; Tiền sử bệnh lý, thăm khám lâm sàng; Kết quả xét nghiệm máu và sinh thiết gan nếu cần thiết.
Người mắc xơ gan nên thường xuyên kiểm tra tình trạng giãn tĩnh mạch thực quản bằng cách thực hiện các kỹ thuật như nội soi hay chụp cắt lớp vi tính (CT Scan).
5. Khi bị giãn tĩnh mạch thực quản phải làm gì?
Nếu có những triệu chứng mệt mỏi, chán ăn, đau ở vùng gan…, thì bệnh nhân cần đến bệnh viện khám để biết rõ tình trạng sức khỏe của mình, từ đó có các biện pháp điều trị kịp thời.
Trường hợp bệnh nhân nôn ra máu có thể tĩnh mạch thực quản bị vỡ, phải nhanh chóng đưa đến bệnh viện để được cấp cứu cầm máu.
Nói chung, mục tiêu chủ yếu trong điều trị giãn tĩnh mạch thực quản là để ngăn chặn chảy máu. Chảy máu thực quản dễ nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh, vì thế biện pháp tốt nhất để tránh nguy cơ này là chủ động phòng ngừa và kiểm soát bệnh gan.
Giãn tĩnh mạch thực quản có nhiều mức độ khác nhau. Giãn tĩnh mạch nhỏ có đường kính dưới 5 mm và không phải lúc nào cũng có triệu chứng. Đối với trường hợp này, bác sĩ sẽ khuyến nghị các phương pháp để ngăn ngừa tổn thương gan thêm. Nếu giãn tĩnh mạch lớn có thể phải phẫu thuật để ngăn chặn chảy máu.
Mời độc giả xem thêm video:
Bệnh viêm não virus vào mùa cao điểm, ghi nhận 3 trường hợp tử vong