Giãn tĩnh mạch chân thường diễn tiến âm thầm và các chuyên gia Phần Lan vừa công bố một kết quả nghiên cứu cho biết tỉ lệ tần suất bệnh 13,5 trên 1.000 người mỗi năm (8,5 ở nam và 19,2 ở nữ). Bệnh có xu hướng xảy ra nhiều hơn ở nữ giới nhất là những người đã sinh đẻ trên hai lần, quá cân và trên 50 tuổi.
Thuật ngữ giãn tĩnh mạch xuất phát từ gốc Latin “varix” là “dãn” có nghĩa là “xoắn vặn”. Giãn tĩnh mạch gây ra bởi sự kéo căng của tĩnh mạch chân gần ở mặt da, làm cho máu ứ lại ở chân. Hệ thống tĩnh mạch có thể phình ra và gây ra đau hoặc khó chịu, nhưng dãn tĩnh mạch nặng cũng có thể làm cho tuần hoàn kém. Vấn đề này cũng có thể gây ra một số vấn đề y khoa khác, các tình trạng này không biểu lộ ngoài da nhưng lại gây ra cục máu đông. Những tình trạng y khoa này bao gồm: chàm (da bị khô, ngứa do thiếu máu nuôi), loét da (thiếu cung cấp máu nuôi mô da gây ra thoái hóa. Việc này có thể gây loét tĩnh mạch, thường ở mắc cá và trong trường hợp nặng có thể gây hoại tử), xơ hóa da (da ở quanh mắt cá trở nên thô ráp và mất màu do tổn thương kéo dài, chấn thương đè ép, tạo thành các sẹo ở da), viêm mô dưới da (tương tự như xơ hóa da nhưng ở đây da chuyển sang màu vàng, hay bị nhiễm trùng), phù bạch mạch (sau nhiều năm bị chèn ép, hệ thống bạch mạch không hoạt động tốt. Điều này gây ra ứ dịch và làm chân sưng to lên, rất khó điều trị), huyết khối tĩnh mạch (gây ra bởi máu không được lưu thông tốt, đôi khi cục máu đông phát triển tại chỗ làm đỏ da. Cục máu đông ngày càng to ra và tăng nguy cơ tắc những nơi khác khi bị bong tróc ra).
Phần lớn các trường hợp bị bệnh dãn tĩnh mạch được điều trị tốt, bệnh nhân bị nặng có thể phẫu thuật để cắt bỏ tĩnh mạch dãn. Một phương pháp mới đó là liệu pháp laser nội mạch (EVLT), người ta đưa một dây dẫn nhỏ chứa sợi laser vào trong mạch máu phát ra những xung ngắn.
Các chuyên gia khuyến cáo cần lưu ý khi bị giãn tĩnh mạch bởi nó có thể là dấu hiệu của những chứng bệnh khác nghiêm trọng hơn.
(Theo Epidermic, 5/2015)
Minh Thư