Nguyễn Thanh Huyền (Hải Phòng)
Giãn tĩnh mạch tay thường được biết đến với hình ảnh nổi gân trên mu bàn tay. Bàn tay vốn mềm mại, căng mịn ngày nào qua thời gian, trở nên thô ráp và gân guốc, khiến bạn cảm thấy thiếu tự tin. Phần lớn các trường hợp giãn tĩnh mạch tay ảnh hưởng đến thẩm mỹ, nhưng trong một số trường hợp, chúng có thể là dấu hiệu liên quan đến bệnh mạch máu. Vì vậy, chúng ta không nên xem thường khi thấy những đường gân nổi lên ở tay. Tình trạng nổi gân bàn tay sẽ càng tồi tệ hơn nếu không chữa trị. Bệnh giãn tĩnh mạch tay vẫn có thể xuất hiện ở người trẻ nếu trong gia đình có yếu tố di truyền bệnh giãn tĩnh mạch, người bị viêm tĩnh mạch hay người tập luyện các môn thể thao nặng. Điều trị giãn tĩnh mạch tay có các phương pháp như: Liệu pháp xơ hóa; liệu pháp Laser nội mạch; hoặc phẫu thuật để loại bỏ phần tĩnh mạch bị bệnh; tước và thắt tĩnh mạch. Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng 1 hay kết hợp nhiều phương pháp để giảm áp lực và tình trạng phồng lên của các tĩnh mạch tay.