Hà Nội

Giãn phế quản sau lao phổi chữa thế nào?

19-04-2015 07:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Bố tôi bị lao phổi đã điều trị khỏi cách đây 5 năm. Thời gian gần đây bố tôi hay bị ho, khó thở, mệt mỏi.

Bố tôi bị lao phổi đã điều trị khỏi cách đây 5 năm. Thời gian gần đây bố tôi hay bị ho, khó thở, mệt mỏi. Kết quả đi khám cho biết bố tôi bị giãn phế quản. Xin quý báo cho biết cách chữa?

Đỗ Văn Cường (Hải Phòng)

Giãn phế quản là bệnh hô hấp thường gặp, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Đây là sự giãn không hồi phục của cây phế quản. Có nhiều nguyên nhân gây ra giãn phế quản trong đó do lao phổi là một nguyên nhân hay gặp ở nhiều bệnh nhân. Giãn phế quản do lao có thể phát triển theo 2 cơ chế sau: phổ biến nhất do nhu mô phổi bị phá hủy và xơ hóa dẫn đến co kéo và giãn phế quản không hồi phục; chít hẹp phế quản do xơ sẹo sau lao nội phế quản cục bộ. Vì đa số trường hợp lao hậu tiên phát, tổn thương lao ở các phân thùy đỉnh và phân thùy sau của thùy trên nên giãn phế quản thường gặp ở các vị trí này là vị trí dẫn lưu phế quản tốt, do đó các triệu chứng thường nghèo nàn.

Trong quá trình điều trị, phục hồi chức năng hô hấp là biện pháp quan trọng đối với người bệnh, đó là cần thường xuyên tập thở sâu, đều, ho có điều khiển, gõ ngực cho đờm dễ dàng dẫn lưu ra ngoài, nằm đầu thấp với các tư thế khác nhau tùy theo vùng phế quản giãn nhiều lần trong ngày để dẫn lưu theo tư thế. Khi bệnh nhân sốt, khạc nhiều đờm, đờm mủ, biến chứng nhiễm khuẩn nhu mô, màng phổi cần dùng các kháng sinh theo chỉ định của thầy thuốc. Đặc biệt bệnh nhân phải loại trừ mọi kích thích phế quản: thuốc lá, thuốc lào, khói bếp than... Nên nhớ, đây là bệnh mạn tính, người bệnh cần tuân thủ đúng những chỉ định điều trị của bác sĩ mới mong bệnh ổn định.

BS. Lê Văn Sơn

 


Ý kiến của bạn