Giãn phế quản: Cách phòng ngừa và chăm sóc

02-12-2019 10:11 | Đời sống
google news

SKĐS - Trong các bệnh lý đường hô hấp, giãn phế quản là bệnh rất hay mắc phải, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Đây là 1 trong 3 bệnh hô hấp gây ho ra máu, ảnh hưởng tới sức khỏe. Nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời, bệnh sẽ nặng dần lên và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, nhất là về mùa lạnh.

Ngoài dị tật bẩm sinh thì còn có rất nhiều nguyên nhân gây giãn phế quản, trong đó thường gặp nhất là viêm hoại tử thành phế quản, thường do nhiễm khuẩn như cúm, sởi, ho gà, viêm phế quản...; Chít hẹp phế quản do u, dị vật, lao phế quản... phía dưới chỗ chít hẹp dễ bị nhiễm khuẩn đồng thời nội áp lực phế quản tăng gây giãn phế quản; Do tổn thương xơ quanh phế quản co kéo: lao xơ phổi, lao xơ hang, áp-xe phổi mạn tính... Đặc biệt là xơ nang chiếm khoảng 50% trong các nguyên nhân giãn phế quản.

Cách phát hiện sớm

Người bệnh thường có biểu hiện ho khạc đờm kéo dài: Thường khạc vào buổi sáng sớm, khạc đờm xanh hoặc màu vàng hoặc lẫn máu. Ho máu tái phát nhiều lần, có thể kéo dài nhiều năm. Thể bệnh chỉ có ho ra máu được gọi là giãn phế quản thể khô. Khó thở thường xuất hiện muộn (do tổn thương lan tỏa 2 phổi). Bệnh nhân sốt khi có nhiễm khuẩn hô hấp và kèm theo thường mệt mỏi, gầy sút, thiếu máu, móng tay khum hoặc dùi trống, hay có những đợt sốt tái diễn...

Nhiều biến chứng

Bệnh giãn phế quản không tự khỏi, ngược lại, nếu không điều trị thì các ổ giãn có xu hướng lan rộng, thỉnh thoảng có những đợt bội nhiễm làm cho bệnh nặng dần lên. Các biến chứng hay gặp là: tâm phế mạn, suy hô hấp mạn, thoái hóa dạng tinh bột ở gan thận, các áp-xe tạng thứ phát ở nhiều nơi như não, gan, trung thất...; bội nhiễm phổi phế quản dịch mủ ứ đọng trong ổ giãn gây viêm phổi, áp-xe hóa; ho ra máu dai dẳng, có khi ho ra máu nặng đe dọa đến tính mạng; viêm phế quản mạn, khí phế thũng.

Giãn phế quảnGiãn phế quản là bệnh rất hay mắc phải, có thể gặp ở mọi lứa tuổi..

Chẩn đoán và điều trị

Ðể phát hiện sớm bệnh giãn phế quản, người bệnh cần đến khám bác sĩ khi có những dấu hiệu lâm sàng nghi ngờ. Ngoài khám lâm sàng, các bác sĩ sẽ thực hiện thêm các thăm dò cận lâm sàng như xét nghiệm đờm, Xquang ngực, CT-scaner ngực, đo hô hấp ký, nội soi phế quản... để xác định bệnh.

Tùy mức độ ho ra máu, suy hô hấp, nhiễm khuẩn mà bác sĩ sẽ có các biện pháp điều trị thích hợp. Nói chung, việc điều trị bao gồm: kháng sinh để chống nhiễm khuẩn; dẫn lưu đờm, thuốc làm loãng đờm; thuốc giãn phế quản khi cần; ôxy liệu pháp; điều trị cầm máu khi có ho ra máu. Phế quản đã bị giãn trong bệnh giãn phế quản không thể hồi phục. Vì vậy, việc điều trị sớm và triệt để các nhiễm khuẩn hô hấp cũng như phòng bệnh là rất quan trọng.

Cần làm gì khi mắc giãn phế quản?

Ngoài việc tuân thủ điều trị của thầy thuốc thì người bệnh cần được nghỉ ngơi, yên tĩnh và chăm sóc đúng cách. Khi ngủ, nghỉ ở tư thế nằm ngửa, đầu cao, đảm bảo thông thương đường hô hấp. Luôn giữ ấm cơ thể bệnh nhân, tránh gió lùa. Hằng ngày, vệ sinh răng miệng và tắm rửa để tránh các ổ nhiễm khuẩn, phát hiện sớm các ổ nhiễm trùng để có hướng điều trị cho bệnh nhân, áo quần, chăn ga trải giường và các vật dụng khác phải luôn được sạch sẽ. Nếu bệnh nhân ho nhiều, phải hướng dẫn cho bệnh nhân nằm đầu cao, nghiêng về một bên, cho bệnh nhân uống nhiều nước ấm, làm ấm và ẩm không khí để bệnh nhân dễ thở, các biện pháp trên có tác dụng làm long đờm và bệnh nhân dễ khạc ra.

Người bệnh cần ăn uống đủ năng lượng, giàu vitamin, nhiều sinh tố giúp nâng cao sức đề kháng. Bên cạnh đó, người bệnh cần được hướng dẫn biện pháp thở bụng, thở chúm môi. Liệu pháp này đặc biệt có ý nghĩa với những bệnh nhân giãn phế quản. Việc vỗ rung và dẫn lưu tư thế hàng ngày giúp bệnh nhân ho khạc đờm tốt, giảm ứ đọng đờm trong đường thở, do vậy cải thiện tình trạng viêm niêm mạc đường thở. Với nguyên tắc vùng được dẫn lưu nằm ở trên cao, mỗi lần vỗ rung kéo dài 15 - 30 phút, mỗi ngày nên vỗ rung tối thiểu 3 lần. Trước vỗ rung và dẫn lưu tư thế, bệnh nhân cần được khám lâm sàng tỉ mỉ và được tư vấn của bác sĩ.

Lời khuyên của thầy thuốc

Để phòng bệnh, tốt nhất là không hút thuốc lá, thuốc lào, tránh môi trường có nhiều ô nhiễm, bụi khói. Đối với người làm việc trong môi trường phải tiếp xúc với hóa chất dễ bay hơi, khói bụi..., phải tuyệt đối tuân thủ sử dụng các phương tiện bảo hộ lao động...

Cần vệ sinh răng miệng, tai mũi họng, đeo khẩu trang khi ra đường hay ở nơi công cộng để tránh lây nhiễm bệnh qua đường hô hấp. Điều trị triệt để các đợt nhiễm trùng hô hấp làm giảm tần số xuất hiện giãn phế quản và ngăn ngừa tình trạng giãn phế quản đã có nặng thêm. Phát hiện sớm và điều trị những trường hợp tắc, hẹp phế quản. Các nguyên nhân gây tắc hẹp bao gồm: lao nội phế quản, dị vật phế quản, u phổi gây chèn ép đường thở... Tiêm vắc-xin cúm, vắc-xin phòng phế cầu hàng năm.


ThS.BS. Nguyễn Quang Hưng
Ý kiến của bạn