1. Nguyên nhân gây giãn ống dẫn sữa
Giãn ống dẫn sữa là tình trạng các ống dẫn sữa bên dưới núm vú bị dãn rộng, làm thành ống dẫn sữa có thể bị dày lên và chứa nhiều dịch bên trong lòng ống. Tình trạng này thường xảy ra ở phụ nữ sau khi sinh con, trong giai đoạn tiền mãn kinh.
Nguyên nhân chính gây giãn ống dẫn sữa là trong quá trình cho con bú các ống dẫn sữa có nhiệm vụ tiết và chứa sữa, dẫn đến hiện tượng giãn ống dẫn sữa. Tình trạng này có thể xảy ra cục bộ hoặc toàn thể ở cả hai bên vú. Ngoài ra còn có thể do tác động của tuổi tác, lão hóa bởi cấu tạo của mô vú bên trong sẽ có sự thay đổi từ dạng tuyến sang tích lũy mô mỡ khi bạn già đi. Mặc dù, đây là một sự thay đổi hoàn toàn tự nhiên và bình thường, nhưng trong quá trình thay đổi có thể gây viêm do tắc ống dẫn sữa và dẫn đến giãn ống dẫn sữa.
Đối tượng có nguy cơ:
- Phụ nữ đã từng sinh con và cho con bú: Phần lớn phụ nữ đã từng sinh con và cho con bú đều có hiện tượng giãn ống dẫn sữa
- Phụ nữ tiền mãn kinh hoặc mãn kinh
- Người có tiền sử bệnh lý tuyến vú: Những người đã từng bị viêm tắc tuyến vú, áp xe tuyến vú do chấn thương, lao hoặc các bệnh lý khác gây tắc nghẽn ống dẫn sữa cũng có thể dẫn đến giãn ống dẫn sữa.
- Hút thuốc lá chủ động hoặc thụ động
- Tụt núm vú có thể gây ra viêm, nhiễm trùng và tắc nghẽn ống dẫn sữa
2. Dấu hiệu giãn ống dẫn sữa
Những triệu chứng của giãn ống dẫn sữa có thể bao gồm:
- Xuất hiện tiết dịch có màu bất thường như trắng đục, xanh hoặc đen ở núm vú.
- Nhạy cảm, đỏ núm vú và vùng mô xung quanh, sưng đau quanh núm vú.
- Dày nề ở vùng gần ống dẫn sữa bị tắc hoặc sờ thấy khối u bên trong vú
- Tụt núm vú hoặc khó chịu ở vú.
Các bác sĩ sẽ thông qua thăm khám lâm sàng, siêu âm núm vú và quầng vú kết hợp với nhũ ảnh để chẩn đoán tình trạng bệnh.

Người bệnh bị giãn ống dẫn sữa có thể gặp tình trạng dày nề ở vùng gần ống dẫn sữa bị tắc hoặc sờ thấy khối u bên trong vú.
3. Giãn ống dẫn sữa có lây không?
Giãn ống dẫn sữa không phải là bệnh lý lây truyền
4. Phòng ngừa giãn ống dẫn sữa
Không có cách nào để ngăn ngừa tình trạng giãn ống dẫn sữa. Một số nghiên cứu cho thấy một số yếu tố lối sống nhất định có thể làm tăng khả năng mắc tình trạng này. Các yếu tố này bao gồm:
- Người thừa cân, béo phì (có chỉ số khối cơ thể hoặc BMI từ 30 trở lên) cần giảm cân, duy trì BMI hợp lý
- Nếu bạn hút thuốc lá (chủ động hoặc bị động) thì cần cai thuốc
- Kiểm soát tốt các bệnh lý nền như tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch
- Có chế độ sinh hoạt khoa học bằng việc duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh, thường xuyên vận động để tăng cường thể trạng.
Ngoài ra, những người đã gặp tình trạng tắc ống dẫn sữa, giãn ống dẫn sữa nếu có thai lần sau hoặc tiếp tục cho con bú, người mẹ dễ bị tăng nguy cơ viêm tắc ống dẫn sữa tái lại. Do vậy, người mẹ cần được hướng dẫn về cách vắt sữa, trữ sữa, lưu trữ sữa và cho con bú đúng cách để giảm nguy cơ tái phát.

Phụ nữ nên kiểm tra tuyến vú định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe, bao gồm cả ung thư vú.
5. Điều trị giãn ống dẫn sữa
Trong một số trường hợp giãn ống dẫn sữa nhẹ bệnh có thể cải thiện, tự hết mà không cần điều trị. Tình trạng giãn ống dẫn sữa thường được điều trị triệu chứng là chủ yếu. Thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau có thể được sử dụng. Bên cạnh đó, có thể dùng đến biện pháp hỗ trợ như:
- Chườm nóng giảm đau.
- Áo ngực hỗ trợ làm giảm khó chịu.
- Nằm ngủ nghiêng về bên vú không đau nhằm tránh gây sưng đau và khó chịu.
- Bỏ thuốc lá.
- Phẫu thuật loại bỏ ống dẫn sữa bị giãn. Nếu sau thời gian dùng thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau nhưng triệu chứng vẫn không thuyên giảm (núm vú vẫn tiếp tục chảy dịch và sưng đau), bác sĩ có thể cân nhắc phương án phẫu thuật để cắt bỏ ống dẫn sữa bị giãn, điều trị triệt để tình trạng. Tùy mức độ, có thể một hoặc nhiều ống dẫn sữa bị cắt hoặc tất cả các ống đều bị cắt.
Tình trạng giãn ống dẫn sữa không làm tăng nguy cơ ung thư vú. Tuy nhiên nếu bạn có bất thường hay thay đổi gì ở phần ngực thì cần đến bác sĩ để khám và tìm nguyên nhân.