Bài, ảnh: Yên Thảo
Ngủ dưới gầm giường, ăn trong bệnh viện (BV), trắng đêm thức cùng bệnh nhân (BN), lo cho BN từng li từng tí từ miếng ăn, giấc ngủ đến tắm rửa, tiểu tiện... Vì vậy, nhiều người cho rằng nghề nuôi bệnh dơ dáy, cực nhọc, nhàm chán hay thấp hèn, nhưng những người làm nghề này luôn cảm thấy hạnh phúc vì mình đã làm được việc tốt cho đời.
Làm dâu trăm họ
Gặp Giang Thị Huyền (21 tuổi) tại BV. Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM lúc cô đang rửa tay chân cho BN, khó mà nhận ra cô nếu không có chiếc áo đồng phục xanh. Thoạt tiên, cứ tưởng nhầm là vợ BN. Mọi người trong phòng cùng cười òa: “Mấy ngày đầu tụi tui cũng đinh ninh hai người là vợ chồng mới cưới. Thiệt chứ vợ cũng không chăm sóc chồng chu đáo đến thế”.
Khách hàng của Huyền là Vĩ Tuyến, công nhân Công ty bánh kẹo Orion (Bình Dương), do sơ ý bị máy cuốn mất một ngón út và nguyên lòng bàn tay. Sợ ba mẹ ở quê lo lắng, anh đã nhờ đến dịch vụ chăm sóc BN. Do mới phẫu thuật, anh đi lại còn khó khăn, Huyền phải làm thay anh mọi việc từ cho ăn, tắm rửa, thay quần áo, rửa vết thương, xoa bóp… Huyền kể, lần đầu cầm tay anh để xoa bóp, mình ngại, anh cũng ngại, nhất quyết không cho. Nhưng mình làm cho bằng được không thì máu nó dồn cục lại nguy hiểm lắm.
Tuyến nói: “Thật ra ban đầu tôi chỉ cần một người bên cạnh để đỡ tủi thân thôi. Không ngờ Huyền chăm sóc tôi từng li từng tí như anh em trong nhà. Hôm đầu tiên tôi mổ không ngủ được, Huyền cũng thức cả đêm không chợp mắt, cứ luôn miệng hỏi tôi thế nào rồi. Lúc đó xúc động lắm”. Huyền líu ríu nói: “Lòng dạ cứ bồn chồn, làm sao mà ngủ được”. Khi được hỏi chỗ ngủ của mình ở đâu, Huyền cười tỉnh rụi chỉ chỗ trống dưới gầm giường BN.
Một ngày làm việc 24/24 như thế Huyền được nhận 150.000 đồng, bao cơm nước. Nếu làm 12 tiếng ban ngày thì được 90.000 đồng, 12 tiếng ban đêm được 100.000 đồng. Tính ra so với các nghề lao động phổ thông, đây là mức thu nhập khá cao. Nhưng bù lại, công việc này lại đòi hỏi sự kiên nhẫn và tính hy sinh rất cao, đặc biệt khó khăn với nam giới. Để chăm sóc một ông cụ bị ung thư gan, Vũ Hoàng Huy trước tiên phải chịu đựng được mùi hôi thối bốc ra từ người ông. Ông bị bể mật bên trong, dịch cứ chảy suốt, Huy cũng phải thức suốt ngày đêm kề cận bên cạnh ông để lau chùi. Ông cụ chỉ nằm một chỗ, ăn uống, tiểu tiện đều khó nhọc. Nhiều khi Huy phải vuốt ve, dỗ dành như con nít ông mới chịu ăn. Ngày ông mất, cũng chỉ một mình Huy dám ở cạnh ông lo lau chùi, rửa ráy. Những việc lẽ ra chỉ vợ con ông mới dám làm rốt cục lại “nhường” cho Huy hết.
Nhưng, làm hết mình đâu hẳn đã xong. Đã không ít nhân viên phải nghỉ việc oan vì gặp nhiều cụ khó tính, hay nhiều gia đình khó khăn, không coi trọng người làm. Một nhân viên chia sẻ: “Có lần trong cơn giận người ta đuổi mình, mình không có lỗi nhưng mình không giận vì khi bệnh ai cũng bực bội. Biết sao được, làm nghề này cũng như làm dâu trăm họ mà, sao chiều lòng hết tất cả”.
“Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng”
Trái với suy nghĩ của nhiều người, hầu hết những người chọn nghề này không phải mục đích chính để mưu sinh. Như trường hợp của chị Trương Thị Ly, chồng làm bác sĩ, có một dinh cơ rộng hơn 300m2 nhưng chị lại quyết chọn nghề này chỉ vì muốn đem lại niềm vui cho người khác. Ca chị đang nhận chăm sóc là BN Bùi.T.T (BV. Chợ Rẫy TP.HCM), bị u não, thần kinh không ổn định, lúc tỉnh lúc mê. Không kể ngày đêm, khi nào bà chuyền dịch là chị phải thức để canh chừng. Bà luôn gặp khó khăn trong vấn đề đại tiện, một tay chị bơm thuốc, thậm chí cho tay vào hậu môn để lấy chất thải bị vón cục ra. Chị Ly tâm sự: “Nếu không coi bà là mẹ thì chắc mình không thể làm nổi việc này đâu. Con cái họ còn không dám sờ đến nữa là”.
Ai cũng cho rằng đây là công việc dơ bẩn và nhàm chán. Nhưng chỉ những người trong cuộc mới cảm nhận được niềm vui. Với chị Ly, mỗi sớm thức dậy, chỉ cần hỏi “bà biết con là ai không”, bà trả lời “mày là con Ly chứ ai” là chị hạnh phúc lắm rồi.
Từng là điều dưỡng viên của BV. 115 TP.HCM, nên những thứ mà các nhân viên khác khiếp sợ như nước tiểu, phân, đàm… chị Loan đã quá quen rồi. Điều khó khăn nhất là ở cái tuổi ngoài ngũ tuần, sức khỏe không còn tốt mà chị phải thức trắng đêm để trông chừng BN. Nhà ở tận quận 8 TP.HCM, tối nào chị cũng cót két đạp xe hơn cả tiếng đồng hồ qua quận 11 để chăm sóc một BN bị tai biến mạch máu não. Chị Loan nói, thà BN mê hẳn còn dễ hơn đằng này BN lúc lên cơn mê sảng lại giựt ống, xé tã, moi ống khí quản… cả đêm khiến chị không được yên chút nào.
Từ đồng nghiệp đến BN ai cũng thắc mắc, một người phụ nữ lớn tuổi, không lo về tài chính, chỉ việc ở nhà chơi không lại chọn công việc nặng nhọc này. Chị Loan bộc bạch: “Con cái năn nỉ tôi đừng làm nữa, nhưng tôi thấy ở không như vậy phí quá. Thôi thì để thời gian rảnh giúp người khác vậy. Tôi đã mất ba mẹ, được chăm sóc những người lớn tuổi, tôi có cảm giác mình vẫn còn ba còn mẹ để thương yêu”.
Với những tính chất đặc thù: đảm đang, chịu thương, chịu khó, những tưởng nghề này không dành cho nam giới. Nhưng anh Hoàng Huy vẫn chọn nó, vì một chữ tâm. Anh nói: “Tôi không cho bạn bè, người thân biết tôi đang làm công việc này. Họ nghĩ gì mặc họ miễn được giúp đỡ người khác là tôi vui rồi”.
Bao nhiêu cũng không đủ
Những gian nan, vất vả và cả nỗi oan ức của nghề nuôi bệnh là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, cũng có nhiều nhân viên may mắn được gia đình BN hết mực yêu quý. Dũng, nhân viên chăm sóc một BN ở quận 2 được gia đình mua cho xe đạp điện, cho đi học Anh văn và thương yêu như con cháu trong nhà. Nhiều nhân viên khác còn được tặng cả điện thoại di động để liên lạc với chủ và được cho đi du lịch cùng gia đình ở nhiều nơi. Anh Nguyễn Nhâm, Phó Giám đốc Công ty TNHH Nhân Ái, cho biết: “Hầu hết khách hàng sau khi sử dụng dịch vụ của chúng tôi đều gọi điện đến cảm ơn và bày tỏ sự yêu quý với các nhân viên”.
Tuy nhiên, các nhân viên trước khi bước chân vào nghề nuôi bệnh phải trải qua một cuộc sát hạch khá khắt khe. Anh Nhâm cho biết, ba tháng kể từ ngày thành lập tới nay, công ty đã tiếp nhận chăm sóc hơn 300 BN, nhưng chỉ mới đáp ứng được 80% nhu cầu. Thực tế, nghề này có khá nhiều ưu điểm như không phải đầu tư vốn, vừa có bảo hiểm lao động và mức thu nhập khá nên cũng khá đông người dân nhập cư nộp hồ sơ. Nhưng sau khóa học chỉ có khoảng 70-80% tiếp tục, còn lại cảm thấy công việc quá khó khăn đã rút lui. Vì đa số những người sử dụng dịch vụ này là người lớn tuổi, mắc những căn bệnh nghiêm trọng như tai biến mạch máu não, ung thư… Nhiều người nhận hợp đồng rồi vài hôm chịu không nổi, xin nghỉ việc. Cho nên, dù công ty đào tạo liên tục, trung bình mỗi tháng hai khóa, mỗi khóa hơn 10 người nhưng sau ba tháng, số nhân viên trụ lại chỉ vỏn vẹn 40 người. Anh Nhâm quả quyết: “Chưa bao giờ nhân viên ở trong tình trạng thiếu việc làm. Thêm bao nhiêu nhân viên nữa cũng không đủ vì nhu cầu BN rất lớn”.
Hiện nay, ngoài Công ty Nhân Ái ra, chưa có nơi nào chuyên cung cấp dịch vụ này. Do luôn ở trong tình trạng quá tải nên một số khách hàng phải nhờ đến các dịch vụ chuyên cung cấp người giúp việc nhà để chăm sóc BN. Tuy nhiên, vì chưa được tập huấn về chuyên môn lẫn “lên dây cót” tinh thần, thường những dịch vụ “tay ngang” chưa thể làm hài lòng các “thượng đế”.