Hà Nội

Gian nan nghề giám định pháp y tâm thần

09-05-2014 02:39 | Thời sự
google news

SKĐS - Làm giám định pháp y tâm thần luôn phải đối mặt với nguy hiểm và cả những cám dỗ... Chính vì thế người giám định viên không chỉ cần trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm dày dặn mà đặc biệt cần sự dũng cảm...

Làm giám định pháp y tâm thần luôn phải đối mặt với nguy hiểm và cả những cám dỗ... Chính vì thế người giám định viên không chỉ cần trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm dày dặn mà đặc biệt cần sự dũng cảm, bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, đạo đức lương tâm trong sáng để có thể đưa ra những kết luận chính xác, khoa học và trung thực tuyệt đối. Bởi mỗi một quyết định họ đưa ra đều liên quan chặt chẽ tới sinh mạng, tương lai của từng số phận con người...

Sự cần thiết của giám định pháp y tâm thần

Chính vì pháp luật có những điều khoản nhân đạo đối với những người phạm tội bị mắc bệnh tâm thần nên một số tội phạm đã lợi dụng điều đó để cố tình phạm tội mà không bị trừng trị. Mặt khác, cũng có nhiều người mắc bệnh tâm thần tiềm ẩn không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời đến khi bệnh phát gây hậu quả nghiêm trọng như tự sát, giết người... mới phát hiện và đưa đi giám định... Thực tế hiện nay đã có rất nhiều vụ án nghiêm trọng xảy ra mà người gây án mắc bệnh tâm thần hoặc giả tâm thần tương đối phổ biến và ngày càng phức tạp đòi hỏi các giám định viên pháp y tâm thần phải hết sức thận trọng trong quá trình giám định để đưa ra những kết luận chính xác, khách quan, trung thực, đảm bảo công bằng cho các trường hợp cần giám định pháp y tâm thần.

Giám định viên Phòng Kỹ thuật Hình sự đang tiến hành giám định.

Giám định viên Phòng Kỹ thuật Hình sự đang tiến hành giám định.

Giám định pháp y tâm thần không mổ xác như pháp y mà mổ xẻ những ý thức rất trừu tượng của con người, nghiên cứu đối tượng từ khi sinh ra cho đến khi xảy ra vụ án và những diễn biến tư duy trong hiện tại. Đối tượng giám định được làm các thử nghiệm đánh giá trí tuệ, khả năng nhận thức, xét nghiệm máu, điện não, Xquang, thậm chí cần thiết còn chụp CT, MRI... Chính vì thế, giám định tâm thần cần thời gian để các giám định viên có thể nắm bắt quy luật, theo dõi các thói quen sinh hoạt, diễn biến tâm lý và những biểu hiện bất thường của người bệnh xảy ra trước khi gây án và trong hiện tại...

Theo nhiều giám định viên, trong nhiều vụ việc, đặc biệt những vụ phức tạp, họ thường rất cần thêm thời gian để có thể đưa ra những kết luận chắc chắn và thực tế chính xác. Tuy nhiên, trong thực tế thời gian giám định thường eo hẹp bởi còn liên quan tới thời hạn điều tra, truy tố xét xử theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Thời gian giám định trung bình là một tháng dưới sự theo dõi của cơ quan công an. Có nhiều trường hợp bệnh phức tạp, khó xác định phải mất vài tháng, nửa năm, thậm chí là nhiều vụ án phải giám định đi giám định lại nhiều lần. Bởi vì, có nhiều loại bệnh lý tâm thần rất khó nhận diện. Lúc bệnh nhân phát bệnh, lúc không phát bệnh hoặc bị bệnh nhưng dưới dạng “ẩn”. Thậm chí trong nhiều trường hợp, sự thất thường trong mức độ nặng nhẹ của người bệnh cũng làm các giám định viên phải nghiên cứu đi nghiên cứu lại. Mọi kết luận đều phải dựa trên những chứng cứ khoa học, chính xác và phải tuyệt đối trung thực.

Là một thành phần của hệ thống tổ chức giám định tư pháp, giám định pháp y tâm thần là chuyên ngành khoa học nghiên cứu khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của người bệnh tâm thần ở từng thời điểm nhất định và trong suốt quá trình ủ bệnh và điều trị bệnh. Chính vì thế, các giám định viên cần có kiến thức chuyên môn vững vàng, giàu kinh nghiệm và đạo đức lương tâm trong sáng, tâm huyết và trách nhiệm cao với nghề bởi mỗi một quyết định họ đưa ra đều liên quan chặt chẽ tới sinh mạng, tương lai của từng số phận con người.

Đặc điểm của nghề giám định pháp y tâm thần

Công việc giám định pháp y tâm thần được coi là nghề “mổ xẻ cái đầu” để tìm ra bệnh. Thật không dễ dàng để các bác sĩ pháp y tâm thần kết luận bệnh nhân có bệnh hay không. Nghề này chưa được xã hội đánh giá cao nên số lượng bác sĩ tâm huyết đến với nghề rất ít mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho những người làm trong ngành này.

Theo Viện GĐPYTT Trung ương, trong số giám định viên được đào tạo cơ bản, có trình độ cao, có kinh nghiệm nhiều người đã lớn tuổi, đã hoặc sắp phải nghỉ hưu. Viện không chỉ thực hiện chức năng giám định pháp y tâm thần đối với can phạm mà còn phải quản lý và điều trị đối tượng phạm pháp bắt buộc chữa bệnh tâm thần. Đây là công việc vô cùng nguy hiểm, khó khăn và phức tạp bội phần. Trong khi đó việc tuyển giám định viên lại rất khó khăn.

Điểm đặc biệt của những đối tượng phạm tội tâm thần là họ vừa không kiểm soát được hành động của mình vừa có tính cách côn đồ, do đó giám định viên phải đối diện với rất nhiều hiểm nguy. Việc các giám định viên bị bệnh nhân tấn công là chuyện khó tránh khỏi. Nhiều đối tượng đã từng vào tù ra tội và mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như lao, HIV... Khi bị kích động, họ có thể bất ngờ đánh cả giám định viên. Sự va chạm đụng độ có thể gây ra thương tích và khả năng lây nhiễm các bệnh nguy hiểm cho các giám định viên là rất cao. Đối với những đối tượng giả tâm thần để hòng thoát tội khi bị các giám định viên phát hiện làm rõ cũng tiềm tàng những hành vi trả thù rất nguy hiểm. Tại Nha Trang, Khánh Hòa đã từng xảy ra vụ án đối tượng tìm đến nhà đe dọa giết giám định viên. Mặt khác, việc gia đình đối tượng dùng tiền và vật chất để mua chuộc các giám định viên nhằm thay đổi quyết định giám định hòng cho người thân mình được thoát tội cũng đã từng xảy ra ở Biên Hòa, Hà Nội... Nhưng mọi hành vi vi phạm pháp luật của họ đều bị thất bại trước bản lĩnh nghề nghiệp và lương tâm trong sáng của những người thầy thuốc, những giám định viên pháp y tâm thần.

Làm giám định pháp y tâm thần thật sự luôn phải đối mặt với nguy hiểm và cả những cám dỗ... Chính vì thế người giám định viên không chỉ cần trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm dày dặn mà đặc biệt cần sự dũng cảm, bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, đạo đức lương tâm trong sáng để có thể đưa ra những kết luận chính xác, khoa học và trung thực tuyệt đối. Ngành giám định pháp y tâm thần thực sự đóng một vai trò quan trọng trong việc thực thi những chính sách nhân đạo và pháp luật nghiêm minh của Đảng và Nhà nước, bảo vệ và cứu chữa cho người bệnh đồng thời cũng phát hiện ra kẻ tội phạm giúp pháp luật trừng trị đúng người đúng tội góp phần làm trong sạch xã hội, gìn giữ an ninh trật tự xã hội.

Mọi người trong xã hội rất cần nâng cao hiểu biết về căn bệnh tâm thần và chuyên ngành giám định pháp y tâm thần để có thể hỗ trợ cho các nhà chuyên môn trong quá trình phát hiện bệnh sớm để có thể phòng ngừa và kịp thời ngăn chặn những hành vi nguy hiểm do những người bị mắc bệnh tâm thần có thể gây ra cho xã hội và bản thân họ, góp phần gìn giữ sự bình yên cho cộng đồng.         

  Nguyễn Minh Tuấn

 


Ý kiến của bạn