Gian nan nghề bắt muỗi đêm

28-02-2015 07:18 | Thời sự
google news

SKĐS - Trong hệ y tế dự phòng, ngành phòng chống sốt rét - một bộ phận đã cống hiến, góp phần rất lớn cho nhiệm vụ khoa học là những người công tác chuyên về lĩnh vực côn trùng học.

Trong hệ y tế dự phòng, ngành phòng chống sốt rét - một bộ phận đã cống hiến, góp phần rất lớn cho nhiệm vụ khoa học là những người công tác chuyên về lĩnh vực côn trùng học. Họ được gọi là cán bộ côn trùng, một trong các công việc gian nan, vất vả là tiến hành điều tra, bắt muỗi bằng những phương pháp quy định để lấy cơ sở dữ liệu phục vụ công tác. Âm thầm, lặng lẽ, hy sinh làm nhiệm vụ vì sức khỏe cộng đồng ở vùng sốt rét mà ít người biết đến để vinh danh.

Bắt muỗi truyền bệnh sốt rét ban đêm bằng phương pháp mồi người.

Cán bộ côn trùng ở các viện trung ương, khu vực và trung tâm tỉnh, thành phố phần lớn là nam nhưng vẫn có một số nữ cũng đảm nhận chức năng này. Họ là những tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân sinh học; cử nhân kỹ thuật y tế, kỹ thuật viên trung học... tốt nghiệp ở nhiều cơ sở đào tạo khác nhau nhưng khi nhận nhiệm vụ tại Khoa côn trùng thì đều chung một chiến hào để đùm bọc, hỗ trợ, thương yêu, giúp đỡ nhau hoàn thành công việc được xem là không giống ai vì tính chất đặc thù của nó. Một chức năng đảm nhận là giám sát, điều tra muỗi truyền bệnh sốt rét ở các vùng dịch tễ bằng những phương pháp khác nhau như: bắt muỗi trú đậu trong nhà ban ngày và ban đêm, ở ngoài nhà ban ngày, ở chuồng gia súc ban đêm; dùng bẫy đèn, bẫy màn bắt muỗi; đặc biệt là lấy thân mình làm mồi cho muỗi đốt máu ban đêm để bắt. Công việc này đòi hỏi trách nhiệm, nhiệt tình, trung thực, tự giác cao vì khoa học; nếu không thì không thể hoàn thành nhiệm vụ, dữ liệu cung cấp có thể sai lệch nhận định, đánh giá tình hình. Các phương pháp điều tra, giám sát, bắt muỗi ngày tương đối dễ dàng nhưng nếu thực hiện đêm lại gặp rất nhiều khó khăn do môi trường, địa điểm, giờ giấc không thuận lợi, nhất là mồi người bắt muỗi suốt đêm. Cán bộ phải được đào tạo chuyên môn kỹ thuật tốt, bảo đảm lành nghề khi tiến hành nhiệm vụ, không được nhầm lẫn giữa muỗi Anopheles truyền bệnh sốt rét và các loài muỗi khác như Aedes, Culex...

Là một bác sĩ nhưng công tác chuyên ngành phòng chống bệnh sốt rét, các bệnh ký sinh trùng và côn trùng truyền bệnh, tôi đã có thời gian phục vụ tại viện khu vực miền Trung-Tây Nguyên, sau đó chuyển về trung tâm tỉnh ở địa phương nên am hiểu đầy đủ các hoạt động chuyên môn, kể cả lĩnh vực côn trùng học ngoài dịch tễ học, lâm sàng, điều trị, nghiên cứu khoa học nhằm có thể đảm nhận được công tác chuyên môn và vai trò quản lý, lãnh đạo của mình. Muốn thực hiện được điều này, tôi tiếp cận với các đồng nghiệp côn trùng học để học hỏi, tìm hiểu, cùng tham gia thực hành kỹ thuật chuyên môn ở phòng thí nghiệm và thực địa. Những đợt công tác về cơ sở để giám sát, điều tra tình hình dịch tễ ban ngày; buổi tối, tôi theo anh em khoa côn trùng tham gia điều tra, bắt muỗi ban đêm. Thạc sĩ sinh học Võ Đại Phú là Trưởng khoa côn trùng có thâm niên nhiều năm công tác từng giúp tôi học hỏi được rất nhiều vấn đề côn trùng học, trong đó có muỗi truyền bệnh sốt rét. Các đợt về thực địa cơ sở, tôi luôn đồng hành với anh để điều tra, bắt muỗi đêm nhằm biết được quy trình kỹ thuật chuyên môn; đồng thời thấu hiểu được sự gian nan, khó khăn, vất vả, thầm lặng của những người làm công tác này.

Một trong các phương pháp điều tra khá nguy hiểm là dùng mồi người bắt muỗi đêm đòi hỏi sự hy sinh của người thực hiện là bỏ hở khoảng trống cơ thể, dẫn dụ muỗi truyền bệnh bay đến bám đậu, chích hút máu để bắt. Nếu không may trong số muỗi đó có mang ký sinh trùng sốt rét thì khả năng lây nhiễm bệnh qua vết chích đốt máu là điều không thể tránh khỏi. Đợt công tác tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, ở vị trí lãnh đạo, trưởng đoàn công tác nên khoa côn trùng rất ngại khi tôi có ý kiến sắp xếp cùng đi điều tra bắt muỗi ban đêm với anh em; anh Phú trưởng khoa bố trí tôi công việc như mọi người: Ngồi một mình gần bụi cây bên bờ suối, cởi bỏ quần dài, chỉ mặc quần cụt để hở da làm mồi dẫn dụ muỗi truyền bệnh bay đến đốt máu để bắt. Dụng cụ hành nghề chỉ là cây đèn pin, ống tuýp bắt muỗi, nút bông gòn nhốt muỗi, kính lúp tay... Người bắt muỗi đêm phải tĩnh lặng, không nói chuyện, không dùng dầu gió, nước hoa, tắm gội xà phòng thơm vào buổi chiều... vì chúng có tác dụng xua đuổi, làm sai lệch kết quả thu nhận. Sau hơn 1 giờ bắt muỗi, anh Phú ở vị trí gần đó nói vọng qua hỏi: “Anh có bắt được muỗi không?”. Tôi đáp lại: “Nhiều lắm Phú ơi! Hình như có cả loài muỗi truyền bệnh chủ yếu nữa đó!”. Quá nửa đêm về sáng, theo giờ quy định, chúng tôi nghỉ bắt muỗi, thu dọn dụng cụ, mẫu vật đến mái hiên nhà dân gần đó treo võng màn và lịm ngủ say do quá mệt mỏi. Khi thức dậy, tôi thấy anh trưởng khoa dùng kính lúp định loại muỗi, xử lý ngay số liệu thu thập. Anh ấy nói với tôi: “Anh có mệt không? Số muỗi Anopheles anh bắt được rất chính xác, không nhầm loài muỗi khác; đúng là có muỗi truyền bệnh chủ yếu Anopheles minimus, kể cả Anopheles dirus nữa”. Tôi tâm sự: “Không mệt đâu Phú ạ! Làm việc với anh em rất vui nên quên cả mệt mỏi, lại không buồn ngủ nữa. Mình bắt muỗi cũng được đó chứ? Đã học đặc điểm nhận diện muỗi nên không bắt nhầm được”. Hôm sau, chúng tôi chuyển sang điều tra, bắt muỗi chuồng gia súc đêm theo quy trình giám sát hoạt động muỗi truyền bệnh; phương pháp này cũng lắm hiểm nguy. Ở mỗi điểm điều tra, cán bộ côn trùng phải thực hiện đầy đủ các phương pháp bắt muỗi để có cơ sở nhận định, đánh giá tình hình.

Mặc dù làm lãnh đạo, quản lý nhưng biết sắp xếp thời gian xâm nhập thực tế tại thực địa công tác để cùng ăn, cùng ở, cùng làm với anh em đồng sự mới có thể thấu hiểu được hết sự gian nan, khó khăn, vất vả, đầy hiểm nguy của họ, đặc biệt là cán bộ côn trùng với nghề bắt muỗi đêm. Họ là những người đã cống hiến lặng lẽ, hy sinh thầm lặng vì khoa học, vì sức khỏe của cộng đồng cần được vinh danh.

TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH

 

 

 


Ý kiến của bạn