Gian nan hành trình 'đưa người chết vào quan tài'

31-10-2023 15:12 | Xã hội
google news

SKĐS – Cuộc "cách mạng" xoá bỏ hủ tục tồn tại lâu nay trong cộng đồng người dân tộc Mông ở Mường Lát (Thanh Hoá) làm thay đổi cuộc sống của người dân. Giờ đây, người đã khuất được yên nghỉ trong quan tài.

Ôm nợ vì nhà có người mất

Nằm cách trung tâm TP. Thanh Hóa hơn 200km, mảnh đất biên cương Mường Lát là nơi tận cùng xứ Thanh với dân số hơn 40 nghìn người, trong đó người Mông chiếm tới 43%. Nhiều năm về trước, huyện biên giới này được nhớ đến bởi sự đói nghèo, ma túy và những hủ tục lạc hậu. Trong đó, hủ tục người Mông thường đặt xác người chết trên cáng, treo sát vách gian nhà giữa để cúng tế "làm ma" đến 7 ngày cho đến thối rữa mới đem đi chôn cất làm nhiều người ám ảnh.

Theo quan niệm "cha truyền con nối" của đồng bào, khi có người thân mất, gia đình có bao nhiêu anh em trai phải làm bấy nhiêu trâu bò để tiễn đưa người quá cố về với tổ tiên. Nếu làm sai một khâu, một bước trong thủ tục, người chết sẽ quay ngược trở lại với người sống và gây ra những hệ lụy như ốm đau bệnh tật, thậm chí là cả gia đình, dòng họ sẽ chết theo.

Gian nan hành trình “đưa người chết vào quan tài” - Ảnh 1.

Đưa người chết vào quan tài là "cuộc cách mạng" của nhận thức, thay đổi hủ tục của đồng bào người Mông.

Là một trong những "nạn nhân" của hủ tục này, bà L.T.C. (trú tại xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát) còn nhớ như in khoảnh khắc làm ma chay khi mẹ chồng mất. "Lúc đó nhà có hơn 10 con bò, là tài sản đáng giá nhất của cả gia đình. Khi mẹ mất, các ông cậu, bà cô đến đòi giết hết số bò này để làm ma chay. Phải cầu xin van lạy, họ mới chừa một con để làm của hồi môn cho con trai. Chứng kiến số bò mình vất vả chăm bẵm lần lượt bị giết để làm ma, mẹ con tôi không kìm được nước mắt", bà C.nhớ lại.

Những tưởng trường hợp mất cả gia sản để cúng ma chay như bà C. đã bi đát, nhưng không, còn có những mảnh đời bất hạnh hơn, khi phải vay mượn, trở thành con nợ sau sự mất mát người nhà. Bà L.T.D. (trú tại xã Pù Nhi) là một trường hợp như vậy.

Theo bà D., khoảng hơn 10 năm trước, theo tục lệ, khi chồng mất, người thân để thi thể ở chiếc cáng, treo trong nhà gần một tuần. Theo phong tục cúng ma chay, ngày nào gia đình bà D. cũng mổ trâu, mổ bò, lợn, gà để cúng tế và mời anh em dòng họ, bà con dân bản đến ăn uống linh đình ngay bên cạnh xác chết bị phân hủy với mùi hôi thối nồng nặc.

Gian nan hành trình “đưa người chết vào quan tài” - Ảnh 2.

Hiện 100% bản Mông đã đưa quy ước thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vào hương ước của bản, các đám tang thực hiện việc chôn cất trong 48 giờ.

"Trong nhà không có tiền nên phải đi vay nợ để mua 3 con trâu, 4 con lợn, 50 con gà... tiếp khách. Hết lễ cúng, mọi người ăn uống no say rồi ai về nhà nấy, chẳng ai hỏi han, động viên một lời đến người còn sống. Sau cái ngày "khổ sở" ấy, cả gia đình phải còng lưng trả nợ, mãi nhiều năm sau mới thở phào hết nợ. Cũng chẳng biết phải nói thế nào nữa, chỉ biết là quãng thời gian đó, ai cũng mệt mỏi và chán nản" bà D. nhớ lại.

Người đầu tiên "đưa người chết vào quan tài"

Là người con của mảnh đất Mường Lát và cũng là người H’mông, ông Lầu Minh Pó, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Mường Lát nhiều lần đặt câu hỏi vì sao người Mông khi chết không đưa vào quan tài ngay như các dân tộc khác mà lại phải mổ nhiều trâu bò, ăn uống linh đình trong nhiều ngày gây lãng phí của cải. "Người dân bản đã nghèo, lại bị những hủ tục lạc hậu đeo bám từ năm này qua tháng nọ khiến họ kiệt quệ, chẳng còn tâm trí mà nghĩ đến việc làm kinh tế. Chứng kiến những hình ảnh thực tế như vậy, tôi quyết tâm thay đổi văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông", ông Pó nhớ lại.

Xác định để đồng bào nghe và làm theo, trước hết phải thực hiện ngay từ trong gia đình mình. Tháng 3/2013, ông L.C.D. (trú tại bản Pha Đén, xã Pù Nhi, là ông cố nội của ông Pó) qua đời. Nhân sự kiện này, ông Pó triệu tập họp dòng họ, đồng thời giao nhiệm vụ cho một số anh em cán bộ, công chức là người họ Lầu phụ trách tâm sự, thuyết phục, vận động các cụ già làng, những người có tiếng nói trong việc tổ chức tang lễ.

Gian nan hành trình “đưa người chết vào quan tài” - Ảnh 3.

Ông Lầu Minh Pó (bên trái) là người có đóng góp quan trọng trong tuyên truyền, vận động đồng bào Mông đưa người chết vào quan tài.

"Với sự đồng lòng, quyết tâm của tất cả các thành viên trong gia đình nên mọi người đã nghe theo. Đây là lần đầu tiên đồng bào Mông ở Mường Lát đưa người chết vào quan tài. Sự kiện này thật sự tạo ra bước ngoặt lớn thay đổi tâm lý của người dân nơi đây dù bước đầu một số anh em trong dòng họ và gia đình không đồng tình. Sự kiện này được xem như bước ngoặt làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm tang lễ sao cho ngắn gọn, ít tốn chi phí và phù hợp với xu thế phát triển của xã hội", ông Pó kể.

Từ thành công của "điển hình gia đình ông Pó", ngày 25/6/2013, UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định phê duyệt dề án "Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020". Đây là cơ sở để xóa bỏ các hủ tục trong tang lễ, thực hiện nếp sống văn hóa mới.

Ông Lầu Minh Pó cho biết, tù năm 2013 đến nay, 100% đám tang đều đưa người chết vào quan tài và không bắn súng thông báo khi có người chết như trước nữa. Ngoài ra, 100% bản Mông đưa quy ước thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vào hương ước của bản. Các đám tang thực hiện việc chôn cất trong 48 giờ, không còn hiện tượng bắt mổ gia súc, gia cầm, trong nhiều đám tang, việc tổ chức ăn uống linh đình đã giảm đáng kể.

Người dân tộc La Chí chung tay xóa bỏ hủ tục lạc hậuNgười dân tộc La Chí chung tay xóa bỏ hủ tục lạc hậu

SKĐS - Trong đời sống của người dân tộc La Chí vẫn còn một số tập quán lạc hậu kéo dài nhiều năm mà chưa xóa bỏ được ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người dân. Việc từng bước xóa bỏ các hủ tục ấy là sự cần thiết và đang được người dân tộc La Chí chung tay thực hiện.


Gia Hân
Ý kiến của bạn