Trước sự bùng phát của dịch COVID-19, nhiều tỉnh thành khuyến cáo người dân “ở địa phương nào ở yên chỗ đó” nhưng gia đình chị N.T.H. (26 tuổi, ở huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vẫn quyết thuê xe riêng để đưa chị lên Sài Gòn khám thai lần cuối, vì ngày dự sinh đã cận kề.
Trưa 13/4, khi xe đang chạy trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (hướng về TP.HCM) thì chị H. bỗng đau bụng dữ dội, dấu hiệu đau mỗi lúc nặng hơn và vỡ ối ngay trên xe. Nóng ruột, gia đình quyết định gặp cơ sở y tế nào gần nhất thì ghé vào, không cần lên tới bệnh viện lớn. May mắn là khi vừa đến “ranh giới” Sài Gòn, gia đình đã tìm được Bệnh viện Quận 2 và ghé vào cấp cứu cho thai phụ.
Qua kiểm tra, các bác sĩ phát hiện sản phụ H. đang mang song thai 2 bé gái và còn bị sỏi tiết niệu nên được tiến hành đặt ống thông nhân tạo rồi chuyển thẳng đến phòng sinh, lên phương án mổ bắt thai trong trường hợp cần thiết.
Cuối cùng, hai con chị H. chào đời khỏe mạnh, mỗi bé có cân nặng khoảng 2,6kg. Sau khi nghe bác sĩ giải thích về nguy hiểm khi sinh rớt giữa đường, nhất là bản thân thai phụ đang mắc bệnh nền sẽ nguy hiểm cho 3 mẹ con, chị H. vừa mừng vì may mắn và nhận ra: “Em chỉ nghĩ lên các bệnh viện lớn ở Sài Gòn sinh cho an tâm hơn, nhưng không ngờ sinh tại bệnh viện tuyến dưới mà bác sĩ cũng rất giỏi”.
Tương tự, chị Đ.T.M.V. (34 tuổi, nhà ở thành phố Tân An, tỉnh Long An) cũng “mon men” lên Sài Gòn khám thai. Tuy nhiên, chị đi gần 8 phòng khám đều đóng cửa và thông báo “ngưng khám do ngừa COVID-19”. Chị V. kể, chị nôn nóng lên Sài Gòn để coi con có tim thai chưa, vì đây là con đầu lòng.
Cuối cùng, chị vào bệnh viện công khám và cũng được bác sĩ khuyên nên khám tại địa phương, vì hiện nay hầu hết các bệnh viện ở tỉnh, thậm chí nhiều trạm y tế phường/xã đã có dịch vụ chăm sóc cho bà bầu rất tốt. Trong khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, thai phụ cần hạn chế đến nơi đông người, nhất là ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ vẫn đang kiểm soát tốt dịch bệnh nên khám thai ở địa phương sẽ an toàn hơn.
Khi đến phòng khám hoặc bệnh viện, thai phụ nên tuân thủ quy trình tiếp nhận, sàng lọc. (ảnh minh hoạ)
Các tiêu chí chọn bệnh viện khám thai tốt, an tâm?
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay, mang thai, chuyển dạ và sinh nở đều có nguy cơ bị nhiễm virus nếu không có sự phòng ngừa trước. Nguy cơ này càng cao ở những thai phụ ra khỏi nhà thường xuyên, tiếp xúc nhiều người, không mang khẩu trang, không thường rửa tay… Điều này cũng khiến nhiều thai phụ lo lắng vì “phụ nữ phải một mình vượt cạn”.
Mẹ bầu lưu ý việc khám thai phải được theo dõi, quản lý một cách liên tục và nên ưu tiên các trung tâm, bệnh viện uy tín gần nhất. Nghĩa là mẹ bầu cần lựa chọn một bệnh viện thăm khám cố định để theo dõi trong suốt thai kỳ để bác sĩ có thể đánh giá đúng nhất sự phát triển của thai nhi cũng như tình trạng sức khỏe của mẹ.
Thai kỳ khỏe mạnh khi cả mẹ cả con cùng khỏe mạnh. Tuy nhiên, không phải vì quá lo sợ dịch bệnh mà sản phụ nảy sinh ý định “thuận tự nhiên” – sinh tại nhà. Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Thị Kim Ngân - Phó Giám đốc chuyên khoa Sản, Bệnh viện TWG – Sản Nhi Long An: Nhiều nghiên cứu chứng minh cho thấy, nguy cơ tử vong chu sinh khi sinh tại nhà cao gấp 2 lần so với sinh tại bệnh viện. Một số nghiên cứu còn cho thấy có sự gia tăng gấp 3 lần nguy cơ mắc chứng động kinh ở trẻ sơ sinh hoặc rối loạn chức năng thần kinh nghiêm trọng khi sinh tại nhà so với sinh tại bệnh viện. Riêng nguy cơ xuất huyết sau sinh khá giống nhau ở cả hai nhóm. Trong khi, nếu sinh tại bệnh viện sẽ có những máy móc hiện đại để xử lý kịp thời những trường hợp tai biến này.
Các hỗ trợ thai sản trọn gói cũng giúp hành trình vượt cạn an toàn cho mẹ, tốt nhất cho con, hạnh phúc toàn vẹn cho cả gia đình.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Thị Kim Ngân khuyên, để “mẹ tròn con vuông” không chỉ trong giai đoạn mùa dịch, theo khuyến cáo của Bộ Y tế phải hạn chế thân nhân thăm nuôi người bệnh tại bệnh viện. Chúng tôi khuyên phụ nữ mang thai nên xác định trước 1 người hỗ trợ dự phòng trong trường hợp người hỗ trợ dự định ban đầu bị nghi nhiễm COVID-19 . Tốt nhất, người hỗ trợ nên ở lại với thai phụ trong suốt quá trình chuyển dạ cho tới lúc xuất viện”, bác sĩ Ngân chia sẻ.
Thai phụ nên làm gì để giữ an toàn cho bản thân trong đợt bùng phát COVID-19? Từ lúc bệnh COVID-19 bùng phát cho tới hiện nay vẫn chưa có bằng chứng cho thấy SARS-CoV-2 gây ảnh hưởng đến thai cũng như chưa tìm thấy bằng chứng virus truyền từ mẹ sang thai trong tử cung hoặc qua nhau thai. Tuy nhiên , thai phụ vẫn có nguy cơ nhiễm virus như mắc các bệnh lý lây nhiễm khác; vì vậy vẫn nên thực hành các biện pháp phòng ngừa và giãn cách xã hội như các khuyến cáo trong mùa dịch: - Tránh tiếp xúc với bất kỳ ai có triệu chứng bệnh coronavirus (COVID-19). - Tránh giao thông công cộng khi có thể. - Làm việc tại nhà, hạn chế ra ngoài hết mức có thể. - Tránh các cuộc tụ họp lớn và nhỏ trong không gian công cộng, đặc biệt là trong không gian kín hoặc chật hẹp. - Tránh tụ tập với bạn bè và gia đình. - Sử dụng điện thoại, nhắn tin hoặc dịch vụ trực tuyến để liên hệ với nữ hộ sinh, bác sĩ sản khoa và các dịch vụ thiết yếu khác. - Các biện pháp bảo vệ bổ sung bao gồm rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước hoặc dung dịch sát khuẩn có cồn 70 độ , thường xuyên vệ sinh và khử trùng các bề mặt hay chạm vào nhà, tự giám sát mọi dấu hiệu hoặc triệu chứng liên quan với COVID-19 và tìm kiếm sự chăm sóc sớm từ cơ sở y tế . - Trường hợp cần đi khám thai, thai phụ nên liên lạc với Bác sĩ hoặc cơ sở y tế trước khi đến khám để giảm thiểu thời gian chờ khám. Tốt nhất không đi cùng thân nhân trừ trường hợp đặc biệt. Nên khai báo thông tin y tế và yếu tố liên quan đến dịch tễ COVID–19 . - Khi đến phòng khám hoặc bệnh viện, thai phụ nên tuân thủ quy trình tiếp nhận, sàng lọc . - Trường hợp thai phụ có dấu hiệu nghi ngờ, cần hoãn lịch khám tự cách ly 14 ngày nếu không có tình trạng khẩn cấp ở mẹ và/hoặc thai và liên hệ với bác sĩ hoặc cơ sở y tế khi triệu chứng xấu hơn. |