Gian nan cứu trẻ sinh cực non tháng 'bé tẹo như cái kẹo'

14-10-2021 09:42 | Y tế

SKĐS - Đây là trường hợp bé sơ sinh cực non tháng khi chào đời ở tuần thai thứ 23, trọng lượng sau sinh chỉ đạt 480gr.

Các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ vừa hội chẩn trực tuyến với các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội 2 ca bệnh khó điển hình với mục tiêu nâng cao chất lượng khám và điều trị cho người dân, xóa nhòa khoảng cách trong điều trị bệnh nhân nặng.

Bệnh nhi sinh cực non ở tuần thai 23, chỉ nặng 480gr

Một trong 2 trường hợp được hội chẩn là bệnh nhi sơ sinh con sản phụ P.T. T (Việt Trì, Phú Thọ). Đây là trường hợp bé sơ sinh cực non tháng khi chào đời ở tuần thai thứ 23, trọng lượng sau sinh chỉ đạt 480gr.

Theo lời kể của gia đình, bố mẹ cháu hiếm muộn đã 11 năm. Đầu năm 2021, vợ chồng chị T. thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) và may mắn có được “quả ngọt”. Tuy nhiên quá trình mang thai của chị rất khó khăn, nhiều lần dọa sảy. Đến tuần thai thứ 18, chị T. vào nằm điều trị dọa sẩy thai, dọa đẻ non tại Khoa Sản 1 của Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ và sinh bé vào tuần thai thứ 23.

Sau sinh, trẻ được chuyển đến chăm sóc, điều trị tích cực tại Khoa Sơ sinh. Sau 22 ngày điều trị, trẻ đã có những tiến triển ban đầu rất tích cực, trọng lượng của bé tăng đều và ổn định, đạt 750gr. Tuy nhiên, đây là trường hợp trẻ sơ sinh cực non tháng, nhẹ cân nên việc điều trị, chăm sóc còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là chiến lược thở máy, vấn đề điều trị tình trạng còn ống động mạch, chẩn đoán và điều trị loạn sản phế quản phổi…

Gian nan cứu trẻ sinh cực non tháng 'bé tẹo như cái kẹo' - Ảnh 1.

Hình ảnh bệnh nhi lúc mới sinh và ngày thứ 12 sau sinh. Hiện tại, sau 22 ngày điều trị, trọng lượng của bé đã đạt 750gr.

Theo BSCKI. Nguyễn Đức Hậu – Trưởng khoa Nhi Sơ sinh, việc hội chẩn trực tuyến với các chuyên gia đầu ngành tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Nhi Trung ương kết hợp với cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại tương đương với tuyến trên tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ sẽ giúp ích rất nhiều trong việc điều trị cho các bệnh nhi, nhất là các bệnh nhi sơ sinh cực non tháng. Bởi các đối tượng bệnh nhi này thường ở trong tình trạng bệnh rất nặng, cần được cấp cứu, hồi sức kịp thời để không bỏ lỡ thời gian vàng điều trị.

Khi có hội chẩn trực tuyến, bệnh nhi gần như được các bác sĩ đầu ngành tham gia điều trị, hạn chế được việc phải di chuyển và các nguy cơ có thể gây tử vong cho trẻ trên đường đi, từ đó mang lại hiệu quả điều trị lớn cho bệnh nhân.

Với sự đồng tình, thống nhất các chẩn đoán và phác đồ điều trị của các chuyên gia tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bệnh nhi sẽ tiếp tục được điều trị theo phác đồ hiện tại của Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, tiếp tục duy trì chiến lược thở máy, duy trì nuôi dưỡng tĩnh mạch cho bệnh nhi. Bệnh nhi tiếp tục được sử dụng thuốc kháng sinh và trong thời gian tới sẽ có phương án cho bé tập ăn để kích thích đường tiêu hóa hoạt động.

Bệnh nhi 10 tháng tuổi bị u nang ống mật chủ biến chứng

Trường hợp hội chẩn thứ 2 là bệnh nhi L.H.P (10 tháng tuổi, trú tại Thanh Ba, Phú Thọ) vào viện ngày 5/10/2021 trong tình trạng quấy khóc, da vàng sáng, củng mạc mắt vàng, có chấm nốt xuất huyết dưới da.

Theo lời kể của gia đình, khoảng 1 tuần trước đó, trẻ xuất hiện đi ngoài phân lỏng 3 lần/ngày kèm theo tình trạng vàng da tăng dần, trẻ quấy khóc theo cơn, ăn uống kém nên được gia đình đưa đến viện khám.

Sau khi được làm các xét nghiệm, siêu âm ổ bụng, chụp cắt lớp vi tính ổ bụng, bệnh nhi được chẩn đoán viêm đường mật, suy gan, u nang ống mật chủ tuyp IV A theo Todani.

Đây là trường hợp bệnh nhi nặng với bệnh lý nang ống mật chủ bẩm sinh nhưng khi vào viện đã có biến chứng nhiễm trùng đường mật kèm theo các rối loạn về chức năng gan như tăng men gan, rối loạn đông máu. Vấn đề đặt ra cho bác sĩ lâm sàng của khoa Ngoại nhi là điều trị như thế nào để cải thiện được tình trạng đông máu của bệnh nhi và thực hiện can thiệp vào thời điểm nào là hợp lý.

Gian nan cứu trẻ sinh cực non tháng 'bé tẹo như cái kẹo' - Ảnh 3.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi.

ThS.BS. Nguyễn Đức Lân – Trưởng khoa Ngoại nhi tổng hợp cho biết: Trước đây, Khoa cũng đã tiếp nhận và điều trị cho nhiều trường hợp bệnh nhi có nang ống mật chủ, nhưng rất may mắn, đó đều là những trường hợp được phát hiện bệnh sớm (có thể được phát hiện trước sinh hoặc ngay sau khi trẻ xuất hiện dấu hiệu đau bụng).

Tuy nhiên, với trường hợp của bé P., bé được đưa đến bệnh viện khi bệnh đã tiến triển nặng và đã xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm kèm theo nên vấn đề can thiệp, phẫu thuật tương đối khó khăn. Do đó, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn, xin ý kiến tư vấn của các chuyên gia đầu ngành tại Bệnh viện đại học y Hà Nội.

“Sau buổi hội chẩn trực tuyến, được lắng nghe những tư vấn, góp ý của các thầy cô giáo, các chuyên gia của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chúng tôi đã có hướng điều trị cụ thể cho bệnh nhi. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ thực hiện làm các xét nghiệm đông máu cho bệnh nhi đồng thời truyền máu, truyền huyết tương tươi để cải thiện tình trạng này; trong 2-3 ngày tới, sau khi có đầy đủ các kết quả xét nghiệm và điều trị thích hợp, chúng tôi có thể thực hiện phẫu thuật cho bé” - BS. Lân cho biết thêm.

Hội chẩn trực tuyến, kết nối từ xa: Xóa nhòa khoảng cách trong điều trị bệnh nhân nặng.

Trong bối cảnh mô hình bệnh tật ở các tuyến cơ sở đang chuyển biến rất phức tạp, đặc biệt là tình hình dịch COVID-19 diễn biến căng thẳng, hội chẩn trực tuyến từ xa được coi là một giải pháp an toàn, nhanh chóng và mang lại hiệu quả cao, giúp cho người bệnh được kịp thời phẫu thuật, điều trị mà không cần phải chuyển tuyến. Đồng thời cũng mang lại hiệu quả lớn trong công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ nhân viên y tế tuyến cơ sở.


Hà Nguyệt
Ý kiến của bạn