Dịp cuối năm, khi Tết Nguyên đán đang cận kề, rượu ngoại luôn được tiêu thụ mạnh nhất... Nắm bắt được nhu cầu này, các đối tượng sản xuất rượu giả tăng cường lũng đoạn thị trường nhằm thu lợi bất chính. Có thể nhận thấy, người tiêu dùng khó phân biệt được đâu là rượu thật, rượu giả. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cũng phải căng mình chống nạn buôn bán rượu kém chất lượng. Và cùng với đó là số ca ngộ độc, tử vong vì rượu giả có chiều hướng gia tăng...

Nhiều mặt hàng rượu lậu đã bị các lực lượng chức năng thu giữ.
Phát hiện xử phạt hàng tỷ đồng
Trong thời gian qua, nhiều vụ mua bán, sản xuất rượu giả đã được các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên, việc sản xuất, kinh doanh rượu giả vẫn diễn biến phức tạp, nhất là thời điểm cận kề Tết. Mới đây, khi kiểm tra Công ty TNHH nước giải khát Anh Tú ở ngõ 155 Cầu Giấy, quận Cầu Giấy (Hà Nội), Quản lý Thị trường Hà Nội và Đội Cảnh sát môi trường Công an quận Cầu Giấy đã tạm giữ 6.665 chai rượu các loại. Lý do công ty này bị lực lượng chức năng thu giữ sản phẩm là vì đã tự sản xuất, buôn bán khối lượng lớn rượu ra thị trường khi không có giấy phép sản xuất. Trong đó, chủ yếu là các loại rượu bình dân như: rượu nếp, rượu vang nổ, rượu lúa nếp Vodka, rượu nếp Hà Nội, rượu vang các loại...
Cũng liên quan đến buôn lậu rượu giả, nhiều vụ sản xuất kinh doanh rượu giả đã bị các lực lượng chức năng phát hiện. Mới đây nhất, ngày 15/1, lực lượng Hải đoàn Biên phòng 38 phát hiện, tạm giữ 167 thùng rượu ngoại mang các nhãn hiệu đắt tiền như Chivas, Ballantine’s... Được biết, số hàng này bị bắt khi vừa được chuyển xuống từ một tàu Trung Quốc.
Theo số liệu báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, năm 2014 lượng rượu ngoại rởm và rượu nội bị bắt, buộc phải tiêu hủy là rất lớn. Chỉ trong tháng 12/2014, lực lượng chức năng bắt gần 2.000 chai rượu ngoại mang thương hiệu Chivas, Ballantine’s, Jose Cueruo, I Rish Whiskey... trị giá hàng tỷ đồng. Các lực lượng chức năng cả nước cùng Ban Chỉ đạo 389 đã liên tiếp phát hiện, bắt giữ hàng nghìn chai rượu ngoại nhập lậu, hàng có dấu hiệu làm giả. Đa số hàng bị bắt đều đang trên đường vận chuyển đi tiêu thụ có giá trị lên tới hàng tỷ đồng.
Ai bảo vệ người tiêu dùng?
Theo khảo sát của PV, có quá nhiều các sản phẩm rượu ngoại, đa dạng chủng loại nhãn mác, khiến người tiêu dùng khó có thể phát hiện ra đâu là rượu thật, đâu là rượu giả. Các thương hiệu càng nổi tiếng, càng đắt tiền, càng bị làm giả, bên cạnh đó lợi nhuận lại rất cao - đó là chia sẻ của anh Triệu Đức M - một chủ cửa hàng kinh doanh rượu ngoại (Long Biên - Hà Nội). Theo anh M., chỉ tính riêng mặt hàng tiêu thụ mạnh như rượu Chivas 18 có giá tùy khách hàng, dao động từ 1,1 - 1,3 triệu đồng/chai, nhưng nhập vào chỉ từ 500 - 800 nghìn đồng/chai.
Đại diện lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, ông Nguyễn Đắc Lộc cho biết, càng về cuối năm, đặc biệt dịp Tết Nguyên đán, các đối tượng sản xuất và kinh doanh tăng cường hoạt động. Theo đó, là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389, đơn vị đã có kế hoạch chỉ đạo các lực lượng của ngành phối hợp cùng với các đơn vị có liên quan tiến hành quyết liệt các biện pháp ngăn chặn, truy quét hàng lậu, hàng giả, trong đó có rượu. Bên cạnh đó, các mặt hàng tiêu dùng sẽ được thắt chặt giám sát, quản lý chất lượng, góp phần để người tiêu dùng sử dụng hàng hóa đảm bảo an toàn chất lượng.
Trao đổi với PV, TS. Phạm Duệ - Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai khuyến cáo, số ca ngộ độc rượu dẫn đến chết người phần nhiều đều do rượu giả, nhất là càng vào dịp giáp Tết và sau Tết, số ca cấp cứu do ngộ độc rượu tại Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai có chiều hướng gia tăng. Người tiêu dùng phải thận trọng khi sử dụng rượu. Bởi nếu uống phải rượu giả, rượu kém chất lượng sẽ dẫn đến nhiều triệu chứng nguy hiểm, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Kể cả là rượu thật hay rượu nấu cũng không nên uống nhiều.
Lâm Viên