Gian nan cuộc chiến chống hàng lậu, hàng giả

19-07-2017 15:46 | Pháp luật

SKĐS - Trong 6 tháng đầu năm 2017, Ban Chỉ đạo Phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TP. Hà Nội (BCĐ 389 Hà Nội) đã xử lý hơn 12 nghìn vụ vi phạm về buôn lậu...

Trong 6 tháng đầu năm 2017, Ban Chỉ đạo Phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TP. Hà Nội (BCĐ 389 Hà Nội) đã xử lý hơn 12 nghìn vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đặc biệt, các đối tượng với nhiều thủ đoạn mới, thay đổi tinh vi đã tìm mọi cách nhập lậu những mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao để cung cấp ra thị trường, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sức khỏe của người tiêu dùng.

Buôn lậu với thủ đoạn mới cùng phương thức hoạt động tinh vi

Theo ông Chu Xuân Kiên - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ 389 Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2017, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tiếp tục diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn mới và phương thức hoạt động ngày càng tinh vi. Nhằm trốn tránh kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng, đối tượng thường tập trung hàng lậu tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên... rồi chia nhỏ chuyển vào Hà Nội tiêu thụ, hoặc đưa về các tỉnh, thành phố. Lợi dụng tâm lý thích hàng ngoại của một bộ phận người tiêu dùng, các ổ nhóm buôn lậu lén lút vận chuyển các mặt hàng ế thừa, cận hạn hoặc hết hạn như bánh kẹo, củ quả, gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm... do nước ngoài sản xuất vào Việt Nam tiêu thụ.Lực lượng liên ngành Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội phát hiện rượu ngoại không rõ nguồn gốc.

Lực lượng liên ngành Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội phát hiện rượu ngoại không rõ nguồn gốc.

Ngoài ra, do quy định thủ tục xuất - nhập khẩu hàng hóa thông thoáng, nên trong quá trình kê khai hải quan, đối tượng buôn lậu thường kê không đúng số lượng, chủng loại, mã hàng hóa... Thông tin về tình trạng này, Thiếu tướng Đinh Văn Toản, Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội cho biết, một số đối tượng đã đặt sản xuất hàng giả mang thương hiệu Việt Nam hoặc nước ngoài tại Trung Quốc, sau đó nhập lậu về Việt Nam tiêu thụ. Đặc biệt phải kể đến trường hợp thuốc chống ung thư do Cuba sản xuất. Thuốc có giá rất cao và có nhu cầu tiêu thụ lớn nên các đối tượng đã đặt sản xuất tại Trung Quốc, sau đó dán nhãn mác Cuba để tiêu thụ.

Máy móc, thiết bị đã qua sử dụng từ Nhật Bản cũng được nhập lậu vào Việt Nam với số lượng tương đối lớn, trị giá lên tới hàng trăm triệu USD. Gần đây nhất, Công an Hà Nội đã kiểm tra, phát hiện 6 container máy móc đã qua sử dụng được nhập lậu vào Việt Nam. Đáng chú ý, qua đấu tranh, Công an thành phố phát hiện trước đó có hàng trăm container máy móc khác đã được nhập vào nước ta. Theo Thiếu tướng Đinh Văn Toản, các đối tượng buôn lậu lợi dụng kẽ hở của Thông tư 23/2015/TT-BKHCN ngày 13-11-2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ, quy định về nhập khẩu máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng để “nâng đời” cho máy móc cũ, hết hạn sử dụng vào Việt Nam. Đặc biệt, Công an thành phố còn phát hiện tình trạng cán bộ chống buôn lậu tiếp tay cho hoạt động này.

Ngoài ra, tình trạng nhập khí N2O để sản xuất bóng cười cũng diễn biến phức tạp do thiếu chế tài xử lý hành vi buôn bán, sử dụng khí N2O sai mục đích. “Loại khí này rất nguy hại, mỗi quán cà phê 1 buổi tối bán được 1kg khí này có thể chiết xuất được từ 50-100 quả bóng cười, thu lãi 6-7 triệu đồng, trong khi bỏ vốn chỉ 300-500 nghìn đồng” - Thiếu tướng Đinh Văn Toản nhấn mạnh.

Sẵn sàng thay thế người đứng đầu nếu để xảy ra buôn lậu nghiêm trọng, kéo dài

Có thể thấy rằng, tình trạng buôn lậu, hàng giả tiếp tục diễn biến phức tạp do hệ thống văn bản pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn thiếu đồng bộ, chồng chéo, chế tài không rõ ràng nên khó áp dụng trong quá trình phát hiện, bắt giữ, điều tra và xử lý... Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu về giá cả, mẫu mã; một số đối tượng manh động, khi bị bắt giữ thường có hành vi chống đối hoặc chống trả quyết liệt gây khó khăn, nguy hiểm cho các lực lượng chức năng. Các đối tượng thường xuyên hoạt động liên tuyến, liên tỉnh, trong khi việc phân công quản lý theo địa bàn, việc phối hợp còn hạn chế nên có trường hợp bị lộ thông tin.

Để công tác đấu tranh chống buôn lậu đạt được hiệu quả cao, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Trưởng ban BCĐ 389 Hà Nội - Lê Hồng Sơn cho biết, từ nay đến cuối năm 2017, đặc biệt là những dịp Tết Nguyên đán 2018, các lực lượng chức năng BCĐ 389 Hà Nội tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh, vận chuyển, giết mổ gia cầm, hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, thuốc lá, thức ăn đường phố... Dự báo, theo dõi sát diễn biến thị trường, hàng hóa giá cả, nắm chắc cung cầu hàng hóa đối với các mặt hàng thiết yếu; điều tra cơ bản lĩnh vực, địa bàn quản lý, phụ trách. Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn yêu cầu, các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp đồng bộ trong công tác đấu tranh, chống buôn lậu; chủ động cung cấp thông tin, đề xuất kiểm tra theo lĩnh vực, ngành mình quản lý và cơ quan chủ trì, có sự tham gia phối hợp với các cơ quan chức năng khác. Cần xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phát triển. Sẵn sàng điều chuyển, kiến nghị thay thế người đứng đầu các cơ quan, đơn vị nếu để xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả kéo dài, nghiêm trọng hay có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, các lực lượng chức năng của BCĐ 389 Hà Nội đã thanh, kiểm tra 19.057 vụ, xử lý 12.162 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, tăng 1.033 vụ so với cùng kỳ năm ngoái; đã khởi tố hình sự 42 vụ đối với 48 bị can. Tổng thu nộp ngân sách 1.569,577 tỷ đồng, tăng 172,53 tỷ đồng so với cùng kỳ.


T. Hiền
Ý kiến của bạn