Chỉ trong quý I năm 2014, hàng loạt vụ mì chính và nguyên liệu bột nêm bị cơ quan chức năng niêm phong và giám định là hàng giả. Qua điều tra đưa ra một phương thức và thủ đoạn các đối tượng thường sử dụng là thêm nhiều hóa chất rẻ tiền bị cấm vào mì chính rồi tìm cách trà trộn, mượn danh mì chính thật bán ra thị trường. Bằng cách này, mì chính giả khiến ngay cả các lực lượng quản lý chuyên trách cũng khó nhận ra.
Thật giả lẫn lộn!?
Mới đây, lực lượng Công an (CA) Hải Phòng bất ngờ tập kích ngôi nhà của Nguyễn Văn Máng (51 tuổi, ở Vĩnh An, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng), khám xét nhà, lực lượng CA thu giữ 1,4 tấn mì chính thành phẩm giả đã được đóng gói, 2,8 tấn mì chính giả chưa đóng gói, 30kg vỏ bao mì chính mang một nhãn hiệu nổi tiếng và một máy ép nhiệt cùng một số dụng cụ, phương tiện để đóng gói mì chính giả... Lực lượng CA đã tịch thu toàn bộ số mì chính giả kể trên và tạm giữ Nguyễn Văn Máng để điều tra, làm rõ sự việc. Đây là một trong hàng chục vụ làm mì chính giả bị cơ quan chức năng phát hiện và công bố trong những tháng đầu năm.
Trước đó, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản ký kinh tế và chức vụ (PC 46, CA Quảng Nam) phối hợp với Đội Quản lý Thị trường số 1 tiến hành kiểm tra hoạt động kinh doanh sản phẩm mì chính A-One tại hiệu buôn Hồng Sang (đường Phan Đình Phùng, TP. Tam Kỳ, Quảng Nam) do bà Phan Thị Bích Hồng làm chủ cơ sở. Lực lượng chức năng phát hiện 363kg mì chính nhãn hiệu A-One có dấu hiệu bị làm giả gồm 750 gói loại 453,6g và 258 gói loại 100g.
Lực lượng quản lý thị trường đang hướng dẫn người tiêu dùng cách nhận biết hàng thật, hàng giả.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của việc buôn bán, làm giả các nhãn hiệu mì chính nổi tiếng, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đã có văn bản gửi các Cục Hải quan địa phương cảnh báo hiện tượng một số lô hàng mì chính giả mạo các thương hiệu nổi tiếng nhập lậu vào Việt Nam.
Như vậy có thể khẳng định, hàng ngày có một lượng mì chính và các sản phẩm gia vị khác không rõ nguồn gốc được tiêu thụ tại các quán ăn, nhà hàng và thậm chí cả ở bữa cơm gia đình, người tiêu dùng có thể đứng trước nguy cơ dùng hàng không đảm bảo chất lượng.
Theo ghi nhận mới nhất của phóng viên từ một chủ quán phở trên phố Hàm Tử Quan, Hà Nội thì mỗi tháng hiệu phở này tiêu thụ trên 50kg bột nêm các loại, trong đó bột ngọt chiếm non nửa. Và để giảm chi phí, phần lớn các chủ quán phở, quán ăn đều mua những loại bột ngọt, mì chính được các đầu nậu đóng sẵn trong các túi lớn (từ 10 - 20kg) với giá dao động từ 15.000 - 20.000đồng/kg. Cũng từ khảo sát tại một số đầu nậu chuyên buôn bán bột ngọt, mì chính tại chợ đầu mối Đồng Xuân cho thấy, những bao mì chính thường được các chủ sạp hàng kèm lẫn trong đống hàng gia vị, được đóng túi nilon 0,5 - 1kg, trên bao bì có nguệch ngoạc dòng chữ mì chính Trung Quốc, Malaysia, Singapore... Mặt hàng này được bán giá rẻ chỉ bằng một nửa so với sản phẩm chính hãng, có thương hiệu. Theo các chủ hàng ở đây thì người mua nhiều thường là dân buôn đánh về các tỉnh, mỗi lần mua thường cả bao to. Còn ở Hà Nội chủ yếu là các quầy bán lẻ tại các chợ, họ chỉ mua 3 - 5kg, về đóng thành gói nhỏ, bán với giá 1.000 - 2.000 đồng/gói. Nhưng tiêu thụ nhiều nhất là các hàng chế biến đồ ăn sẵn hay nhà hàng.
Mới chỉ dừng ở cảnh báo!
Điều đáng nói là hiện vẫn chưa có một nghiên cứu nghiêm túc nào về tác hại của mì chính giả đến sức khỏe cộng đồng để cảnh báo. Còn bản thân các hãng sản xuất mì chính cũng chưa lên tiếng đấu tranh với hàng giả, có thể do lo ngại sự quay lưng của người tiêu dùng khi thật giả lẫn lộn.
Theo quy định về mặt hàng nhập khẩu thì các sản phẩm nhập từ nước ngoài phải có hồ sơ công bố của bên nước xuất hàng, khi về Việt Nam các cơ quan có chức năng sẽ kiểm định lại về chất lượng cũng như tính an toàn của sản phẩm thì mới được lưu hành. Ngoài ra, hàng hóa nhập khẩu mà không có nhãn phụ bằng tiếng Việt là vi phạm Nghị định 178 và như thế chủ hàng sẽ bị phạt 1 triệu đồng, hộ kinh doanh không chứng minh được nguồn gốc sản phẩm cũng sẽ bị phạt tiền tương ứng theo giá trị lô hàng, tối đa là 20 triệu đồng. Song, Theo Cục Điều tra chống buôn lậu, qua nghiên cứu và thu thập thông tin, một số lô hàng mì chính có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan xuất sang Việt Nam theo đường nhập lậu không chính ngạch để trốn thuế. Những sản phẩm này không được đăng ký chất lượng, kiểm định, nguồn gốc xuất xứ và thậm chí còn giả thương hiệu phổ biến trên thị trường.
Theo bà Nguyễn Thị Thúy - Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng, có một số điểm để nhận biết được hàng thật và hàng giả: Về quy cách đóng gói: Hàng thật thì các đường hàn ở túi đựng các cạnh phẳng, đều nhau và không nổi bọt; mặt sau dưới đáy bao có in nổi ngày tháng sản xuất, rất rõ nét (6 số). Hàng giả có đường hàn ở 4 cạnh không đều nhau, đục và có nổi bọt; không in hoặc có in ngày tháng sản xuất nhưng không rõ nét, khó đọc. Cánh mì chính to, sóng đều, không gãy là hàng thật. Cánh không đều, gãy, có nhiều bụi trắng là hàng giả. Trọng lượng: Đối với hàng thật có trọng lượng tịnh luôn đúng với trọng lượng ghi trên bao bì. Nếu trọng lượng tịnh ít hơn hoặc tương đương với trọng lượng ghi trên bao bì là mì chính giả. Quan trọng là người tiêu dùng cần cẩn thận với các sản phẩm đại hạ giá. Nếu sản phẩm quá rẻ thì nhiều khả năng đó là hàng giả. Bởi đối tượng làm giả không phải mất chi phí cho nghiên cứu, phát triển, quảng bá và kiểm định chất lượng sản phẩm. Để làm giả, họ còn sử dụng những nguyên liệu và phương thức sản xuất tiết kiệm nhất nhưng bán sản phẩm với mức giá rẻ có một không hai.