Xoay xở đủ bề để vượt khó
Quyết tâm củng cố tinh thần, xoa dịu nỗi đau của các đối tượng, nhân viên tại Trung tâm bảo trợ Khánh Hòa phải làm việc 24/24 giờ, làm cả thứ Bảy, Chủ nhật và ngày lễ, Tết. Trung bình, nỗi nhân viên phải chăm sóc chu đáo cho trên 10 đối tượng. Việc cán bộ, nhân viên đón xuân tại Trung tâm cùng các đối tượng trở thành việc làm quen thuộc.
Hầu hết những đối tượng là trẻ em lang thang, trẻ khuyết tật, người tâm thần, người già neo đơn khi đưa về sức khỏe suy kiệt. Có người còn nhúm da bọc xương. Trong khi mức chi tiền ăn hàng tháng cho các nhóm đối tượng này đã có khung quy định của Nhà nước (mức cao nhất là 1,3 triệu đồng/tháng).
TS. Chu Văn Công, Giám đốc trung tâm cùng nhiều nhân viên phải đôn đáo vận động khắp nơi để bổ sung thêm nguồn dinh dưỡng trong bữa ăn cho các đối tượng. Cùng với đó, tranh thủ tối đa, trung tâm còn thường xuyên liên hệ với các đoàn cán bộ y tế đến thăm khám, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho đối tượng ở Trung tâm.
Thăm hỏi các đối tượng tại Trung tâm.
Để tăng thêm niềm vui và lòng tin yêu cuộc sống, các dịp lễ hay cuối tuần, Trung tâm đều tổ chức các buổi sinh hoạt văn nghệ. Những ca khúc được lựa chọn đều tập trung nói về tinh thần vượt qua những nghịch cảnh, quyết không gục ngã. Vất vả nhất đối với Trung tâm là mỗi khi có nhiều đối tượng ngã bệnh, có người không tự vệ sinh cá nhân được.
Dù mỗi nhân viên đã làm việc với công suất gấp 2 lần bình thường nhưng nhu cầu được chăm sóc sức khỏe vẫn quá tải nên Trung tâm phải thuê thêm người chăm sóc đối tượng khi nhập viện. Nhiều trường hợp mắc bệnh nặng như; Lao phổi, hen phế quản… phải nằm điều trị 20-30 ngày mới có thể ổn định sức khỏe.
Dù thiếu nhân lực, các đối tượng vẫn luôn được chăm sóc tốt nhất.
Gắn bó bằng lòng nhân ái
Hiện tại Trung tâm bảo trợ xã hội Khánh Hòa, chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, giáo dục 258 đối tượng. Nếu đối chiếu theo Thông tư 33 ngày 29-12-2017 của Bộ LĐ-TB-XH thì phải có 153 cán bộ, nhân viên mới có thể chăm sóc chu đáo được cho các đối tượng. Vậy nhưng hiện nay, tổng cộng cán bộ, nhân viên ở trung tâm mới gần 70 người.
Nhiều nhân viên tại Trung tâm cho biết; Tình thương vô bờ bến dành cho các đối tượng cũng góp phần xóa bớt nhọc nhằn. Đó cũng là động lực đế họ gắn bó với nghề.
Cán bộ y tế hỗ trợ chăm sóc đối tượng ở Trung tâm.
Nhẻ trẻ em thiệt thòi ở Trung tâm chung dòng tâm sự rằng, đã mồ côi, lại bị khuyết tật nặng nữa coi như cuộc đời đã chấm hết. Thế mà khi vào Trung tâm các em được thương yêu, chăm sóc, được học hành, được thường xuyên ca hát, cuộc sống như được lật sang một trang mới. Vào Trung tâm các em như được sống trong một gia đình lớn.
Đối với người già neo đơn, nhiều người đã thốt lên ở bên ngoài chưa có một ngày được sống hạnh phúc như trong Trung tâm. Ở Trung tâm, các nhân viên cũng hết sức tâm lý, những đối tượng nào quý mến nhau, Trung tâm liền sắp xếp cho gặp gỡ, chia sẻ những câu chuyện, nỗi niềm cuộc sống.
Nhìn nhận về những vất vả của Trung tâm bảo trợ xã hội Khánh Hòa, ông Võ Bình Tân, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Khánh Hòa cho biết, đúng là quá thiếu nhân lực đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chăm sóc, phục hồi sức khỏe cho các đối tượng. Sở LĐ-TB&XH cũng đã có nhiều đề xuất tăng nhân lực cho Trung tâm. Trong năm 2019 này sẽ được hợp đồng thêm một số người để chăm sóc sức khỏe cho người yếu thế. Tinh thần tận tụy của các cán bộ, nhân viên của Trung tâm là rất đáng trân trọng, mong được sự chia sẻ thêm của cộng đồng.