Theo ThS.BS Phạm Đăng Bảng (nguyên bác sĩ tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, nguyên giảng viên Bộ môn Da liễu – Trường Đại học Y Hà Nội), mao mạch chính là các mạch máu có kích thước nhỏ nhất, có ở mọi bộ phận trong cơ thể. Chúng làm nhiệm vụ nuôi dưỡng dưới da, làm cho da của chúng ta trở nên hồng hào. Do kích thước quá nhỏ nên thông thường, chúng ta không thể nhìn được mao mạch da bằng mắt thường.
Giãn mao mạch là tình trạng các mạch máu nhỏ (mao mạch) dưới da bị giãn nở làm xuất hiện các vết đỏ, xanh hoặc tím dưới da, gây mất thẩm mỹ, đặc biệt là khi xuất hiện ở mặt. Các vết giãn mao mạch có thể trông giống như các vết chàm, vết tĩnh mạch nổi, gây cảm giác làn da không đều màu và không tươi sáng.
1. Nguyên nhân gây giãn mao mạch
GIãn mao mạch là một vấn đề phổ biến, đặc biệt ở vùng mặt, chân hoặc những khu vực có tác động mạnh từ môi trường hoặc cơ thể. Tình trạng này khiến người bệnh cảm thấy mất tự tin, đặc biệt là trong các tình huống giao tiếp hay khi xuất hiện trước đám đông.
Đôi khi, giãn mao mạch báo hiệu các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, là dấu hiệu sớm của các vấn đề liên quan đến tuần hoàn máu và tĩnh mạch, ví dụ bệnh lý tĩnh mạch mạn tính hoặc suy yếu thành mạch máu.
Theo BS. Phạm Đăng Bảng, một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng giãn mao mạch có thể kể đến như sau:
- Yếu tố di truyền: Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng giãn mao mạch. Người có tiền sử gia đình mắc giãn mao mạch thường có nguy cơ cao hơn mắc phải tình trạng này. Bởi di truyền có thể ảnh hưởng đến cấu trúc, độ bền của thành mạch máu hoặc khả năng hoạt động của van tĩnh mạch, khiến chúng dễ bị suy yếu hơn. Điều này làm tăng khả năng phát triển các triệu chứng giãn mao mạch hoặc giãn tĩnh mạch.
- Ánh nắng mặt trời: Tia cực tím trong ánh nắng mặt trời cũng là một trong những nguyên nhân làm cho thành mạch bị yếu và giãn rộng. Ngoài ra, thường xuyên tiếp xúc dưới ánh nắng mặt trời còn làm cho da bị lão hóa, dẫn đến hiện tượng giãn mao mạch càng trầm trọng hơn.
- Yếu tố nội tiết: Tình trạng giãn mao mạch có thể trở nên nặng hơn ở các giai đoạn như dậy thì, mang thai, hoặc mãn kinh. Nguyên nhân chủ yếu là do sự thay đổi hormone trong cơ thể ảnh hưởng đến mạch máu.
Trong giai đoạn dậy thì, sự gia tăng hormone estrogen và progesterone có thể làm giãn các thành mạch máu, giảm khả năng co bóp của chúng. Điều này khiến mao mạch dễ bị giãn nở và nổi rõ hơn.
Khi mang thai, tử cung lớn dần gây áp lực lên tĩnh mạch vùng chậu, cản trở lưu thông máu từ chân về tim, dẫn đến giãn tĩnh mạch và mao mạch.
Đối với thời kỳ mãn kinh, lượng estrogen giảm đột ngột có thể làm suy yếu cấu trúc và chức năng của mạch máu. Cùng với đó, tuổi tác làm giảm độ đàn hồi của mạch máu và khả năng hoạt động của các van tĩnh mạch.
- Lạm dụng corticoid (một loại hormone được sử dụng trong y tế) cũng có thể gây giãn mao mạch. Điều này xảy ra do corticoid có tác động phụ lên các mạch máu và mô liên kết, ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng của chúng.Lạm dụng corticoid hay gặp ở những người dùng kem trộn hoặc các loại mỹ phẩm không chính hãng.
2. Cải thiện tình trạng giãn mao mạch có khó không?
Khắc phục giãn mao mạch đòi hỏi sự kết hợp giữa thay đổi lối sống, áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà và các phương pháp điều trị y tế hiện đại.
Ngay tại nhà, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp đơn giản bằng cách thay đổi lối sống và tăng cường vận động. Đi bộ, yoga, bơi lội, hoặc đạp xe là các bài tập tốt để cải thiện lưu thông máu.
Tránh đứng hoặc ngồi lâu, hãy thay đổi tư thế sau mỗi 30-60 phút. Khi nghỉ ngơi, nâng chân cao hơn mức tim để giảm áp lực lên tĩnh mạch và hỗ trợ tuần hoàn máu. Hạn chế nhiệt độ cao, tránh xông hơi, tắm nước nóng hoặc tiếp xúc ánh nắng mạnh vì nhiệt độ cao có thể làm tình trạng giãn mao mạch trở nên nghiêm trọng hơn.
Sử dụng kem chống nắng thường xuyên để bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV, tránh tổn thương mạch máu, đặc biệt ở vùng mặt. Massage từ dưới lên trên giúp kích thích lưu thông máu và giảm sự ứ đọng. Sử dụng vớ y khoa cũng là một trong những cách giúp giảm áp lực lên các mao mạc, hỗ trợ tuần hoàn, đặc biệt đối với người phải đứng/ngồi nhiều.
Chế độ dinh dưỡng cũng đóng vai trò quan trọng. Người bệnh nên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C và bioflavonoid như cam, chanh, dâu tây, ớt chuông để tăng cường độ bền của mạch máu. Thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên cám, rau xanh, trái cây giúp ngăn ngừa táo bón, giảm áp lực lên tĩnh mạch. Các thực phẩm giàu omega-3 (cá hồi, cá thu, hạt chia) giúp cải thiện tuần hoàn máu.
Nếu các biện pháp tại nhà không đủ hiệu quả hoặc tình trạng giãn mao mạch ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống, bạn có thể cân nhắc liệu pháp laser hoặc ánh sáng cường độ cao giúp loại bỏ mao mạch giãn nhỏ, cải thiện sắc tố da.
Việc khắc phục giãn mao mạch cần kiên trì và tuân thủ theo hướng dẫn từ bác sĩ. Nếu tình trạng không cải thiện hoặc trở nên nghiêm trọng hơn, hãy tìm đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời.