Hà Nội

Giàn khoan Trung Quốc nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam

06-05-2014 23:26 | Quốc tế
google news

SKĐS - Ngày 2/5/2014, Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã đưa giàn khoan Hải Dương 981 (HD-981) vào định vị khoan tại vị trí có tọa độ 15029’ vĩ Bắc, 111012’ kinh Đông, cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý...

Ngày 2/5/2014, Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã đưa giàn khoan Hải Dương 981 (HD-981) vào định vị khoan tại vị trí có tọa độ 15029’ vĩ Bắc, 111012’ kinh Đông, cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Việc làm này của Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc đã xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Ngày 4/5/2014, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có thư gửi Chủ tịch và Tổng Giám đốc của Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc cực lực phản đối hành động này và kiên quyết yêu cầu Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc dừng ngay lập tức các hoạt động bất hợp pháp và rút giàn khoan HD-981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Giàn khoan HD - 981 hoạt động bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.

Giàn khoan HD - 981 hoạt động bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.

Trả lời báo chí về hành động nói trên của Trung Quốc, ngày 4/5/2014, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hải Bình khẳng định, vị trí tọa độ hoạt động của giàn khoan dầu Trung Quốc “nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý”. Ông Lê Hải Bình tuyên bố: “Mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển của Việt Nam khi chưa được phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị, Việt Nam kiên quyết phản đối”. Ông Lê Hải Bình một lần nữa khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình được xác định phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982”.

Giàn khoan 981 là giàn khoan dạng nửa chìm, có thể hoạt động ở độ sâu tối đa 3.000m, độ sâu giếng khoan tối đa 12.000m.Giàn khoan này dài 114m, rộng 90m, gồm năm tầng cao 136m và có trọng tải tịnh hơn 30.000 tấn. Đây là giàn khoan siêu sâu đầu tiên do Trung Quốc tự sản xuất. Lý do mà Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam vì Bắc Kinh cho rằng vùng biển mà Việt Nam khai thác dầu nằm trong đường chín đoạn sai trái của Trung Quốc. Đường chín đoạn còn gọi là đường lưỡi bò bao trọn bốn nhóm quần đảo, bãi ngầm lớn trên biển Đông là quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, quần đảo Đông Sa và bãi Macclesfield với khoảng gần 80% đè lên diện tích hợp pháp đặc quyền kinh tế của các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia. Đây là vị trí nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách đảo Lý Sơn chừng 119 hải lý (221km), thuộc lô 143 trên bản đồ dầu khí của Việt Nam. Vị trí mà Trung Quốc đặt giàn khoan cũng cách bãi ngầm, hay còn gọi là đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa, chủ quyền Việt Nam. Trung Quốc còn ngang nhiên thông báo trên website của Cục Hải sự Trung Quốc nói trong thời gian hơn ba tháng từ ngày 2/5 đến ngày 15/8, giàn khoan Hải Dương 981 của Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) sẽ hoạt động tại tọa độ 15 độ 29’ N/111 độ 12’E.

Trong Luật Biển quốc tế, vùng đặc quyền kinh tế (tiếng Anh: Exclusive Economic Zone - EEZ; tiếng Pháp: zone économique exclusive- ZEE) là vùng biển mở rộng từ các quốc gia ven biển hay quốc gia quần đảo, nằm bên ngoài và tiếp giáp với lãnh hải. Nó được đặt dưới chế độ pháp lý riêng được quy định trong phần V - Vùng đặc quyền kinh tế của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, trong đó các quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển (hay quốc gia quần đảo), các quyền cũng như các quyền tự do của các quốc gia khác đều được điều chỉnh bởi các quy định thích hợp của Công ước này. Vùng biển này có chiều rộng 200 hải lý (khoảng 370,4km) tính từ đường cơ sở, ngoại trừ những chỗ mà các điểm tạo ra đó gần với các quốc gia khác. Trong khu vực đặc quyền kinh tế, quốc gia có đặc quyền khai thác và sử dụng các tài nguyên biển. Nó là một trong các vùng mà quốc gia có quyền chủ quyền. Khái niệm này của các quốc gia được phân chia vùng đặc quyền kinh tế đã cho phép kiểm soát tốt hơn các vấn đề trên biển (nằm ngoài giới hạn lãnh thổ mà quốc gia có đầy đủ chủ quyền) đã thu được sự chấp thuận của đa số quốc gia vào cuối thế kỷ 20 và đã được gắn với sự thừa nhận quốc tế theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển thứ ba năm 1982.

BQT (tổng hợp)

 


Ý kiến của bạn