Hà Nội

Giàn khoan khổng lồ và bước đi sai lầm của Trung Quốc trên Biển Đông

08-05-2014 09:51 | Quốc tế
google news

SKĐS - Trung Quốc đã nhầm. Biển Đông không phải là Crimea. Trung Quốc không giống như Nga. Và châu Á-Thái Bình Dương có nhiều đặc điểm khác với Đông Âu.

SKĐS - Trung Quốc đã nhầm. Biển Đông không phải là Crimea. Trung Quốc không giống như Nga. Và châu Á-Thái Bình Dương có nhiều đặc điểm khác với Đông Âu.

 

Theo trang mạng Foreign Policy, Trung Quốc đã tính toán rất kỹ thời điểm cũng như vị trí dựng giàn khoan khổng lồ trị giá hàng tỷ USD mang tên “HD 981” ở Biển Đông. Về vị trí, giàn khoan này được đặt ngay trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, một nước mà Trung Quốc cho rằng có thể dễ dàng “bắt nạt”. Còn về thời điểm, giàn khoan được dựng lên ngay sau chuyến thăm gây chú ý của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến 4 nước châu Á, chia đều cho hai khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Trong 4 nước ông Obama đến thăm có 3 nước là đồng minh thân cận của Mỹ là Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines.

Vì vậy, theo Foreign Policy và nhiều nhà phân tích chiến lược, lý do Trung Quốc quyết định lắp đặt HD 981 vào thời điểm này là nhằm “nắn gân” Tổng thống Obama, cũng như thử độ phản ứng của Mỹ trước những diễn biến căng thẳng trong khu vực, đặc biệt sau khi nhà lãnh đạo Mỹ vừa liên tiếp đưa ra các cam kết bảo vệ đồng minh trong chuyến thăm châu Á.

Dường như, việc Mỹ tỏ ra bất lực trước “cú đòn giận dữ” của Nga ở Crimea đang khiến Trung Quốc nuôi dưỡng ảo vọng có thể tái lập kịch bản tương tự ở Biển Đông, ít nhất trong thời điểm hiện nay khi cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ của Mỹ đang đến gần và chiến trường Ukraine vẫn đang “ngổn ngang trăm mối”.

Nhưng Trung Quốc đã nhầm. Biển Đông không phải là Crimea. Trung Quốc không giống như Nga. Và châu Á-Thái Bình Dương có nhiều đặc điểm khác với Đông Âu.

Trong phản ứng mới nhất, Washington tuyên bố đang gấp rút điều tra và theo dõi sát hành động của Trung Quốc. Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki quả quyết: “Chúng tôi đang xem xét thận trọng vấn đề. Do lịch sử căng thẳng gần đây ở Biển Đông, quyết định của Trung Quốc vận hành giàn khoan trong vùng biển này là bước đi mang tính khiêu khích và không giúp ích cho việc duy trì hòa bình cũng như ổn định trong khu vực”.

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên việc thăm dò khai thác năng lượng ở Biển Đông gây xung đột giữa Trung Quốc với các nước láng giềng. Tuy nhiên, tính chất và thông điệp của hành động lần này mang ý nghĩa hoàn toàn khác.

Thứ nhất, Trung Quốc quyết tâm đẩy mạnh chiến lược xây dựng các “lãnh địa di động ngoài khơi” để từng bước thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông theo đường lưỡi bò vạch ra trước đó.

Để chuẩn bị cho chiến lược này, ngay từ năm 2012, Trung Quốc đã công bố kế hoạch bán đấu giá quyền khai thác năng lượng tại nhiều vùng biển , gồm cả Biển Đông . Chính phủ Trung Quốc cũng đã mạnh tay “xuống tiền” cho Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) trong dự án tự sản xuất giàn khoan nước sâu nhằm tránh viễn cảnh phải phụ thuộc vào quyết định của các công ty phương Tây. Theo tính toán của Bắc Kinh, mặc dù khoản đầu tư này vô cùng tốn kém nhưng về lâu dài, CNOOC sẽ bớt được nỗi lo bị các đối tác từ chối cung cấp thiết bị khi tiến hành dự án khai thác ở những vùng biển  như đã từng xảy ra trước đây.

Theo ông Holly Morrow, chuyên gia về Biển Đông của Trung tâm Belfer thuộc trường Đại học Harvard, "đây là bằng chứng chứng tỏ Trung Quốc quyết tâm khai thác dầu ".

Thứ hai, Trung Quốc muốn thử phản ứng của chính quyền Tổng thống Barack Obama, người vừa kết thúc chuyến công du châu Á – Thái Bình Dương để tái khẳng định chính sách xoay trục an ninh và cam kết với các đồng minh về việc sẽ ngăn chặn các hành vi ức hiếp trên biển của Bắc Kinh.

Trong suốt chuyến thăm của ông Obama và cả chuyến thăm trước đó của Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel, giới chức Mỹ đã liên tục phát đi các thông điệp mạnh mẽ về việc bảo vệ các đồng minh thân cận trước những mưu đồ bành trướng, bá quyền của Trung Quốc.

Đặc biệt, ông Obama còn ghi dấu ấn là Tổng thống Mỹ đầu tiên tuyên bố sẽ bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Hoa Đông dưới ô hạt an ninh Mỹ - Nhật. Ông cũng đạt được thỏa thuận lịch sử với Philippines về việc sử dụng lại các căn cứ quân sự của quốc gia Đông Nam Á này sau hơn 22 năm rút quân. Tất cả những tuyên bố và hành động này của ông Obama đều được Trung Quốc theo dõi sát.

Vì vậy, chỉ 6 ngày sau khi nhà lãnh đạo Mỹ về nước, Bắc Kinh đã quyết định tung đòn nắn gân. Mặc dù quốc gia mà Trung Quốc chọn gây hấn không phải là Nhật Bản, cũng chẳng phải Philippines, nhưng rõ ràng đây là hành động có hàm ý nghe ngóng phản ứng của Mỹ.

Thứ ba, do có ý đồ thử phản ứng nên Trung Quốc tính toán rất kỹ địa điểm lắp đặt giàn khoan để không tạo ra chiến tranh, nhưng vẫn phục vụ đắc lực cho ý đồ tiếm quyền kiểm soát ở các vùng biển có trữ lượng nhiên liệu lớn. Ông Mike McDevitt, Đô đốc hải quân về hưu và là Trưởng ban nghiên cứu chiến lược thuộc Trung tâm phân tích hải quân Mỹ, nhận định: "Những hành động nhỏ và đơn lẻ sẽ không dẫn tới xung đột song cùng với thời gian, nó sẽ dần làm thay đổi hiện trạng".

Theo ước tính của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ, Biển Đông có trữ lượng khoảng 11 tỷ thùng dầu và 190 nghìn tỷ feet khối khí đốt tự nhiên. Tuy nhiên, CNOOC tin rằng con số này có thể gấp 10 lần.

Cùng chung quan điểm trên, một số nhà phân tích khác cũng cho rằng Bắc Kinh đã rất khôn ngoan khi chọn vị trí đặt giàn khoan tại khu vực cách đảo Lý Sơn của Việt Nam 119 hải lý và cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 18 hải lý về phía Nam. Đây là vùng biển cửa ngõ thương mại quốc tế, là nơi có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt lớn được nhiều nước "đói" năng lượng trong khu vực nhòm ngó. Vì thế, HD 981 sẽ phục vụ đắc lực cho công cuộc tìm kiếm dầu lửa và khí đốt của Trung Quốc, ít nhất xét trên vẻ bề ngoài.

Nhưng theo chuyên gia Morrow từ Đại học Harvard, cho dù trữ lượng năng lượng ở Biển Đông có lớn bao nhiêu thì chủ trương lần này của Bắc Kinh vẫn sẽ là bước đi sai lầm khó tháo gỡ. Chủ trương này sẽ gây ra tranh chấp triền miên, kích động các hành động khiêu khích và chính sách bên miệng hố chiến tranh liên quan đến chủ quyền quốc gia, chứ không đơn thuần là một cuộc tranh giành tài nguyên. “Xét về chính sách đối ngoại, cái giá mà họ (Trung Quốc) sẽ phải trả cho những gì đang làm là quá cao, cho dù lợi ích an ninh năng lượng thu được có là gì đi chăng nữa”, bà Marrow nói.

Cái giá đó, về trước mắt, sẽ là sự suy giảm lòng tin chiến lược, suy giảm uy tín quốc tế và sự tôn trọng của các nước đối với một quốc gia đang trỗi dậy mạnh mẽ như Trung Quốc. Còn về lâu dài, cái giá phải trả sẽ lớn hơn nhiều khi Trung Quốc bị tất cả các nước - dù lớn hay nhỏ, xa hay gần – tìm cách xa lánh và phòng ngừa từ xa để tránh viễn cảnh có ngày sẽ bị Bắc Kinh ức hiếp cho dù đã ký thỏa thuận giải quyết tranh chấp hòa bình.

Việc Trung Quốc cho dựng HD 981 cho dù đã ký với Việt Nam hiệp ước giải quyết tranh chấp ở Biển Đông một cách hòa bình từ năm 2011 là bài học nhãn tiền mà dư luận khu vực và thế giới sẽ không bao giờ quên.

 

 


Ý kiến của bạn