Báo cáo lao toàn cầu năm 2021 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, vào năm 2020, có nhiều người chết vì bệnh lao hơn, với số người được chẩn đoán và điều trị hoặc được cung cấp điều trị dự phòng lao ít hơn nhiều so với năm 2019. Chi tiêu tổng thể cho các dịch vụ lao thiết yếu đều giảm.
Bệnh lao do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra, thường ảnh hưởng đến phổi.
Thách thức đầu tiên là gián đoạn khả năng tiếp cận các dịch vụ lao và giảm các nguồn lực. Ở nhiều quốc gia, nguồn nhân lực, tài chính và các nguồn lực khác dành cho bệnh lao đã được phân bổ lại để ứng phó với COVID-19, hạn chế sự sẵn có của các dịch vụ thiết yếu.
Thứ hai, giãn cách khiến người bệnh khó tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc, điều trị lao hơn.
Các dịch vụ về bệnh lao nằm trong số nhiều dịch vụ khác bị gián đoạn bởi đại dịch COVID-19 vào năm 2020, nhưng tác động lên bệnh lao đặc biệt nghiêm trọng.
Những thách thức đối với việc cung cấp và tiếp cận các dịch vụ lao thiết yếu có nghĩa là nhiều người mắc lao không được chẩn đoán vào năm 2020. Do đó, số người mới được chẩn đoán mắc lao và những người đã mắc lao được báo cáo đã giảm từ 7,1 triệu người năm 2019 xuống còn 5,8 triệu người vào năm 2020.
WHO ước tính rằng khoảng 4,1 triệu người hiện đang mắc bệnh lao nhưng chưa được chẩn đoán mắc bệnh hoặc chưa báo cáo chính thức cho các cơ quan chức năng quốc gia.
Việc cung cấp điều trị dự phòng lao cũng bị cắt giảm. Khoảng 2,8 triệu người truy cập dịch vụ này vào năm 2020, giảm 21% kể từ năm 2019. Ngoài ra, số người được điều trị lao kháng thuốc giảm 15%, từ 177. 000 ca năm 2019 xuống 150. 000 ca năm 2020, tương đương chỉ khoảng 1/3 trong số những người có nhu cầu.
Đầu tư toàn cầu cho bệnh lao giảm
Đầu tư cho lao ở các nước thu nhập thấp và trung bình (LMIC), nơi chiếm 98% các trường hợp lao được báo cáo vẫn còn là một thách thức.
Báo cáo ghi nhận sự sụt giảm chi tiêu toàn cầu cho các dịch vụ chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa bệnh lao, từ 5,8 tỷ đô la Mỹ xuống còn 5,3 tỷ đô la Mỹ, thấp hơn một nửa so với mục tiêu toàn cầu về việc tài trợ đầy đủ cho ứng phó với bệnh lao là 13 tỷ đô la Mỹ hàng năm cho đến năm 2022.
Trong khi đó, mặc dù có nhiều tiến bộ trong việc phát triển các phương pháp chẩn đoán, thuốc và vaccine lao mới, nhưng điều này đã bị hạn chế bởi mức đầu tư tổng thể cho R&D (đầu tư và phát triển), ở mức 0,9 tỷ đô la Mỹ vào năm 2019, thấp hơn nhiều so với mục tiêu toàn cầu là 2 tỷ đô la Mỹ mỗi năm.
Gián đoạn tiếp cận các dịch vụ chăm sóc và điều trị bệnh lao làm gia tăng tử vong ở người bệnh.
Các mục tiêu cho bệnh lao toàn cầu đi chệch hướng
Các mục tiêu chống lao toàn cầu đang đi chệch hướng và ngày càng có vẻ xa ngoài tầm với, tuy nhiên vẫn có một số thành công nhất định: Trên toàn cầu, mức giảm số ca tử vong do lao từ năm 2015 đến năm 2020 là 9,2%, đạt ¼ mục tiêu là 35% đến năm 2020; số người mắc bệnh lao mỗi năm (so với dân số) đã giảm 11% từ năm 2015 đến năm 2020, đạt hơn ½ mục tiêu là 20% đến năm 2020.
Tiến sĩ Tereza Kasaeva, Giám đốc Chương trình Chống lao toàn cầu của WHO cho biết: Chúng ta chỉ còn một năm nữa để đạt được các mục tiêu lịch sử về bệnh lao năm 2022 mà các Nguyên thủ đã cam kết tại Cuộc họp cấp cao đầu tiên của Liên hợp quốc về bệnh lao. Báo cáo này đã cung cấp thông tin quan trọng và là lời nhắc nhở mạnh mẽ đối với các quốc gia cần khẩn trương theo dõi nhanh các phản ứng với bệnh lao và cứu sống họ. Điều này sẽ rất quan trọng khi bắt đầu chuẩn bị cho Cuộc họp cấp cao lần thứ 2 của LHQ về bệnh lao vào năm 2023".
Báo cáo kêu gọi các quốc gia thực hiện các biện pháp khẩn cấp để khôi phục khả năng tiếp cận các dịch vụ lao thiết yếu; tiếp tục tăng gấp đôi đầu tư vào nghiên cứu và đổi mới bệnh lao cũng như hành động phối hợp trong toàn ngành y tế và các ngành khác để giải quyết các yếu tố quyết định về xã hội, môi trường và kinh tế của bệnh lao và các hậu quả của nó.
Mục tiêu toàn cầu về bệnh lao
Trong năm 2014 và 2015, tất cả các Quốc gia thành viên của WHO và LHQ đã thông qua các Mục tiêu Phát triển Bền vững của LHQ (SDGs) và Chiến lược chấm dứt bệnh lao của WHO. SDGs và Chiến lược chấm dứt bệnh lao đều bao gồm các mục tiêu và cột mốc quan trọng để giảm đáng kể tỷ lệ mắc lao, tử vong do lao và chi phí mà bệnh nhân lao và hộ gia đình của họ phải đối mặt.
Chiến lược chấm dứt bệnh lao của WHO đặt mục tiêu giảm 90% số ca tử vong do lao và giảm 80% tỷ lệ mắc bệnh lao vào năm 2030, so với năm 2015. Các mốc quan trọng cho năm 2020 bao gồm giảm 20% tỷ lệ mắc bệnh lao và giảm 35% tỷ lệ tử vong do lao.
Tuyên bố Chính trị của Liên hợp quốc về bệnh lao cũng bao gồm 4 mục tiêu mới cho giai đoạn 2018-2022:
- Điều trị bệnh lao cho 40 triệu người.
- Tiếp cận ít nhất 30 triệu người được điều trị dự phòng lao đối với tình trạng nhiễm lao tiềm ẩn.
- Huy động ít nhất 13 tỷ đô la Mỹ hàng năm để phổ cập tiếp cận chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh lao.
- Huy động ít nhất 2 tỷ đô la Mỹ hàng năm cho nghiên cứu bệnh lao.
Sự thật về bệnh lao
Bệnh lao (TB), căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thứ hai (sau COVID- 19), gây ra bởi vi khuẩn (Mycobacterium tuberculosis) thường ảnh hưởng đến phổi. Nó có thể lây lan khi những người bị bệnh lao thải vi khuẩn vào không khí thông qua ho.
Nhiều trường hợp mắc lao mới do 5 yếu tố nguy cơ: Thiếu dinh dưỡng, nhiễm HIV, rối loạn sử dụng rượu, hút thuốc lá và tiểu đường.
Bệnh lao có thể phòng ngừa và chữa khỏi được. Khoảng 85% những người phát triển bệnh lao có thể được điều trị thành công với chế độ dùng thuốc 6 tháng; điều trị có lợi ích bổ sung là hạn chế lây lan của bệnh.
Mời độc giả xem thêm video:
Trái Tim Thanh Xuân - Gala Nhạc Việt .