Giãn dây chằng khớp gối là bệnh thường gặp do nhiều nguyên nhân khác nhau, gặp ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu ở người trưởng thành. Trong đó, người cao tuổi khi gặp phải, sẽ gặp không ít khó khăn cho việc hồi phục.
Dây chằng đầu gối được chia làm ba loại, đó là dây chằng chéo trước, dây chằng bên và dây chằng chéo sau. Khớp gối giúp nâng đỡ cơ thể một cách vững chắc và chịu một lực rất lớn với trọng lực gần như toàn bộ cơ thể (từ khớp gối trở lên). Khớp gối cũng cho phép chân gập cong, duỗi thẳng và thể hiện tính linh hoạt, ổn định cần thiết để đi, đứng, chạy, luồn cúi, nhảy và quay. Các bộ phận khác của khớp gối thực hiện chức năng của nó gồm có xương, sụn, tổ chức dưới sụn, bao khớp, dịch khớp, các đầu cơ, dây chằng, gân, các dây thần kinh đi ngang qua và các đầu mút dây thần kinh…
Khi bị chấn thương khớp gối sẽ làm giãn dây chằng gây đau nhức, khó chịu
Nguyên nhân
Khi đi lại, chạy, nhảy, vận động không đúng cách, sai tư thế hoặc bị va đập mạnh sẽ gây nên tình trạng giãn dây chằng khớp gối ảnh hưởng tới vận động. Một trong những nguyên nhân gây giãn dây chằng khớp gối hay gặp nhất thường ngày là chấn thương (ngã, chạy, đi lại, nhảy, bị gập khớp gối... nhất là trong chơi thể thao, đặc biệt là bóng đá, thể dục dụng cụ, nhảy xa, nhảy cao hoặc dễ gặp ở người có tuổi). Với người tuổi đã cao, các gân cơ dây chằng xương khớp đã yếu do lão hóa, trong đó có khớp gối. Với khớp gối, do quá trình lão hóa liên tục xảy ra, dây chằng khớp gối bắt đầu kém co giãn do đó dễ bị tổn thương mỗi khi có chấn thương với mọi nguyên nhân khác nhau đều có thể gây giãn dây chằng. Bởi vì, sự vững chắc của khớp gối là sự vững chắc của mối quan hệ giữa xương đùi và xương chày, được đảm bảo bởi dây chằng giúp khớp gối không bị các tổn thương tác động. Ngoài ra, viêm khớp gối có thể do viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ toàn thân, viêm khớp nhiễm khuẩn... có thể làm tổn hại đầu gối, làm bào mòn các bộ phận của đầu gối ảnh hưởng rất lớn các bộ phận có liên quan của khớp gối, trong đó có dây chằng.
Triệu chứng
Khi bị chấn thương với bất kỳ hình thức nào đều gây đau dây chằng khớp gối (đau nhiều hay ít còn thùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó tuổi tác, sự lão hóa đóng vai trò khá quan trọng). Khi bị chấn thương khớp gối sẽ làm giãn dây chằng gây đau nhức, khó chịu, đồng thời khớp gối sẽ bị sưng nề, bầm tím làm hạn chế hoặc rất khó vận động. Nếu chấn thương mạnh khớp gối, đồng nghiã với tổn thương dây chằng khớp gối, dù ở lứa tuổi nào, ngay cả vận động viên thể thao cũng khó có thể tự đi lại được mà cần có sự hỗ trợ (dìu, cõng, cáng…). Sự sưng nề, bầm tím, đau sẽ tiến triển rất nhanh và nếu không có biện pháp sử trí khịp thời, đặc biệt đối với người tuổi cao, sức yếu, khớp gối đã bị thoái hóa có thể làm cho dây chằng khớp gối lão hóa nhanh hơn. Ở người cao tuổi khi dây chằng khớp gối bị giãn do lão hóa (chưa nói đến bị chấn thương kèm theo), người bệnh đã cảm thấy đau, mỏi khớp gối khi ngồi xổm, nhất là lúc lên xuống cầu thang hoặc lúc chạy, nhảy.
Tiến triển
Sau khoảng 2 - 3 tuần chấn thương làm giãn dây chằng khớp gối các dấu hiệu đau nhức, sưng, bầm tím sẽ hết, nhưng có thể xuất hiện hiện tượng teo cứng cơ ở phía trước đầu gối. Nếu như các cơ tại đầu gối khỏe mạnh, người bệnh sẽ không gặp phải tình trạng lỏng gối do các cơ đã bù lại chức năng của dây chằng. Tuy nhiên, có thể bị lỏng khớp gối do mâm chày không có gì giữ cố định nên sẽ bị bắn trật ra ngoài gây đau. Nếu để lâu hơn nữa gối sẽ bị tổn thương do tình trạng thoái hóa sụn khớp gây ra, khớp gối sẽ đau thường xuyên khi đi lại (với người cao tuổi đã bị lão hóa khớp gối, hiện tượng này xảy ra nhanh hơn). Vì vậy, giãn dây chằng khớp gối (ở đây chưa đề cập đến đứt dây chằng khớp gối) nếu không xử trí khịp thời, đúng chuyên môn, ngoài việc gây hạn chế vận động còn để lại hậu quả xấu lâu dài cho nạn nhân là đau khớp gối mỗi khi vận động.
Để xác định có bị giãn dây chằng khớp gối hay không, cần tiến hành chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính và chụp cộng hưởng từ để đánh giá mức độ giãn hay đứt dây chằng và nhất là có rạn hoặc rách sụn chem. hay không để có chỉ định điều trị thích hợp.
Nguyên tắc điều trị
Khi bị chấn thương về dây chằng (dân gian gọi là bong gân), tuyệt đối không dùng các loại cao, dầu chườm nóng như Salonpas, Deep Heat, dầu cao sao vàng, dầu gió… Bởi vì, các loại này chỉ tác dụng tốt với các chấn thương về co cơ, còn nếu bong gân, căng cơ mà dùng sẽ làm sưng hơn và tình trạng bệnh sẽ xấu hơn, hơn nữa, khi làm nóng, dây chằng hoặc cơ bị căng sẽ khó co về trạng thái bình thường (nóng nở ra, lạnh co lại mà), vì vậy, nên chườm đá lạnh ngay là tốt nhất. Sau đó nên đi khám bệnh, tốt nhất là khám chuyên khoa khớp ở cơ sở y tế tin cậy để được chẩn đoán sớm và điều trị tích cực, đúng để bệnh chóng khỏi. Người nhà hoặc bệnh nhân không nên tự chẩn đoán, tự điều trị nếu không có chuyên, môn về y học sẽ làm cho bệnh nặng thêm và sẽ đưa đến hậu quả xấu. Tại các cơ sở y tế đầy đủ trang thiết bị sẽ được xác định sớm và có chỉ định điều trị thích hợp.
Nên chườm đá lạnh ngay là tốt nhất
Nguyên tắc phòng bệnh
Với người tuổi cao nên đi lại hết sức thận trọng nhất là mỗi khi lên xuống cầu thang bộ. Nên hạn chế chạy, nhảy vì các dây chằng đã bắt đầu hoặc đã bị lão hóa theo thời gian, thêm vào đó khớp gối cũng không còn khỏe như trước càng dễ làm cho dây chằng bị giãn mỗi khi bị tác động, thậm chí tác động nhẹ. Nên đi, đứng cẩn thận không vội vàng tránh va đập gây sang chấn khớp gối, dây chằng. Cố gắng tập thể dục, vận đông cơ thể hàng ngày, nhất là khớp gối. Mỗi buổi sáng khi vừa ngủ dậy nên xoa bóp khớp gối để máu được lưu thông. Cần có chế độ ăn uống hợp lý, đủ chất, uống đủ lượng nước hàng ngày.