Chiều cao trung bình vẫn còn thấp
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, đến nay Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân như tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em đã giảm nhanh và bền vững. SDD thể nhẹ cân giảm từ 30,1% năm 2000 xuống còn 14,1% năm 2015. SDD thể nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi năm 2016 là 13,8%.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thách thức như tỷ lệ SDD thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi tính chung cả nước mỗi năm giảm 1% nhưng vẫn còn ở mức cao (năm 2016 là 24,3%) và có sự chênh lệch nhiều giữa các vùng - nhất là vùng núi, vùng khó khăn và nông thôn với thành phố, đồng bằng. Tỷ lệ này ở miền núi phía Bắc là 30,3%, ở Tây Nguyên là 34,2%. Chiều cao trung bình của cả nam và nữ của người Việt 1,64m và 1,55m.
Vẫn còn thiếu vi chất dinh dưỡng
Theo các chuyên gia, thiếu vi chất dinh dưỡng là những nguyên nhân chính dẫn tới chiều cao khiêm tốn của thanh niên Việt Nam. Ngoài ra, thiếu vi chất dinh dưỡng còn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, sự phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ, cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ em; khả năng sinh sản cũng như năng suất lao động của người lớn.
Theo dõi sức khỏe định kỳ cho trẻ.
Thiếu vi chất dinh dưỡng có thể phát triển thành bệnh đặc trưng như bệnh thiếu máu do thiếu sắt, bệnh khô mắt do thiếu vitamin A... Theo điều tra năm 2014-2015 của Viện Dinh dưỡng, tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi tại Việt Nam là 27,8%, tỷ lệ này cao hơn ở miền núi là 31,2%, nông thôn 28,4% và ở thành thị 22,2%. Tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai là 32,8% và tỷ lệ này ở phụ nữ không có thai là 25,5%.
Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 13% trong đó tỷ lệ thiếu vitamin A ở trẻ em dưới 5 tuổi cũng cao hơn ở miền núi (16,1%), nông thôn (13,1%) và thấp hơn ở thành thị (8,2%). Theo ước tính, Việt Nam có khoảng 7,5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi, thì số trẻ em bị thiếu vitamin A tiền lâm sàng là gần 1 triệu.
Thiếu sắt và kẽm gây nên những hậu quả nghiêm trọng, trong số 1.600 trường hợp tử vong mẹ hàng năm có 192 (12%) trường hợp liên quan đến thiếu máu do thiếu sắt. Thiếu máu không chỉ gây tác hại đối với sức khỏe, năng lực trí tuệ mà còn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của đất nước, do năng suất lao động kém và những chi phí do bệnh tật - hậu quả của tình trạng thiếu máu, thiếu sắt.
Cải thiện chiều cao cho trẻ thế nào?
Theo các chuyên gia, có 4 yếu tố liên quan đến phát triển chiều cao là di truyền, hoạt động môi trường, hoạt động thể lực và các yếu tố môi trường khác. Tại các quốc gia châu Âu hoặc Bắc Mỹ, di truyền có thể ảnh hưởng tới 80% chiều cao khi trưởng thành, trong khi tại các quốc gia châu Á như Trung Quốc, di truyền chỉ quyết định khoảng 65% chiều cao khi trưởng thành. Có khoảng hơn 400 gene khác nhau ảnh hưởng đến chiều cao của con người, trong số đó có 83 gene có ảnh hưởng mạnh mẽ đến chiều cao.
Ngoài ra, một vài yếu tố quan trọng nữa cũng ảnh hưởng tới sự phát triển chiều cao của trẻ em là các yếu tố bệnh tật như bệnh truyền nhiễm, giun sán, bệnh đường hô hấp; vai trò của giấc ngủ; luyện tập thể thao...
Bên cạnh đó, chất lượng bữa ăn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển chiều cao của trẻ sau này. Các chuyên gia cho biết, khẩu phần ăn của trẻ hiện chưa bảo đảm đa dạng, cân đối, chưa đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị về một số chất dinh dưỡng quan trọng (như vitamin A, vitamin D, canxi, Fe, kẽm...). Trong khẩu phần ăn hàng ngày của cả trẻ bình thường cũng như trẻ bị SDD nhẹ cân và thấp còi đều không đủ canxi và các vi chất thiết yếu giúp hấp thu canxi vào xương hiệu quả.
Để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, đầu tiên cần quan tâm đến chăm sóc dinh dưỡng ngay từ tuổi vị thành niên, đặc biệt là giai đoạn mới kết hôn, chuẩn bị làm mẹ. Dinh dưỡng hợp lý trong 1.000 ngày vàng (đầu đời) tức là từ khi bà mẹ bắt đầu mang thai đến khi trẻ 2 tuổi đóng vai trò hết sức quan trọng. Đảm bảo dinh dưỡng cho phụ nữ trong thời gian mang thai để giúp thai nhi phát triển tốt và bà mẹ có đủ dự trữ các chất dinh dưỡng để nuôi con sau này.
Mặt khác, bổ sung viên sắt trong thời kỳ mang thai và sau khi sinh là rất cần thiết để phòng chống thiếu máu cho cả mẹ và con. Bà mẹ trong vòng 1 tháng đầu sau đẻ cũng cần được uống vitamin A liều cao và cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sau sinh để phòng chống thiếu vitamin A cho trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi.